| Hotline: 0983.970.780

Ồ ạt phát triển quế giống: [Bài 2] Giảm uy tín vì hạt quế trôi nổi

Thứ Sáu 24/11/2023 , 08:48 (GMT+7)

YÊN BÁI Trước nguy cơ đánh mất thương hiệu vùng quế 'đệ nhất cao sơn', huyện Văn Yên phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, bảo tồn, phát triển giống quế đặc sản địa phương.

Cây quế bản địa ở Văn Yên được đánh giá có nguồn gen quý, hàm lượng tinh dầu cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Cây quế bản địa ở Văn Yên được đánh giá có nguồn gen quý, hàm lượng tinh dầu cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Hạt quế trôi nổi 

Quế là cây có giá trị kinh tế cao, gỗ dùng để đóng đồ gia dụng và xây dựng. Vỏ quế dùng làm dược liệu, gia vị. Lá quế để chưng cất tinh dầu cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, huyện Văn Yên là vựa quế lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Vùng quế nơi đây được coi là “đệ nhất cao sơn ngọc quế” ở Yên Bái nói riêng và cả nước nói chung bởi có nguồn gen quý, hàm lượng tinh dầu cao, chất lượng tốt.

Giống quế bản địa huyện Văn Yên đã gắn bó với người dân địa phương, đặc biệt là đối với người dân tộc Dao từ hàng trăm năm nay. Vượt qua những thăng trầm, biến động của cơ chế thị trường, cây quế Văn Yên vững vàng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái.

Cây quế được trồng ở tất cả 25 xã, thị trấn của huyện với tổng diện tích hơn 55.000ha, trong đó diện tích quế tập trung trên 30.000ha. Diện tích quế đã được xác lập chỉ dẫn địa lý nằm ở 8 xã vùng hữu ngạn sông Hồng gồm: Viễn Sơn, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Đại Sơn và Mỏ Vàng.

Trước những giá trị kinh tế cao từ cây quế, tình trạng phát triển nóng loại cây trồng này đã diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Hiện nay, diện tích quế của Việt Nam khoảng 180.000ha, chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ… Chính nhu cầu nguồn giống lớn đã tạo điều kiện cho hạt giống quế trôi nổi trên thị trường tiếp cận được với hàng nghìn vườm ươm quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Từ đó, nguồn hạt quế, cây quế giống đội mác quế Văn Yên được mang đi nhiều nơi.

Thời gian qua, hạt giống quế khó kiểm soát dẫn đến vùng quế Văn Yên bị ảnh hưởng uy tín. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời gian qua, hạt giống quế khó kiểm soát dẫn đến vùng quế Văn Yên bị ảnh hưởng uy tín. Ảnh: Thanh Tiến.

Ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng cây quế bị chết nhiều sau khi trồng, cây nhiễm sâu bệnh kém phát triển. Nguyên nhân là do người dân mua cây giống bán ngoài chợ hoặc từ địa phương khác về trồng, chất lượng cây giống không đảm bảo. Chính những nguyên nhân này đã làm ảnh hưởng đến uy tín của vùng quế đặc sản hàng trăm năm của đồng bào Dao ở Văn Yên.

Anh Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Văn Yên cho biết: Thời gian qua, uy tín của vùng nguyên liệu quế Văn Yên bị ảnh hưởng, bởi nhu cầu lượng cây giống lớn, số lượng vườn ươm không có giấy phép, không được quản lý mọc lên như nấm sau mưa. Nguồn hạt giống từ khắp nơi, thậm chí từ Trung Quốc được trà trộn vào các vườn ươm. Bên cạnh đó, nhiều cây quế trong vùng cứ có hoa, có quả là người dân thu hái để làm giống mặc dù chưa được nghiên cứu, thẩm định chất lượng.

Hoạt động thu hạt, gieo ươm quế giống tại huyện Văn Yên chỉ mang tính tự phát, cây giống đem trồng không có tính chọn lọc với chất lượng kém, tạo điều kiện để sâu bệnh hại phát triển. Điều này đã làm sự suy giảm năng suất và phẩm chất tinh dầu quế. Nguồn gen quý hiếm giống quế bản địa có nguy cơ bị mất dần nên việc tuyển chọn cây trội phục vụ lưu giữ bảo tồn là cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa cả về mặt khoa học và thực tiễn.

