| Hotline: 0983.970.780

Ôm sóng, đọ sức ông Trời trên nóc nhà Đông Bắc

Thứ Tư 02/02/2022 , 06:01 (GMT+7)

Trên đỉnh Phia Oắc, cao 1.931m có những người đàn ông ngày đêm chống chọi sấm sét, băng giá, giữ cho sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đến với người dân.

Trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam nằm trên đỉnh Phia Oắc cao 1.931 m của huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, mùa đông thường xuyên mây mù bao phủ. Ảnh: Tùng Đinh.

Trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam nằm trên đỉnh Phia Oắc cao 1.931 m của huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, mùa đông thường xuyên mây mù bao phủ. Ảnh: Tùng Đinh.

Hạ sợ sét, đông ghét băng

Hơn 10 năm qua, có vài người đàn ông thay nhau túc trực trên đỉnh Phia Oắc (còn được viết là Phja Oắc), ca làm việc của họ kéo dài từ 4h44 đến 24h mỗi ngày.

"Trong này đang 5 độ còn ngoài sân thì 4", anh Sầm Ngọc Sơn vừa nheo mắt đọc vạch thủy ngân trên chiếc nhiệt kế treo tường vừa thông báo cho đoàn khách vừa leo xong 5km trong sương mù lên được đỉnh Phia Oắc, nơi được coi là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng và miền Đông Bắc.

Trên đỉnh núi này có một Trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam được xây dựng từ năm 2007. Trạm có tháp sóng cao gần 70m. Bốn cán bộ, kỹ thuật viên thay nhau làm nhiệm vụ túc trực, tiếp sóng cho nhân dân huyện miền núi Nguyên Bình, ở phía Nam tỉnh Cao Bằng.

Chiếc máy sưởi mini, với những vòng may xo đỏ rực 24/7 chỉ đủ sức giữ cho nhiệt độ trong phòng khách cao hơn 1 độ C so với bên ngoài.

4 độ được coi là 'ấm' nhất trong mùa đông ở Phia Oắc. Ảnh: Tùng Đinh.

4 độ được coi là "ấm" nhất trong mùa đông ở Phia Oắc. Ảnh: Tùng Đinh.

Chỉnh xong chiếc quạt sưởi, anh Sơn - người đàn ông lớn tuổi nhất trạm nói thêm: "Mùa này mà 4 độ là ấm rồi, bình thường hàng năm cứ khoảng tháng 12 là đã có băng nhưng năm nay chưa thấy". Theo lời kể của anh Sơn, mùa đông ở Phia Oắc nhẹ thì mù, nặng thì băng, số ngày nắng ráo, trời quang mây tạnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Tháng 12/2020, nhiệt độ tụt xuống -10 độ C. Trạm phải sống trong tình trạng đông cứng trong gần 1 tuần. Quần áo, khăn mặt, nước... những gì ở bên ngoài đều đóng băng, trong nhà phải bật quạt sưởi hết công suất để giữ ấm.

Bể nước dùng của trạm, chừng chục mét khối, hóa thành tảng đá khổng lồ.

"Mỗi lúc nhiệt độ xuống âm thì khó khăn nhất là mọi nguồn nước đều đóng băng, không có gì để nấu ăn chứ đừng nói đến vệ sinh, tắm rửa. Lúc ấy chỉ biết nhờ người quen chở cho vài can nước từ thị trấn lên, cho vào phòng để dành ăn uống, vệ sinh cá nhân", kỹ thuật viên sinh năm 1972 kể lại.

Thế nhưng khó khăn trong mùa đông trên đỉnh Phia Oắc chưa là gì so với mùa hè. Sét đánh trong mùa hè vừa đe dọa tính mạng, vừa làm hỏng thiết bị, vừa khiến sóng phát thanh bị gián đoạn. Độ cao lớn, lại có cột thép cao hàng chục mét nên đỉnh Phia Oắc thường xuyên hứng chịu sự thịnh nộ của thiên lôi mỗi khi giông mưa.

