| Hotline: 0983.970.780

Ôm nợ vì liên kết nuôi gà với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam

Thứ Ba 19/04/2022 , 06:35 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Hàng chục hộ dân liên kết nuôi gà với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì thua lỗ triền miên.

Bán nhà vì nuôi gà

Những ngày giữa tháng tư, một số trại liên kết nuôi gà của nhiều hộ dân tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) đóng cửa im lìm, không còn cảnh nhộn nhịp như trước đây. Các dụng cụ, trang thiết bị để nuôi gà số lượng lớn vứt ngổn ngang, hư hỏng. Những hộ này đều cho biết hơn 6 tháng nay không còn nhập gà từ Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (gọi tắt là Công ty Japfa) về nuôi nữa vì càng nuôi càng lỗ. Thậm chí có người bán nhà, nợ hàng tỷ đồng vì nuôi gà.

Là một trong những người liên kết với Công ty Japfa tại khu vực Tây Nguyên đầu tiên nhưng hiện nay 2 trại gà được đầu tư 2,5 tỷ đồng của gia đình bà Hoàng Thị Cúc (ngụ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) đã phải đóng cửa, bỏ không.

Trang trại gà đầu tư tiền tỷ của gia đình bà Hoàng Thị Cúc bỏ trống hơn 6 tháng nay. Ảnh: Quang Yên.

Trang trại gà đầu tư tiền tỷ của gia đình bà Hoàng Thị Cúc bỏ trống hơn 6 tháng nay. Ảnh: Quang Yên.

Theo bà Cúc, cuối năm 2019, bà bắt đầu liên kết với Công ty Japfa xây dựng một trại gà với quy mô hơn 15.000 con. Sau một lứa nuôi thấy có lời, bà Cúc tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một trang trại nữa.

“Lúc mới liên kết, phía Công ty Japfa cho biết chỉ cần nuôi 3 năm là thu hồi vốn. Do đó, gia đình quyết vay mượn, thuê đất để đầu tư trang trại. Thế nhưng chỉ sau 2 lứa đầu tiên có lời, những lứa tiếp theo liên tiếp lỗ. Để cắt lỗ, hơn 6 tháng qua gia đình tôi không nhập gà của Công ty về nuôi nữa mà để trại trống”, bà Cúc nói.

Theo bà Cúc, bây giờ nếu nhập gà vào nuôi thì gia đình lỗ mỗi lứa hơn 200 triệu đồng, cộng với tiền thuê đất.

“Trước đây, Công ty Japfa thông báo gà nuôi chỉ 90 ngày là xuất chuồng, tuy nhiên chỉ được lứa đầu tiên là xuất chuồng được đúng hạn, những lứa sau kéo có khi kéo dài đến hơn 130 ngày, việc này kiến tăng chi phí nuôi. Ngoài ra, ban đầu Công ty cho tỷ lệ gà chết, hao hụt là từ 5 - 7% nhưng từ 1/8/2021 giảm xuống chỉ còn 3,5%. Đến nay, liên quan đến chăn nuôi gà, gia đình tôi đang phải ôm cục nợ ngân hàng hơn 3 tỷ đồng”, bà Cúc khổ sở nói.

Hộ chăn nuôi này cho biết, do thời gian đầu nuôi thấy có lời nên đã vận động người thân mở thêm nhiều trại khác. Hiện cả gia đình bà Cúc có tổng cộng 8 trại nhưng trong đó 6 trại đã phải bỏ trống vì thua lỗ; 2 trại còn lại hoạt động cầm chừng.

Bà Dương Thị Yên cùng chồng phải bán nhà để trả nợ vì nuôi gà thua lỗ. Ảnh: Quang Yên.

Bà Dương Thị Yên cùng chồng phải bán nhà để trả nợ vì nuôi gà thua lỗ. Ảnh: Quang Yên.

Tương tự, bà Dương Thị Yên (ngụ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) cũng rơi vào cảnh nợ nần, phải bán nhà để trả nợ khi liên kết nuôi gà với Công ty Japfa.

Bà Yên cho biết, năm 2020, gia đình bà xây 2 trại hết 3 tỷ đồng để liên kết với Công ty Japfa nuôi gà. Ba lứa đầu nuôi có lãi. Thời gian đầu Công ty ít nhân viên kỹ thuật, gia đình cũng chưa có kinh nghiệm nuôi gà nhưng vẫn có lời. Tuy nhiên sau đó, do gia đình bắt đầu lỗ liên tiếp nên Công ty đã cử thêm nhiều cán bộ kỹ thuật xuống để hỗ trợ. Mặc dù vậy, vấn đề thua lỗ bắt nguồn từ việc Công ty thay đổi chính sách.

Theo bà Yên, thời gian đầu nuôi gà chỉ 90 ngày là xuất chuồng nên người dân có thu nhập. Sau đó, Công ty bắt đầu thay đổi các chính sách, kéo dài thời gian xuất gà dẫn đến người chăn nuôi gặp khó khăn rồi lỗ liên tiếp.