Chất lượng hạt giống, cây giống sẽ ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của người trồng rừng và vùng nguyên liệu. Ảnh: Thanh Tiến.

Chất lượng hạt giống, cây giống sẽ ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài của người trồng rừng và vùng nguyên liệu. Ảnh: Thanh Tiến.

Bảo tồn nguồn gen quế bản địa

Thời gian qua, huyện Văn Yên đã phối hợp với các ngành chức năng tích cực nghiên cứu, bảo tồn và phát triển giống quế đặc sản địa phương. Huyện xác định rõ, để có vùng quế nguyên liệu chất lượng, khâu lựa chọn cây giống là quan trọng nhất.

Năm 2017, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện đề tài nghiên cứu nguồn gen cây quế Văn Yên. Tiến hành khảo sát một số diện tích quế có độ tuổi 10 - 20 năm, chọn 2 lâm phần rộng 22ha tại 2 xã Xuân Tầm và Châu Quế Hạ để tuyển chọn cây trội. Từ đó, chọn lọc cây trội làm nguồn giống với mục đích lấy vỏ, gỗ và lá.  

Kết quả đã chọn lọc được 40 cây trội dựa trên các tiêu chí: độ dày vỏ, cây thẳng, tròn, tán rộng, có sức sống vượt trội so với các cây trung bình của lâm phần. Từ đó, khuyến cáo người dân khi chọn giống quế cần phải kết hợp giữa các chỉ tiêu sinh trưởng, năng suất vỏ để tuyển chọn giống quế có sản lượng vỏ và hàm lượng tinh dầu cao.

Những cây quế trội có tuổi đời trêm 20 năm được lựa chọn làm cây mẹ để sản xuất hạt giống. Ảnh: Thanh Tiến.

Những cây quế trội có tuổi đời trêm 20 năm được lựa chọn làm cây mẹ để sản xuất hạt giống. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Lưu Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, cho biết: Để bảo tồn nguồn giống quế chất lượng cao phục vụ sản xuất, huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát, khoanh vùng các diện tích quế cổ thụ (tuổi cây từ 20 năm trở lên) quy hoạch thành rừng giống chất lượng cao. Trung bình mỗi cây quế cổ thụ cho thu từ 20 - 30kg hạt/năm, đáp ứng giống trồng cho 20 - 30ha. Hằng năm, huyện cung ứng cho các địa phương trong và ngoài tỉnh khoảng 40 tấn hạt và gần 10 triệu cây quế giống.

Năm 2023, huyện Văn Yên đã được Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái công nhận 2 nguồn giống quế chuyển hóa từ rừng trồng với diện tích gần 13ha tại xã Viễn Sơn và Yên Phú. Hiện toàn huyện đã có 7 nguồn giống quế được công nhận là rừng giống chuyển hóa từ rừng trồng với tổng diện tích gần 75ha. Ngoài ra, chủ động thực hiện giám sát quá trình thu hoạch vật liệu giống đảm bảo đúng kỹ thuật, thời vụ, chất lượng và đúng diện tích đã được công nhận.

Đã có 7 nguồn giống quế ở Văn Yên được công nhận là rừng giống chuyển hóa từ rừng trồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Đã có 7 nguồn giống quế ở Văn Yên được công nhận là rừng giống chuyển hóa từ rừng trồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Cũng giống như ở nhiều địa phương, ở Văn Yên có trên 300 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, chủ yếu là cây quế. Hiện nay, mới chỉ có 5 cá nhân, tổ chức có giấy phép sản xuất, kinh doanh, còn lại hoạt động tự phát. Hai năm gần đây, do khủng hoảng thừa của cây quế giống ở khắp mọi nơi, khoảng 10 triệu cây quế giống đang chật vật tìm nguồn tiêu thụ. Các vườn ươm chỉ xuất bán được từ 10 - 30% số lượng cây giống.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cấp chính quyền trong huyện cần phối hợp làm tốt công tác quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nói chung và cây quế nói riêng; Xây dựng vườn giống, rừng giống đạt tiêu chuẩn, sinh trưởng tốt, không nhiễm sâu bệnh. Từ đó, giữ gìn nguồn gen quý của giống quế bản địa và bảo vệ vùng quế "đệ nhất cao sơn" vùng Tây Bắc.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.