| Hotline: 0983.970.780

Olympic trật đường ray, hàng chục tỷ USD treo lơ lửng

Thứ Tư 01/04/2020 , 10:27 (GMT+7)

Olympic Tokyo 2020, sự kiện lẽ ra sẽ giúp Nhật Bản “hồi sinh”, lại có thể tác động mạnh đến kinh tế nước này khi bị trì hoãn.

Ngày 1/1, trước 58.000 khán giả, đội Vissel Kobe đã đánh bại Kashima Antlers với tỷ số 2 – 0, vô địch Cúp Nhật Hoàng lần thứ 99.

Trận đấu không có gì đáng chú ý, ngoại trừ việc là sự kiện đầu tiên diễn ra trong sân vận động quốc gia trị giá 1,4 tỷ USD vừa hoàn thành của Nhật Bản, lần “chạy thử” của địa điểm sẽ tổ chức thế vận hội mùa hè (Olympic Tokyo 2020) và thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic).

Lần “chạy thử” diễn ra suôn sẻ. Đường đến lễ khai mạc Olympic vào ngày 24/7 đã rộng mở và thẳng tắp. Các cơ quan tổ chức Olympic, giám sát quá trình chuẩn bị tiêu tốn hơn 25 tỷ USD, những công ty Nhật Bản, quốc tế đã chi tổng cộng hơn 3,1 tỷ USD tài trợ, có thể nhẹ nhõm phần nào.

Với chính quyền Tokyo, mọi thứ đang đúng kế hoạch. Họ ước tính trong khoảng thời gian từ năm 2013, khi giành quyền đăng cai Olympic 2020, đến năm 2030, kinh tế Nhật Bản sẽ được thúc đẩy thêm 32.000 tỷ yen (294 tỷ USD).

Kiichi Murashima, kinh tế gia Nhật Bản tại Citigroup, cảnh báo Nhật Bản sẽ mất nguồn thu 275 tỷ yen từ du khách nước ngoài. Ngay cả khi ảnh hưởng vĩ mô không lớn như lo ngại, một số lĩnh vực vẫn có nguy cơ chịu thiệt hại nặng.

Với Thủ tướng Shinzo Abe, Olympic 2020 là biểu tượng mạnh mẽ cho sự phục hồi quốc gia sau thảm họa động đất - sóng thần năm 2011 và chính sách kinh tế “Abenomics” của ông.

Covid-19 xuất hiện và khiến mọi thứ “trật đường ray”. Chủng virus Corona mới này lây lan mạnh, từ ổ dịch ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, thành đại dịch toàn cầu chỉ trong vài tháng.

Ngày 16/3, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach tổ chức hàng loạt cuộc họp trong “gia đình Olympic” - gồm lãnh đạo 33 liên đoàn thể thao mùa hè, 7 cơ quan thể thao mùa đông, 206 ủy ban Olympic quốc gia và 220 người đại diện cho các vận động viên.

Mọi quyết định đưa ra cần được hai bên nhất trí bởi theo thỏa thuận, nếu IOC hoặc quốc gia tổ chức đơn phương hủy hoặc hoãn sự kiện, họ sẽ phải đối mặt với các vụ kiện hàng tỷ USD.

“Nhật Bản sợ mất mặt vì không thể tổ chức thế vận hội”, một nguồn thạo tin từ IOC nói. “Khi tình hình dần cho thấy Nhật Bản ít quan trọng hơn phần còn lại của thế giới, ông Abe buộc phải bỏ qua vấn đề chính trị”.

Nhật Bản tuần trước nhất trí với IOC về việc lần đầu tiên hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020 nhưng không quá mùa hè năm 2021. IOC ngày 30/3 thông báo thời gian tổ chức mới là 23/7 - 8/8/2021.

Hàng loạt câu hỏi xuất hiện. Kinh tế Nhật Bản sẽ thiệt hại thế nào? Những rắc rối nào sẽ phát sinh? Olympic có thể diễn ra vào năm sau hay không? Ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn Nhật Bản đã khốn đốn vì xu hướng hủy phòng trong tháng 2 và 3 vì dịch Covid-19 và đang đặt hy vọng vào Olympic Tokyo 2020.

Số liệu cho thấy các nước phát triển có tổ chức Olympic kể từ năm 1992 tăng trưởng kinh tế mạnh nhất vào những năm trước khi thế vận hội diễn ra, chủ yếu nhờ chi xây dựng. Olympic chỉ tạo ra lực đẩy kinh tế nhỏ vào năm tổ chức. Theo giới phân tích, hoãn Olympic khó có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong ngắn hạn.

“Mối lo ngại là những hệ lụy dài hạn nếu thế vận hội phải hủy vào năm sau nếu thế giới vẫn chưa thể kiểm soát đại dịch. Tình huống đó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các kỳ vọng tăng trưởng dài hạn”, Masamichi Adachi, kinh tế gia trưởng của UBS tại Nhật Bản, nói.

Ngày 28/3, ông Abe tuyên bố đuốc Olympic, được đưa đến Nhật Bản tuần trước, sẽ vẫn được thắp và giữ ở quốc gia này cho đến khi thế vận hội diễn ra.

“Ngọn đuốc này chính là ánh sáng hy vọng dẫn đường cho nhân loại thoát khỏi đường hầm tăm tối chúng ta phải đối mặt”, ông nói. “Mục tiêu của tôi là biến thế vận hội trở thành biểu tượng chiến thắng của nhân loại”.

Trước năm 2013, nhiều người tin rằng Nhật Bản, với dân số già và kinh tế giảm tốc, có thể không bao giờ tỏa sáng trên trường thế giới lần nữa. Olympic Tokyo 2020 chính là cơ hội để thay đổi quan điểm đó, như Olympic Tokyo 1964 từng chứng minh sự phục hồi của Nhật Bản sau chiến tranh.

Thế vận hội năm nay còn là “thông điệp kinh tế quốc gia” đã giúp Nhật Bản đón nhận nhiều đầu tư từ nước ngoài trong 7 năm qua. Những điều này có thể biến mất, khiến chính quyền Abe hôm 28/3 phải cam kết sẽ tung một gói kích thích kinh tế “chưa từng có” để ứng phó virus corona.

“Không ai biết chắc liệu đại dịch có thể bị kiểm soát trong vòng một năm và Nhật Bản có còn đủ khả năng tổ chức Olympic vào hè 2021”, theo Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, được cho là người sẽ kế nhiệm ông Abe.

“Nếu thế vận hội bị trì hoãn thêm, liệu ông Abe có còn tâm trạng để tiếp tục điều hành đất nước thêm ba năm nữa hay không”.

IOC và các đơn vị tổ chức Nhật Bản sẽ dành 4 tuần tới để giải quyết những vấn đề cụ thể do việc trì hoãn gây ra. Nguồn thu chính của IOC là từ bán bản quyền phát sóng và hợp đồng tài trợ. Do đều liên quan trực tiếp đến Olympic, các hợp đồng dự kiến được gia hạn. Các nhà tài trợ trong nước nguy cơ mất mặt nếu rút lui, đặc biệt là khi thế vận hội năm 2021 được ông Abe mô tả là “ánh sáng hy vọng”.

Giới quan sát cho rằng còn quá sớm để kỳ vọng thế vận hội 2021 tạo ra lực đẩy kinh tế cho Nhật Bản.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.