Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, hiện nay tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh là 90.300 con, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân của việc giảm này là thời gian gần đây, giá trâu thương phẩm xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi lỗ nặng nên không đầu tư nuôi tiếp. Trong khi đó, nhu cầu thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Tại các khu chuồng chăn nuôi đại gia súc của nhiều hộ dân ở huyện Chiêm Hóa, tổng số đàn trâu đã giảm hẳn. Bởi người chăn nuôi nhận thấy nuôi trâu rất khó bán ra thị trường thời điểm hiện nay.
Hiện nay toàn huyện còn 23.310 con trâu, chỉ đạt 83% kế hoạch duy trì và tăng đàn trong năm 2022. Nhiều xã thường xuyên duy trì tổng đàn trên 1.000 con như Hòa Phú, Tân An, Hà Lang, Hùng Mỹ… tổng đàn cũng đã giảm mạnh.
Gia đình anh Hoàng Văn Hà, thôn Đầu Cầu, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa thực hiện nuôi trâu, bò sinh sản từ năm 2017, cho thu nhập khá tốt và ổn định.
Để đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, ngoài lấy cỏ tự nhiên trên rừng, anh trồng 1ha cỏ voi làm nguồn thức ăn chủ yếu cho đàn vật nuôi. Những tháng gần đây, trâu khó bán giá thấp nên anh gần như không duy trì đàn trâu nữa mà chuyển sang nuôi bò.
Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX Chăn nuôi trâu bò vỗ béo Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa cho biết, hiện nay các thành viên có 50 con trâu bò. Năm 2022, giá trâu thương phẩm bán ra thị trường khá thấp đã ảnh hưởng đến người chăn nuôi.
Tuy nhiên, nếu bán sớm người nuôi sẽ lỗ, do đó các hộ chăn nuôi đang cố gắng duy trì. Một số hộ đã chuyển đổi từ trâu vỗ béo sang sinh sản để đảm bảo đàn phát triển cũng như ổn định kinh tế.
Một thực tế thường gặp phải đối với các hộ chăn nuôi trâu ở Tuyên Quang đó là phần lớn đều là những hộ có ít vốn. Để có trâu mua phát triển kinh tế, người nông dân nơi đây đã phải vay vốn ngân hàng.
Thế nhưng khi kinh tế khó khăn, nhất là các hộ vay vốn chăn nuôi đến thời kỳ đáo hạn ngân hàng đành phải bán để trả nợ. So với vốn ban đầu bỏ ra mua thì tiền bán trâu hiện tại chỉ bằng thậm trí còn thấp hơn khiến không ít hộ gặp khó khăn.
Gia đình anh Cao Văn Tùng, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương hiện có 5 con trâu đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng không thể bán được do thương lái trả giá quá thấp. Con trâu trước kia gần 2 năm tuổi có giá từ 15 đến 20 triệu đồng nay thương lái trả sấp sỉ 10 triệu đồng.
Anh Tùng cho biết, giá trâu được trả quá thấp khiến anh và nhiều hộ dân trong thôn gặp khó khăn. Tuy vậy, anh Tùng đang cố gắng chờ thị trường giáp Tết Nguyên đán xem có khởi sắc hơn không. Bởi nếu bán vào thời điểm này thì gần như không có lãi, chưa kể tiền công chăm sóc cho đàn gia súc hơn 1 năm qua.
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá trâu xuống thấp trong thời gian qua đó là việc thông thương qua Trung Quốc gặp khó khăn, trong khi đó việc tiêu thụ nội địa chưa nhiều bởi trong khẩu phần thức ăn của người Việt Nam nhu cầu sử dụng thịt trâu chưa nhiều.
Để duy trì ổn định đàn gia súc, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo các hộ dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, tiêm phòng bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi, cố gắng nghe ngóng thị trường, tránh bán ồ ạt ảnh hưởng lớn đến kinh tế hộ gia đình.
Bởi chi phí thức ăn cho trâu không quá tốn kém chỉ là những sản phẩm phụ như rơm, rạ, lá mía, lá ngô. Hơn nữa trâu vẫn có thể khai thác được sức kéo, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cũng đang xúc tiến tìm thị trường kết nối tiêu thụ sản phẩm trâu thịt cho người chăn nuôi.