| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An ban hành Nghị quyết vực dậy ngành nghề thủy sản

Thứ Sáu 28/07/2023 , 18:58 (GMT+7)

Nghệ An đã thông qua Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi, xét tình hình hiện tại điều này rất cấp thiết.

Nghị quyết hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi được HĐND tỉnh thông qua được kỳ vọng sẽ vực dậy ngành nghề thủy sản đang có dấu hiệu chững lại. Ảnh: Việt Khánh.

Nghị quyết hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi được HĐND tỉnh thông qua được kỳ vọng sẽ vực dậy ngành nghề thủy sản đang có dấu hiệu chững lại. Ảnh: Việt Khánh.

Trong bức tranh chung khá ảm đạm, ngành nghề thủy sản Nghệ An cũng đối diện với muôn vàn áp lực. Hệ quả âm ỉ do đại dịch Covid-19 kéo dài, chi phí xăng dầu tăng cao, nguồn lợi khai thác suy giảm trầm trọng, ngư trường khai thác bị thu hẹp đáng kể khiến ngư dân khốn đốn thực sự, đời sống sinh kế của họ bị xáo trộn nặng nề.

Thực trạng kéo dài tựa như câu chuyện chưa có hồi kết buộc nhiều người phải cấp bách chuyển đổi nghề nghiệp, vô hình trung tạo ra cuộc khủng hoảng thiếu hụt lao động chưa từng có. Hiểu rõ điều này, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi.

Nghị quyết hướng đến mục tiêu giảm tải áp lực, qua đó thúc đẩy ngư dân vững tin, tiếp tục vươn khơi bám biển, vừa đảm bảo nhu cầu sinh kế lại tăng cường sự hiện diện tàu cá Việt Nam trên các vùng biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đây cũng được xem là yếu tố then chốt để đẩy mạnh nhiệm vụ chống khai thác IUU, từ đó sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC). Xa hơn là thúc đẩy phát triển nghề cá theo hướng trách nhiệm, bền vững.

Từ nhu cầu cấp bách, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh.

Đối tượng thụ hưởng chính sách là chủ sở hữu tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, bao gồm tàu đánh bắt, hoặc hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản được đăng ký tại tỉnh Nghệ An.

Nghị quyết lần này sẽ hỗ trợ 3 chính sách. Đầu tiên là hỗ trợ kinh phí chuyến biển cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi với định mức 1 lần/tàu/năm, có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2025. Tàu có tổng công suất máy chính từ 700CV trở lên sẽ được hỗ trợ 13.500.000 đồng; tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 700CV được hỗ trợ 10.500.000 đồng; tàu có tổng công suất máy chính từ 250CV đến dưới 400CV hỗ trợ 7.500.000 đồng…

Hai là hỗ trợ kinh phí mua 1 bộ thiết bị giám sát hành trình thay thế thiết bị Movimar (lưu ý chỉ hỗ trợ đối với nhóm tàu cá chưa được hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An) với định mức bằng 50% giá trị nhưng không quá 8.750.000 đồng, thời gian kéo dài đến hết ngày 31/12/2023.

Ba là hỗ trợ 70% cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá nhưng không quá 250.000 đồng/tàu/tháng, thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.

Phương tiện tàu cá của Nghệ An được hưởng lợi lớn khi Nghị quyết ra đời. Ảnh: Quốc Toản.

Phương tiện tàu cá của Nghệ An được hưởng lợi lớn khi Nghị quyết ra đời. Ảnh: Quốc Toản.

Như đã đề cập, Nghệ An với hệ thống bờ biển trên 82 km, diện tích vùng biển rộng đến 4.230 hải lý vuông, kết hợp vị trí địa lý, kinh tế, chính trị thuận lợi, biển được nhìn nhận là “mặt tiền”, là đòn bẩy để tỉnh này đẩy nhanh các hoạt động giao lưu và hội nhập quốc tế.

Nghệ An xác định phát triển vùng biển trở thành vùng kinh tế mũi nhọn, trong đó ưu tiên ngành dịch vụ cảng biển; du lịch biển; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thuyền; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản.

Mục tiêu được cụ thể hóa bằng kế hoạch, chủ trương sát sườn, đồng hành là các chính sách hỗ trợ thiết thực, nhờ đó kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng của Nghệ An tạo lập được đà tăng trưởng khá tích cực, phù hợp với định hướng tái cơ cấu của ngành.

Dù vậy, do cùng lúc đối diện với quá nhiều bất lợi, đan xen cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, ngành nghề thủy sản Nghệ An đang có những bước chững. Điều này được thể hiện qua những con số đối chứng, lũy kế đến ngày 18/7, sản lượng khai thác năm 2023 mới đạt 119.000/KH 192.000 tấn, giá trị ước đạt 2.691 tỷ đồng, đạt 62% so với kế hoạch năm.

Cùng thời điểm, ghi nhận lao động khai thác thủy sản đạt trên 16.000 người, trong số này lao động vùng khơi chiếm đến phân nửa, còn lại là lao động vùng lộng và ven bờ.

Theo kết quả rà soát, đánh giá của cơ quan chức năng, do hiệu quả hoạt động khai thác thời gian gần đây thiếu ổn định, không đảm bảo được nguồn thu, đặc biệt là rủi ro cao nên nhiều lao động đã chuyển đổi sang các ngành nghề khác, khiến chủ tàu xoay xở rất vất vả do thiếu hụt người làm trầm trong.

Đưa ra một vài lát cắt để thấy, Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ra đời rất đúng thời điểm, kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt và mở ra hi vọng mới cho ngành nghề thủy sản của Nghệ An.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.