Anh Sầm Ngọc Sơn ngồi nói chuyện trong căn phòng đầy dấu vết của ẩm mốc với chiếc máy sưởi nhỏ để giữ ấm. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Sầm Ngọc Sơn ngồi nói chuyện trong căn phòng đầy dấu vết của ẩm mốc với chiếc máy sưởi nhỏ để giữ ấm. Ảnh: Tùng Đinh.

Xốc lại áo phao, kéo gọn chiếc mũ len, anh Sơn hé cửa ra khỏi phòng, vòng sang phía cột phát sóng rồi chỉ vào củ thu tín hiệu LNB nằm giữa chảo nói: "Củ LNB này vừa thay đợt giữa năm vừa rồi, bị sét đánh cháy". Khi các thiết bị phát sóng này bị hỏng, có khi phải mất cả tuần đồ thay thế gửi từ Hà Nội mới gửi lên đến nơi.

Mỗi khi như vậy, các kỹ thuật viên của Trạm phát sóng FM này phải thao tác để đảo sóng sang hệ thống băng tần KU. Nhưng ở băng tần này, trạm chỉ có thể tiếp sóng được của hệ VOV1 và VOV2, còn hệ VOV4 - Phát thanh tiếng dân tộc sẽ bị gián đoạn.

"Ở Nguyên Bình, đa số bà con là đồng bào dân tộc ít người, nên việc thiếu tín hiệu VOV4 phải hết sức hạn chế. Vì vậy, mỗi khi mưa giông các anh em trong ca trực phải đặc biệt chú ý, sẵn sàng ngắt điện trước để tránh xảy ra sự cố cho thiết bị", anh Sầm Ngọc Sơn nói. Ngoài thiết bị phát sóng thì đồ điện tử ở trạm cũng luôn trong tình trạng bị đe dọa mỗi khi có mưa giông, sấm sét: "Có tháng trạm cháy mất 2 modem wifi vì sét".

Dấu vết ẩm mốc trên những bức tường, cánh cửa của trạm phát sóng dù mới được cải tạo, sửa chữa năm 2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Dấu vết ẩm mốc trên những bức tường, cánh cửa của trạm phát sóng dù mới được cải tạo, sửa chữa năm 2020. Ảnh: Tùng Đinh.

Thừa ẩm nhưng thiếu nước

Mùa đông trên Phia Oắc, ngoài lạnh còn ẩm. Trong các căn phòng của trạm phát sóng, nhìn qua cứ ngỡ hàng chục năm chưa cải tạo, sửa chữa. Bốn bức tường loang lổ rêu mốc. Trên thực tế, các công trình ở đây mới được làm mới lại vào năm 2020 nhưng không đủ chống chịu với sự khắc nghiệt của thời tiết.

"Năm 2020, tường nhà được cạo hết, bả ma tít rồi sơn chống thấm, sơn chịu nước cẩn thận nhưng mới được 2 năm đã loang lổ rồi", anh Sơn kể. Trước đây trên trạm toàn cửa gỗ, bị ẩm mốc rồi mục, thủng. Gió rét luồn qua, gào rít cả đêm lẫn ngày.

“Hồi ấy gồng lên chịu thôi, thi thoảng nhặt được ít củi thì đốt lên sưởi. Gió buốt, đầy hơi ẩm. 5 ngày đầu thấy cũng hay hay vì cảm giác trải nghiệm. Mấy ngày sau nhớ nhà phát khóc”, Hoàng Hoài Hiên, thành viên trẻ nhất trạm kể lại. Sinh năm 1986, Hiên là người đến đây từ những ngày đầu.

Đến năm 2020, thay được hệ thống cửa nhựa lõi thép, kín hơn, ấm hơn tưởng như chẳng gì ăn mòn được bây giờ cũng xanh đỏ vết rêu dù thường xuyên lau chùi.

Mấy tháng mùa đông, quần áo của các cán bộ trạm giặt xong đều treo tạm cho ráo nước rồi đưa vào phòng máy, tận dụng hơi nóng để phơi khô. "Nếu không cho vào đây thì không thể khô nổi", vừa kiểm tra các tủ phát sóng anh Sơn vừa chỉ vào dây quần áo ở góc phòng rồi giải thích.

'Ao' nước bằng bạt căng dưới vực để hứng nước từ khe của các cán bộ trạm phát sóng. Ảnh: Tùng Đinh.

