| Hotline: 0983.970.780

Giá thấp kéo dài, người nuôi trâu, bò thua lỗ nặng

Thứ Hai 13/03/2023 , 14:00 (GMT+7)

Giá trâu, bò xuống thấp khiến nhiều hộ nông dân ở Tuyên Quang thua lỗ nặng, do đó việc duy trì và phát triển tổng đàn đang đối điện khó khăn.

DSC_7817

Có con trâu bán ra thị trường người nông dân ở Tuyên Quang thua lỗ cả 10 triệu đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Huyện Chiêm Hóa là địa phương có tổng đàn trâu lớn bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang. Hiện nay, huyện có hơn 22.300 con trâu, trong đó có nhiều hộ phát triển mô hình nuôi trâu vỗ béo phát triển kinh tế. Ngoài ra, huyện cũng sở hữ tồng đàn bò 2.600 con.

Từ cuối năm ngoái đến nay, giá trâu xuống thấp khiến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn nên tổng đàn trâu đã giảm đáng kể. Nếu so với mục tiêu kế hoạch đề ra, đến nay đàn trâu của huyện Chiêm Hóa đã giảm khoảng 5.000 con.

Gia đình anh Hoàng Văn Hà, thôn Đầu Cầu, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa chăn nuôi bò theo hình thức sinh sản được gần 10 năm nay. Những năm trước khi trâu, bò còn được giá, nuôi trâu bò sinh sản đã giúp gia đình anh cũng như nhiều hộ dân ở Chiêm Hóa có nguồn thu nhập ổn định và làm giàu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, giá trâu, bò xuống thấp khiến các hộ chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ đã không dám mở rộng đầu tư phát triển đàn.

Anh Hà cho biết, những năm trước gia đình anh có 40 con bò nuôi theo hình thức sinh sản, đến nay chỉ còn 21 con. Nguyên nhân chính do giá bò xuống quá thấp. Nếu trước kia 1 con bò mẹ sinh sản giá từ 27 đến 30 triệu, nay chỉ còn 18 đến 20 triệu còn bê nuôi 7 tháng có giá 13 triệu đồng giờ chỉ có giá khoảng 7 triệu đồng.

Nếu với giá này, trừ chi phí đầu tư người chăn nuôi không có lãi. Gia đình anh Hà chủ yếu bỏ công chăm sóc và tận dụng tối đa nguồn cỏ tự nhiên và cỏ trồng tại vườn nên không bị lỗ vốn. Nhưng với những hộ nuôi trâu bò vỗ béo, phải đầu tư thức ăn chăn nuôi, mua cỏ… sẽ bị lỗ rất nặng.

DSC_7831

Giá trâu, bò xuống thấp khiến người chăn nuôi ở Tuyên Quang lao đao. Ảnh: Đào Thanh.

Thời kỳ cao điểm, HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa có tổng đàn trâu bò là gần 100 con. Nhưng hiện nay tổng đàn của HTX chỉ còn hơn 30 con, nguyên nhân do giá trâu, bò xuống thấp.

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi trong HTX, giá trâu bò hiện giảm từ 10 đến 18 triệu đồng/con. Như 1 con trâu có trọng lượng 6 tạ trước đây giá ít nhất khoảng 50 triệu đồng, nay còn 36 triệu nếu là trâu béo, trâu gầy giá thấp hơn nữa. 1 con bò trọng lượng hơn 4 tạ trước giá khoảng 32 triệu đồng nay giảm xuống 18 triệu đồng.

Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công cho biết, nếu tình trạng giá trâu, bò thấp như hiện nay người chăn nuôi sẽ thua lỗ nặng và bỏ đàn. Bởi để nuôi được 1 con trâu khoảng 40 triệu về vỗ béo, 4 tháng sau người nuôi phải bán mới có lãi. Nhưng nay do giá trâu xuống thấp, không nỡ bán người nông dân nuôi trâu cả năm nhưng giá bán vẫn chỉ được khoảng 40 triệu đồng, có con còn thấp hơn. Như vậy, chưa tính công chăm sóc trong vòng 1 năm mà nguyên tiền bỏ ra đầu tư mua giống, thức ăn chăn nuôi, mua cỏ… có con trâu khiến người nuôi lỗ cả chục triệu đồng.

Hiện tổng đàn trâu của toàn tỉnh Tuyên Quang khoảng 90.300 con, bò 38.400 con. Theo ngành NN-PTNT địa phương này, việc trâu, bò xuống giá thấp kéo dài trong nhiều tháng khiến nông dân gặp không ít khó khăn, nguy cơ giảm tổng đàn trong thời gian tới là rất lớn. 

Cũng theo đại diện ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, nguyên nhân khiến giá trâu bò xuống thấp kéo dài là do nguồn cung thịt gia súc đang vượt cầu, trong khi xuất khẩu gia súc sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn.

Dự báo năm 2023 này ngành chăn nuôi có thể sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Giải pháp tốt nhất với người chăn nuôi lúc này là chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại không đáng có. Bên cạnh đó, việc nghe ngóng thị trường, không vội vàng phát triển tổng đàn cũng là điều cần tính toán thật kỹ lưỡng.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Chuyển đất lúa kém hiệu quả trồng tràm năm gân

NINH BÌNH Việc chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng tràm năm gân giúp người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gia tăng giá trị sản xuất và thu nhập.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.