Hiệu quả
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Hoàng Văn Định, Chủ nhiệm dự án cho biết, để nâng cao hiệu quả và giá trị mật ong xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, ngành chăn nuôi ong Việt Nam cần kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng và an toàn thực phẩm, đặc biệt là tồn dư thuốc kháng sinh và thuốc BVTV trong mật ong. Đẩy mạnh áp dụng quy trình VietGAHP nuôi ong an toàn, GMP trong chế biến, đóng gói mật ong xuất khẩu và mở rộng liên kết SX giữa các đối tác trong ngành ong.
Các đại biểu tham quan trang trại ong nhà ông Lê Đình Thanh |
Ngoài ra, tại vùng SX cần xây dựng các tổ hợp tác, HTX, CLB nuôi ong, liên kết giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng thành chuỗi hàng hóa, đầu tư cho nghiên cứu công nghệ, khuyến nông để phát triển bền vững nghề ong theo hướng XK, hình thành hệ sinh thái bền vững.
Trong các năm 2016 - 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án tại 10 tỉnh, mỗi tỉnh thực hiện tại 2 điểm trình diễn/năm; thực hiện hỗ trợ các hộ tham gia với 2.440 đàn ong trong đó 1.640 đàn ong nội và 800 đàn ong ngoại, hỗ trợ 50% thức ăn bổ sung (đường) theo yêu cầu 2kg/đàn ong theo định mức ban hành.
Kết quả triển khai cho thấy, các đơn vị đã lựa chọn tổng số 24 xã để xây dựng mô hình với 100% các xã đang xây dựng NTM. Các xã triển khai đều đáp ứng theo yêu cầu đề ra, phù hợp với vùng miền triển khai và quy hoạch phát triển chăn nuôi của mỗi địa phương, số đàn ong tại các xã giao động bình quân từ 500 - 1.500 đàn, diện tích đất nông, lâm nghiệp từ 5.500 - 10.000ha phù hợp cho điều kiện nuôi và phát triển các đàn ong cũng như để nhân rộng mô hình.
Tại Phú Thọ, tổng đàn ong của tỉnh dao động từ 30.000 - 50.000 đàn, hiện tại người nuôi ong đang tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào SX để nâng cao năng suất, chất lượng mật.
Năm 2017, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ đã thực hiện dự án tại 2 xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) và xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy). Đây là 2 địa phương có tổng số đàn cao và có số lượng cây nguồn lấy mật lớn như nhãn, vải, táo và một số cây số cây rừng tự nhiên khá phong phú.
Bước đầu, dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp người dân tiếp cận kỹ thuật mới về nghề nuôi ong mật chất lượng cao, từ đó thay đổi được các tập quán lạc hậu trong nghề nuôi ong mật. Kiểm soát được dịch bệnh trên đàn ong, giúp cộng đồng chấp hành và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn theo hướng VietGHAP…
Tại Sơn La, dự án được thực hiện với quy mô 20 đàn ong ngoại/hộ, đem lại thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình tham gia mô hình khoảng 6,5 triệu đồng/tháng, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ nuôi ong, góp phần xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu, giữ vững an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Trước đó, đoàn đại biểu đã tham quan trang trại ong của gia đình ông Lê Đình Thanh (xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy). "Gia đình tôi nuôi hơn 250 đàn ong, nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật mới, mỗi năm thu hoạch được hàng nghìn lít mật, đem lại thu nhập cao", ông Thanh chia sẻ. |
Ngoài ra, giải quyết được tình trạng thiếu giống ong ngoại, khai thác được thế mạnh của địa phương về nuôi ong như nguồn lao động, nguồn mật, phấn hoa, diện tích rộng…
Mật ong Việt bay xa
Tại hội thảo, ông Phạm Văn Cường, chuyên gia chất lượng sản phẩm ong Việt Nam cho biết, mật ong nước ta đã xuất hiện trên thị trường thế giới từ lâu và đã trở thành một thương hiệu mạnh.Tuy nhiên thị trường xuất khẩu mật ong của chúng ta chủ yếu là Hoa kỳ.
Tất cả các nước muốn nhập khẩu mật ong vào EU đều phải có hệ thống giám sát chất tồn dư được thể hiện bằng các đạo luật, bằng việc thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các trại ong, các Cty chế biến xuất khẩu mật ong. Kế hoạch giám sát hàng năm phải được gửi sang EU trước ngày 31/3 và phải được EU chấp thuận.
Cũng theo ông Cường, định kỳ 2 - 5 năm, EU lại cử một đoàn thanh tra đến nước sở tại để đánh giá hiệu quả thực tế của chương trình giám sát chất tồn dư. Nếu hệ thống giám sát hoạt động có hiệu quả, có thể truy xuất được nguồn gốc và ngăn ngừa việc sử dụng các chất cấmcũng như đảm bảo kiểm soát được tồn dư thuốc thú y, thuốc BVTV được phép sử dụng trong giới hạn cho phép thì sẽ được liệt kê trong danh sách các nước được xuất khẩu mật ong vào EU.
Các đại biểu được trực tiếp quan sát cầu ong |
Chuyên gia Cường cho biết thêm, cho tới nay EU đã phái 5 đoàn thanh tra tới nước ta vào các năm 2003, 2005, 2007, 2009, 2012 và lần gần đây nhất là từ ngày 15 - 24/11/2017. Hy vọng thanh tra lần này cho kết quả khả quan để mật ong Việt tiếp tục xác định được vị thế vững chắc trên thị trường EU nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.
“Đợt thanh tra năm 2012 đã được đoàn thanh tra EU kết luận hệ thống giám sát các chất tồn dư trong mật ong của chúng ta có hiệu quả, có thể truy xuất được nguồn gốc và ngăn ngừa được việc sử dụng các chất cấm trong nuôi ong cũng như đảm bảo kiểm soát được tồn dư thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong giới hạn cho phép.
Vì vậy, từ đó đến nay Việt nam có tên trong danh sách các nước được xuất khẩu mật ong vào EU. Cũng nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu mật ong Việt vào châu Âu tăng đều mỗi năm, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vì thị trường này rất khắt khe”, ông Cường cho hay.
Ông Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và nuôi ong nhiệt đới đã chia sẻ tới bà con nông dân một số tiến bộ kỹ thuật trong nuôi ong và một số giải pháp nâng cao chất lượng mật ong như giải pháp về kỹ thuật quản lý nuôi dưỡng đàn và giải pháp về giống...
Theo thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, ước tính hiện nay nước ta có khoảng 1,2 triệu đàn ong gồm các giống ngoại (ong Ý) và ong nội, trong đó đàn ong nội khoảng 200.000 đàn (chiếm 16,6%), ong ngoại 1.000.000 đàn (chiếm 83,3%). Số người nuôi ong khoảng 30.000 người, trong đó nuôi ong chuyên nghiệp khoảng 6.000 người (chiếm 20%). Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong. 90% sản lượng mật ong hàng năm của Việt Nam được xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ từ 90 - 95%, còn lại 5 - 10% xuất khẩu sang thị trường châu Âu. |