"Ao" nước bằng bạt căng dưới vực để hứng nước từ khe của các cán bộ trạm phát sóng. Ảnh: Tùng Đinh.

Ẩm ướt là vậy, nhưng muốn có nước để sinh hoạt ở đây lại không hề dễ dàng, do nằm trên đỉnh núi nên chẳng có nguồn nước nào chảy xuống trạm. Khi mới thành lập, để có nước sinh hoạt các cán bộ của trạm phải căng một tấm bạt lớn vào 4 chân cột phát sóng hứng sương qua đêm.

Một lần khảo sát, các cán bộ trạm phát hiện một khe nước nhỏ nằm dưới vực, sâu khoảng 100 m. Để xuống đến nơi phải đi qua những đoạn dốc dựng đứng, trơn trượt đầy rêu và lá rụng.

Len lỏi qua những bụi sặt chằng chịt, những thân cây đổ chắn ngang đường, anh Sơn chỉ vào tấm bạt trải dưới hố, được neo chặt xuống mặt đất bằng 8 đầu cọc rồi nói: "Chỗ bạt này đựng được khoảng 3 khối nước, chuyên dùng cho ăn uống. Mùa đông dòng nước trong khe chảy ra bằng cỡ bàn tay, mùa mưa thì nhiều hơn".

Trước đây, mỗi lần hết nước dùng thì 2 cán bộ của trạm phải xuống khe, cho nước vào can 20 L rồi khiêng lên. Mấy năm nay, đầu tư được chiếc bơm tõm nên nước có thể được hút lên dễ dàng hơn nhưng vẫn phải thường xuyên xuống khe để vệ sinh cho hố nước.

Còn với nước sinh hoạt, trạm bố trí một hệ thống máng tôn chạy dọc theo mái nhà để hứng nước mưa và sương, chảy xuống bể chứa nước. Tuy nhiên, những trận động đất xảy ra ở Cao Bằng các năm trước khiến bể bị nứt, không trữ được nước nữa. Dù đã sửa chữa nhưng hiện nay nước cũng chỉ được phân nửa, không bao giờ đầy được.

"Ẩm thì rất ẩm nhưng nước lại rất thiếu. Anh em chúng tôi giờ chỉ mong muốn có vài chiếc bể inox, vừa dễ lắp đặt, lại tích trữ được nhiều nước mà không sợ động đất hay gì làm hư hại", cán bộ nhiều tuổi nhất trạm bày tỏ.

Tận dụng hơi nóng của phòng máy, các cán bộ phơi quần áo, giầy dép để đối phó với khí hậu nồm ẩm. Ảnh: Tùng Đinh.

Tận dụng hơi nóng của phòng máy, các cán bộ phơi quần áo, giầy dép để đối phó với khí hậu nồm ẩm. Ảnh: Tùng Đinh.

Bữa cơm nuốt vội trong mây

Đỉnh Phia Oắc có một cây cổ thụ nổi tiếng mang tên “cây cô đơn”. Còn cả những tên khác như cây phong ba, cây bão táp.

Sở dĩ gọi là cây cô đơn, bởi nó chơi vơi bên vách núi, gần cột phát sóng. Quanh năm chìm trong mây mù. Rêu xanh phủ kín.

Vì dáng vẻ đặc biệt, hầu như du khách nào đến Phia Oắc cũng chụp ảnh tại đây.

Có lẽ chỉ một người ở trạm không thích cây cô đơn cho lắm, đó là Hiên. Ít tuổi nhất trạm, Hiên cũng là người đàn ông duy nhất chưa vợ. “Chắc là người ta ngại, đi mất hút nửa tháng trên trạm, về được một tuần rồi lại biền biệt đi tiếp nửa tháng”, Hiên nhỏe miệng cười. Nụ cười hơi méo xẹo.

'Cây cô đơn' chìm trong mây mù trên đỉnh Phia Oắc. Ảnh: Tùng Đinh.

"Cây cô đơn" chìm trong mây mù trên đỉnh Phia Oắc. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau vài câu bông đùa, những lời động viên thường gặp kiểu “lấy vợ đi”, hay “kén chọn làm gì”, bữa cơm diễn ra thần tốc trong chưa đến 7 phút. Ai ăn chậm, lên đến Phia Oắc sẽ phải ăn nhanh. Bởi lạnh.

