| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản lòng hồ Tuyên Quang bứt phá với cá đặc sản và công nghệ cao

Thứ Ba 18/10/2022 , 16:40 (GMT+7)

Phá bỏ tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, ngành thủy sản Tuyên Quang dần chuyển sang nuôi quy mô lớn gắn với liên kết chặt chẽ và hướng về thị trường lớn.

1

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng trên Hồ thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Trong chương trình tọa đàm "Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng trên sông, hồ tại huyện Na Hang" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức mới đây, các đại biểu đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành thủy sản Tuyên Quang. Địa phương này đang biến ngành thủy sản từ tiềm năng trở thành lợi thế. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp cũng như kiến nghị, đề xuất các chính sách đồng hành nhằm nâng cao giá trị của nghề thủy sản của tỉnh Tuyên Quang.

Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.255 lồng nuôi thủy sản, trong đó trên hồ thủy điện 1.700 lồng, trên sông là 555 lồng. Tỷ lệ lồng nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao tăng từ 31% năm 2017 lên 50% năm 2022 tổng số lồng toàn tỉnh.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, Tuyên Quang có tiềm năng lớn đối với việc nuôi cá hồ chứa. Toàn tỉnh có khoảng hơn 600 hồ có thể nuôi được thủy sản, đặc biệt hồ thủy điện Tuyên Quang có diện tích lên đến 8.000ha. Tại vùng lòng hồ có eo ngách, đủ điều kiện để nuôi trồng thủy sản, môi trường nước trong lành. Với hệ thống sông hồ có tiềm năng lớn, tỉnh Tuyên Quang cần tập trung bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tập trung phát triển nuôi cá đặc sản như nheo Mỹ, lăng, chiên, bỗng, dầm xanh, anh vũ…

2

Nghề chăn nuôi thủy sản đang dần khẳng định được vai trò của mình trong cơ cấu kinh tế của ngành nông nghiệp Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Cũng theo ông Khôi, mặc dù người nuôi thủy sản ở Tuyên Quang đã có kỹ thuật nuôi nhưng cần phải tiếp tục cải tiến để có quy trình nuôi hiện đại nhất. Tuyên Quang cần thực hiện các chương trình tập huấn, hướng dẫn để người dân nắm được các quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc thủy sản.

Một điểm sáng của ngành thủy sản Tuyên Quang là hiện nay, nuôi thủy sản không phải để giảm nghèo nữa mà đã hướng tới mục tiêu làm giàu. Thủy sản đặc sản Tuyên Quang đã đến được thị trường tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc... Tuyên Quang cũng đã xây dựng được các chương trình, đề án phát triển thủy sản đặc sản, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng, dài hơi để thủy sản Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa.

Toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 15 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP (trong đó có 12 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao); 2 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu; có 6 cơ sở được chứng nhận VietGAP, các sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu tại thành phố Tuyên Quang và siêu thị tại Hà Nội, Phú Thọ.

Chú trọng việc hình thành, duy trì và phát triển các mối liên kết sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ, đến nay tỉnh đã có 5 doanh nghiệp, HTX và 7 tổ hợp tác nuôi thủy sản lồng bè với quy mô trên 700 lồng nuôi, các đối tượng nuôi chủ yếu là cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá lóc bông, sản lượng hàng năm đạt trên 600 tấn, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

3

Ngành thủy sản đã cho nông nghiệp Tuyên Quang nhiều sản phẩm nông nghiệp tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trước đây, người dân Tuyên Quang nuôi cá theo phương pháp truyền thống là chủ yếu. Nhưng từ khi Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị của Sở NN-PTNT Tuyên Quang xây dựng, triển khai các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về nuôi cá lồng bè lòng hồ, nhiều mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ ở Tuyên Quang đã có hiệu quả và phát triển mạnh.

Qua các chương trình này, đã hướng dẫn bà con từ khi bắt đầu xây dựng lồng bè đảm bảo được độ bền và phòng chống được bão lũ; hướng dẫn đưa các con giống đạt tiêu chuẩn vào nuôi; chế độ thức ăn dinh dưỡng theo từng lứa tuổi, trọng lượng của cá; hướng dẫn kỹ thuật xử lý môi trường lồng nuôi luôn đảm bảo hạn chế thấp nhất các dịch bệnh phát sinh, hạn chế tỷ lệ hao hụt từ khi nuôi đến khi xuất bán.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc thủy sản; xây dựng các mô hình nuôi cá đặc sản; kiến nghị, đề xuất các chính sách để ngành thủy sản của Tuyên Quang phát huy tốt hơn nữa lợi thế của mình và giúp người nông dân làm giàu từ nghề này.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.