“Đến nay, gia đình tôi nợ hơn 1 tỷ đồng. Do vay mượn đầu tư thua lỗ nên gia đình phải bán nhà để trả. Không có chỗ ở, gia đình tôi phải dọn vào trang trại”, bà Yên buồn bã.

Cũng theo bà Yên, hiện nay, do các hộ chăn nuôi đã vay mượn tiền tỷ để đầu tư trang trại nên nếu không liên kết với Công ty Japfa để nuôi gà nữa thì đành phải bỏ trống. “Chúng tôi mong muốn lãnh đạo Công ty có những chính sách hợp lý để người dân tiếp tục nuôi gà có lãi để trang trải cuộc sống và trả nợ ngân hàng. Nếu Công ty tiếp tục chính sách này, chúng tôi vô cùng bế tắc”, bà Yên tha thiết.

Đôi bên đổ lỗi cho nhau

Theo đơn tập thể gửi cơ quan chức năng của các hộ dân liên kết nuôi gà với Công ty Japfa, trước đây khi tư vấn, Công ty chỉ thông báo nuôi từ 75 - 90 ngày là xuất chuồng. Đối với số gà nuôi quá ngày, công ty hứa sẽ mua lại cho người dân để mang về kho đông lạnh. Do tin tưởng, nhiều người đã bán nhà, bán đất, vay ngân hàng để đầu tư trang trại. Sau 2 lứa đầu, người dân thu lợi nhưng đến ngày 1/8/2021, công ty đơn phương thay đổi chính sách, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

Cụ thể, việc nuôi gà kéo dài khiến đàn gà ăn chậm, không phát triển, từ đó thu nhập của trang trại không có. Bên cạnh đó, cám do công ty cấp không đủ cho việc chăn nuôi; tỷ lệ gà chết trước đây công ty cho phép từ 5 - 7%, nay giảm chỉ còn 3,5% trên tổng số đàn gà khiến người dân phải chịu phạt vì tỷ lệ gà chết, hao hụt cao quá tỷ lệ mà công ty áp dụng.

Các dụng cụ chăn nuôi người dân vứt ngổn ngang vì càng nuôi càng lỗ. Ảnh: Quang Yên.

Các dụng cụ chăn nuôi người dân vứt ngổn ngang vì càng nuôi càng lỗ. Ảnh: Quang Yên.

Đặc biệt, trong thời gian qua, đàn gà trên 60 ngày tuổi khi bị bệnh các loại thuốc thú y đều do người chăn nuôi chịu. Điều này là không hợp lý vì theo hợp đồng thì phía công ty là đơn vị chịu vấn đề này.…

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty Japfa tại Đăk Lăk cho biết, Công ty hiện liên kết với gần 100 hộ dân, chăn nuôi hơn 2 triệu con gà.

Theo đại diện này, trong hợp đồng liên kết với người dân ghi rõ bên công ty có quyền thay đổi chính sách. Khi thay đổi, công ty đã có thông báo với người chăn nuôi.

Khi thay đổi chính sách, công ty đã thử nghiệm nên luôn đảm bảo mỗi con gà tiêu thụ bao nhiêu kg cám. Liên quan đến việc các hộ chăn nuôi bị lỗ, đơn vị đã có báo cáo với Ban Giám đốc để có hướng hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải hộ chăn nuôi nào cũng được hỗ trợ vì tùy theo lịch sử nuôi. Hiện Ban Giám đốc đang tìm hướng giải quyết những vấn đề này. 

Về việc số ngày chăn nuôi kéo dài, đại diện Công ty Japfa cho biết, thời điểm trên do dịch bệnh Covid-19 nên việc xuất gà gặp khó khăn.

Bà Dương Thị Yên bên một trang trại để trống của gia đình. Ảnh: Quang Yên.

Bà Dương Thị Yên bên một trang trại để trống của gia đình. Ảnh: Quang Yên.

“Do nhân viên kỹ thuật còn thiếu nên trong quá trình chăm sóc cũng không thể 100% ở dưới trại với người dân. Công ty chủ yếu hướng dẫn người dân thực hiện rồi nhân viên xuống kiểm tra nên kết quả cuối cùng cũng chưa được tốt”, đại diện Công ty Japfa cho biết và khẳng định việc người dân gặp khó khăn trong chăn nuôi là có.

Trao đổi với phóng viên, ông Thủy Lệ Vũ, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đăk Lăk cho biết, đơn vị đã nhận được đơn kiến nghị tập thể của các hộ dân liên kết nuôi gà và với Công ty Japfa. Theo ông Vũ, Chi cục đã yêu cầu Công ty tổ chức buổi đối thoại với người dân để thông báo việc thay đổi các chính sách cũng như tìm hướng giải quyết nhằm đảm quyền lợi cho người chăn nuôi.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.