| Hotline: 0983.970.780

Ôm hận với chiêu lừa đảo sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao

Thứ Tư 15/06/2022 , 08:11 (GMT+7)

Bị lôi cuốn với mức lương khủng khi sang Campuchia làm việc, nhiều người đã ôm hận trong đường dây lừa đảo, muốn về lại Việt Nam phải bỏ hàng trăm triệu đồng tiền chuộc.

Gia đình chị L. kể lại sự việc con mình bị lừa sang Campuchia làm việc với mức lương khủng.

Gia đình chị L. kể lại sự việc con mình bị lừa sang Campuchia làm việc với mức lương khủng.

Công an tỉnh Gia Lai vừa phát đi thông báo về phương thức thủ đoạn lợi dụng không gian mạng xã hội lôi kéo, lừa đảo xuất cảnh làm việc tại Campuchia.

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai), thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã thông tin tuyển dụng nhằm lôi kéo người dân đi lao động, làm việc tại Campuchia. Việc làm đơn giản, chỉ yêu cầu có kiến thức về công nghệ thông tin, mức lương hấp dẫn.

Một số nạn nhân vì không có việc làm ổn định đã tin theo, đồng ý nhận đi làm việc tại Campuchia và được một số đối tượng đưa đến các địa điểm có tên công ty do người Trung Quốc làm chủ tại Campuchia.

Tuy nhiên, khi đến nơi, nạn nhân đã được các đối tượng hướng dẫn lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng trên ép nạn nhân thực hiện các chỉ tiêu về số tiền lừa đảo, không hoàn thành sẽ bị phạt với mức phạt từ 1.000 USD/tháng, nếu chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống.

Để hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi đã tìm đến gia đình chị N.T.L (tổ 4, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) có người con 15 tuổi rơi vào bẫy lừa đảo, hiện vẫn đang lưu lạc bên Campuchia, không biết sống chết ra sao.

Gặp chúng tôi, chị L. dàn dụa nước mắt kể lại sự việc về người con của mình bị lừa đảo. Vào cuối tháng 3, cháu T. (15 tuổi) thấy thông báo trên mạng xã hội tuyển lao động sang Campuchia với mức lương khủng 800 USD/tháng.

Vì muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình, cháu T. đã theo xe khách vào TP. HCM, rồi được 1 nhóm người đưa xuống Long An theo đường tiểu ngạch sang Campuchia. Tại đây, công việc của cháu T. là môi giới khách hàng tham gia đường dây lừa đảo để hưởng hoa hồng. Chỉ tiêu công việc mà các đối tượng giao cho cháu T. khá cao, nếu không hoàn thành sẽ bị phạt số tiền lên đến 1.000 USD.

Sau một tháng, do không hoàn thành công việc, cháu T. đã bị các đối tượng đánh đập, yêu cầu nộp tiền phạt số tiền 130 triệu đồng nếu không sẽ bị chích điện, bỏ đói. Hiện tại, cháu T. vẫn đang bị mắc kẹt ở Campuchia.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên gia đình chị L. vẫn chưa có tiền chuộc con về.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên gia đình chị L. vẫn chưa có tiền chuộc con về.

Chị L. cho biết, mấy ngày nay cháu T. nhắn về nói bị mấy người trong công ty ép, đánh đập, chích điện do chưa nộp tiền phạt. Cháu T. nhắn gia đình gửi 130 triệu vào tài khoản tên Quach Thanh Tung mới được tha về nước.

“Gia đình tôi quá khó khăn, không có tiền gửi sang, giờ chỉ biết nhờ công an Việt Nam, Campuchia, lãnh sự quán giải cứu con tôi về nhà an toàn”, chị L. ngậm ngùi cho biết.

Cũng theo chị L., các đối tượng còn yêu cầu cháu T. móc nối với người nhà tìm khoảng 10 người biết sử dụng thành thạo máy tính để đưa sang Campuchia làm việc, tiền hoa hồng 150 triệu đồng, thay cho trả nợ.

Tương tự, em P.P.T (23 tuổi, trú xã Ia Băng, huyện Chư Prông) bị các đối tượng lừa sang Campuchia làm trong công ty do người Trung Quốc điều hành. Do không hoàn thành chỉ tiêu về số tiền lừa đảo nên T. bị các đối tượng phạt và yêu cầu liên hệ với gia đình chuyển khoản số tiền 150 triệu đồng mới thả người về Việt Nam. Quá hoảng sợ, gia đình em T. phải đi vay mượn, chuyển đủ số tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp, mới được thả cho về Việt Nam. 

Ông Đinh Văn Sơn, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội sử dụng công nghệ cao cho biết, ngoài những thủ đoạn lừa đảo như tuyển cộng tác viên bán hàng, lừa đầu tư tiền ảo, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát thông báo án phạt…để lừa tiền, thì nay thêm thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động sang Campuchia với mức lương khủng.

Với thủ đoạn mới này, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 4 trường hợp. Trong đó, đơn vị đã xác định rõ hai trường hợp bị lừa đảo sang Campuchia làm việc.

Theo ông Sơn, về hình thức là tuyển lao động ra nước ngoài làm việc nhưng thực chất đây là lừa đảo, giữ người trái phép. Sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã báo cáo Công an tỉnh Gia Lai và báo cáo với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để phối hợp với các cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở Campuchia, có kế hoạch giải cứu nạn nhân.

Qua vụ việc, ông Sơn cũng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những lời mời làm việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội nhằm tránh những bẫy lừa của tội phạm.

Nếu người dân có nhu cầu tìm việc làm cần phải tìm hiểu kỹ, muốn tìm việc ở nước ngoài phải liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Trường hợp công dân bị lôi kéo, lừa đảo với hình thức như trên thì báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm