Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ bà Cao Thị Thúy ở thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn. Với diện tích 1ha, bà Thúy được hướng dẫn chỉ sử dụng 0,3ha ao ương và nuôi. Số còn lại làm ao chứa và xử lý nước. Sau gần 4 tháng nuôi, gia đình bà thu về hơn 12 tấn tôm thương phẩm, tương đương năng suất 30 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 700 triệu đồng.
Với quy trình này, trong giai đoạn đầu, tôm giống được thả nuôi trong ao ương với mật độ 500 con/m2. Sau khoảng 1,5 tháng, khi tôm đạt kích cỡ từ 150-170 con/kg, người nuôi chuyển sang ao nuôi với mật độ từ 150-160 con/m2. Sau 3 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ 38 con/kg, người nuôi có thể thu tỉa thưa để giảm mật độ và nuôi thêm gần 1 tháng, đạt kích cỡ 26 con/kg thì thu hoạch toàn bộ.
Bà Thúy cho biết, nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình 2 giai đoạn có nhiều ưu điểm: "Diện tích ao chứa lớn nên nguồn nước cấp vào ao ương và ao nuôi được xử lý kỹ, giảm thiểu mầm bệnh gây hại. Nuôi theo phương thức này dễ quản lý dịch bệnh và có thể kéo tôm về size lớn”.
Vùng nuôi tôm tập trung tại Hợp tác xã (HTX) Quảng Xá, xã Vĩnh Lâm có diện tích trên 23ha, trong đó có khoảng 10ha nuôi tôm công nghệ cao theo quy trình 2-3 giai đoạn, các ao nuôi đều có hệ thống mái che. Theo các hộ nuôi tôm, đầu tư một ao nổi có mái che diện tích từ 800-1.000 m2 chi phí từ 300-400 triệu đồng. Đây đang là lựa chọn phù hợp, giúp khắc phục được các yếu tố bất lợi về thời tiết, môi trường nước, giúp điều hòa được nhiệt độ, đặc biệt là vào mùa hè, những lúc thời tiết chuyển mùa, oi bức.
Ông Hoàng Đức Huấn, tổ trưởng Tổ nuôi tôm HTX Quảng Xá cho biết, 2 năm qua, nuôi tôm công nghệ cao tại HTX phát triển mạnh. Sản lượng thu hoạch năm 2023 đạt trên 93 tấn, doanh thu đạt khoảng 16,5 tỉ đồng; trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 8 tỉ đồng. Đáng chú ý là do ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước sông Sa Lung nên hầu hết các hộ nuôi tôm thâm canh thông thường đều bị thua lỗ nhưng các hộ nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, quy trình 2-3 giai đoạn vẫn an toàn.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2018, đến nay, Quảng Trị có trên 100ha nuôi tôm công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà. Hầu hết các mô hình nuôi tôm công nghệ cao đều được thành công và mang lại hiệu quả cao cho người nuôi nhờ hạn chế được rủi ro về dịch bệnh, giảm thiểu chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, địa phương này hiện có gần 3,4 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt từ 7,5-10 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, đa phần hiện nay vẫn nuôi theo phương thức truyền thống, rủi ro cao.
Nuôi tôm công nghệ cao giải quyết được vấn đề dịch bệnh, môi trường nuôi, nhất là xử lý chất thải và khí độc trong ao nuôi thường gặp phải khi nuôi theo phương thức truyền thống. Tôm nuôi từ 60 ngày tuổi sẽ tích tụ dưới đáy ao lượng chất thải khá lớn. Đây là thời điểm dễ phát sinh các loại khí độc, ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe của tôm nuôi.
Việc chuyển từ ao ương sang ao nuôi giúp đáy ao nuôi luôn mới, thời gian nuôi tại mỗi ao ngắn nên lượng chất thải, khí độc phát sinh không lớn. Mặt khác, thời gian nuôi 1 vụ của các ao không dài, thông thường khoảng 2 tháng, ao nuôi được luân chuyển theo hình thức cuốn chiếu nên người nuôi có thể tăng số vụ nuôi trong năm.
"Những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã xây dựng, khuyến khích phát triển nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao như quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn, ứng dụng công nghệ bioflock, VietGAP... Nuôi tôm công nghệ cao là hướng đi phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường nuôi ô nhiễm như hiện nay", ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, cho biết.