| Hotline: 0983.970.780

Nuôi trăn hốt bạc

Thứ Năm 10/04/2014 , 13:03 (GMT+7)

Những năm gần đây giá trăn ổn định nhờ mặt hàng da trăn xuất khẩu sang châu Âu khá mạnh.

Nghề nuôi trăn ở An Giang đang phát triển mạnh ở nông hộ và các cơ sở nuôi trăn lấy da xuất khẩu.

Vùng nuôi trăn lớn nhất ở An Giang là làng Phù Dật, ấp Bình Chánh, xã Bình Long, huyện Châu Phú với hơn 100 hộ nuôi từ 20 - 100 con/hộ, do có nguồn thức ăn tại chỗ cho trăn. Anh Trần Văn Thêm, ấp Bình Chánh cho biết: "Kể từ đầu năm 2011 đến nay, giá trăn luôn ở mức hấp dẫn, từ 30.000 - 35.000 đ/kg nên rất phấn khích người nuôi. Do có nguồn thức ăn là chuột đồng nên tôi đã đầu tư chuồng nuôi gần 140 con trăn phía sau nhà.

Hiện nay đàn trăn sắp xuất bán, dự kiến lời khoảng 200 triệu đ. Ngoài ra, tôi còn là thương lái chuyên thu mua trăn thương phẩm để cung cấp cho các cơ sở chuyên xuất khẩu da trăn, mỗi năm từ 2 - 3 tấn".

Còn anh Trương Minh Nhựt ở cùng xóm với kinh nghiệm nuôi trăn gần 16 năm nay, cho biết: "Nghề nuôi trăn phát triển mạnh phụ thuộc vào yếu tố thị trường, giá trăn càng cao người nuôi càng nhiều. Vì đây là nghề rất nhàn rỗi, chi phí đầu tư không cao nhưng cho thu nhập khá ổn định".

Nhờ nuôi trăn phát triển ổn định, từ đầu năm 2014 đến nay, bình quân mỗi tháng anh Thai sơ chế từ 200 - 300 tấm da trăn để giao cho các Cty XK. Anh khẳng định, ở vùng Bảy Núi - An Giang, nuôi trăn là một trong những mô hình có hiệu quả tốt nhất, bởi có nguồn thức ăn dồi dào, nhất là chuột đồng. Nuôi trăn cũng không cần đến diện tích lớn và cũng không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Theo kinh nghiệm của anh Nhựt, muốn nuôi trăn thành công trước hết phải nắm vững kỹ thuật. Trong đó, khâu quan trọng nhất là vệ sinh chuồng trại và thức ăn. Chuồng trại phải có đủ ánh nắng, nền gạch men sạch sẽ. Thức ăn chính cho trăn là chuột, gà, vịt hoặc các loại phế phẩm từ gia súc, gia cầm.

Để chủ động nguồn thức ăn, người nuôi phải mua chuột sống dự trữ. Riêng các loại phế phẩm như đầu, cánh, chân gà, vịt hoặc nội tạng gia súc phải được tồn trữ trong tủ đông mới bảo đảm chất lượng. Nuôi sau 8 tháng đến 1 năm, trăn có trọng lượng từ 5 - 6 kg, sau 2 năm nặng 30 kg và 3 năm khoảng 40 kg.

Theo tính toán của người nuôi, 1 con trăn giống, giá hiện nay là 350.000 đ, sau 1 năm nuôi tốn khoảng 500.000 đ tiền thức ăn, trọng lượng có thể đạt 6 kg. Nếu bán với giá 300.000 đ/kg, tiền lời sẽ lên đến 1 triệu đ. Theo nhu cầu thị trường hiện nay, nhất là thị trường châu Âu, loại trăn 6 kg/con được xếp vào loại I, có giá cao nhất từ 300.000 - 320.000 đ/kg. Trăn càng to giá càng thấp, cụ thể như loại trên 10 kg/con giá 240.000 đ/kg; trên 20 kg giá 220.000 đ/kg… Riêng loại trăn bông giá rất cao. Còn con giống thì giá cao gấp 3 - 4 lần trăn thường, nhưng rất hiếm.

Về nuôi trăn lấy da xuất khẩu, có thể nói người nuôi hiệu quả nhất là anh Thái Vinh Thai, chủ trại Hồng Quang ở khóm 4, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (An Giang). Sau nhiều năm lặn lội trong nghề, anh Thai đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật lột lấy da.

Theo anh Thai, khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi trăn là sản phẩm và đầu ra. Muốn có sản phẩm tốt phải nuôi đúng kỹ thuật và đúng bài bản. Muốn đầu ra ổn định phải có hợp đồng xuất khẩu.

Trại của anh Thai lúc nào cũng có trên 1.500 con trăn đủ cỡ, gồm hai loại: trăn vàng và trăn đất. Anh cho biết người Nhật rất thích da trăn vàng nhờ hoa văn vàng, đẹp và sáng. Trong quá trình khai thác, thợ lột da trăn phải hết sức cẩn thận, vết cắt thật khéo léo, nhẹ nhàng và thành thạo, chính xác.

Lột xong phải có người căn da trên một tấm ván có chiều dài tương đương với chiều dài của da trăn. Sau khi khô, da trăn được cuốn hoặc xếp lại chờ giao hàng. Theo hợp đồng, da trăn được chia làm 3 loại I, II và III tùy theo kích cỡ. Ngoài tiền bán da trăn ra, các cơ sở chế biến còn bán được thịt trăn, mỡ trăn và mật trăn cho người tiêu dùng.

Với số lượng trăn bố mẹ dồi dào nên mỗi năm trại Hồng Quang SX trên vài ngàn con trăn giống bảo đảm chất lượng. Từ công việc làm ăn thuận lợi, anh Thai đã liên kết với nhiều trại chăn nuôi và các hộ nuôi quy mô gia đình để hợp đồng cung ứng con giống và thu mua lại trăn thịt với giá thỏa thuận. Nhờ vậy mà các trại nuôi, kể cả hộ nuôi nhỏ lẻ cũng rất phấn khởi và có điều kiện phát triển ngày càng quy mô hơn.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.