Bát canh nóng hổi đặt trên bàn, chỉ đến phút thứ 8 là nguội ngắt. Canh có thịt, váng mỡ sẽ đóng một lớp mỏng nếu đến phút thứ 9. Trừ lẩu hay đồ nướng trên bếp than, không món nào ngoại lệ.

Ngoài cửa, gió núi thổi sương mù cuồn cuộn bay qua. Sương mù len lỏi khắp nơi. Đi trong mây, ăn ở trong mây, ai mới tới hẳn sẽ thích thú không gian này.

Chỉ có Hiên, dường như không liếc mắt tới một lần. Hơn 10 năm gắn bó với trạm, Hiên bảo đã ở đây thì không muốn về. Về nhà, lại không muốn lên. Quá xa xôi, hiểm trở. Không ít xe SUV hạng sang, xe bán tải đã lật khi cố leo Phia Oắc khi sương mù hoặc thời tiết đóng băng.

Để lên được đỉnh Phia Oắc, phải 'bò' qua gần chục con gốc cỡ 18%, kèm thêm mây mù, đường trơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Để lên được đỉnh Phia Oắc, phải "bò" qua gần chục con gốc cỡ 18%, kèm thêm mây mù, đường trơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiên kể những năm đầu, chưa có điện thoại thông minh, nỗi cô đơn càng thêm khủng khiếp. Ngày thứ 6, chàng trai trẻ bật khóc vì nhớ nhà, vì lạnh giá.

“Phải là xe cào cào kiểu Liên Xô thời xưa mới chở được 2 người. Xe khác thì một người đi xe, người đi bộ. 5km từ chân núi lên, ai mỏi lại đổi”, Hiên kể. Ba năm đầu, Hiên cùng cộng sự vẫn đi lại như thế. Nhiều con dốc 18% nối tiếp nhau qua những khúc cua ngoặt tay áo, mặt đường quanh năm trơn trượt vì rêu, Phia Oắc là thử thách không dễ vượt qua.

Bây giờ, ai cũng có thể gọi video về nhà. Nhưng những cuộc ấy, thường ít có mặt Hiên. Thu nhập nhàng nhàng như đồng nghiệp công tác ở đài tỉnh, chút phụ cấp cộng thêm việc quanh năm “ở trên mây”, Hiên không phải người có nhiều lợi thế.

“Ở mãi cũng quen đi, không nghĩ nữa. Mà nghĩ nhiều giải quyết được gì đâu”, Hiên nói, rồi cắm cúi kiểm tra máy móc, đường dây truyền dẫn.

Trạm phát sóng FM trên đỉnh Phia Oắc mùa đông gần như lúc nào cũng chìm trong mây mù.

Trạm phát sóng FM trên đỉnh Phia Oắc mùa đông gần như lúc nào cũng chìm trong mây mù.

Do là mục tiêu bảo vệ quan trọng nên ngoài các cán bộ, kỹ thuật viên của trạm phát sóng thì ở đây còn có một số chiến sỹ công an làm nhiệm vụ bảo vệ. Chỉ có cánh đàn ông nên ngoài công việc chính, họ phải phân công nhau để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, dọn dẹp. Ở đây, mỗi lần thay ca cũng là lúc tranh thủ đi chợ mua nhu yếu phẩm, số lượng thường đủ cho 7 - 10 ngày.

Rồi những lúc có người ốm đau thì hỗ trợ lẫn nhau. "Nếu ốm nặng thì có khi phải nhờ anh em đưa xuống núi đi viện, nặng quá thì phải gọi xe ô tô ở dưới lên đón", anh Sơn kể khi được hỏi về cuộc sống trên đỉnh Phia Oắc.

Hiện nay, 4 cán bộ của trạm phát sóng chia thành 2 kíp, mỗi kíp 2 người, trực liên tục trong vòng 10 ngày trên Phia Oắc, hết ca thì về nhà. Hàng ngày cán bộ trực phải thức dậy từ 4h44 để chuẩn bị máy móc, tiếp sóng cho chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca trực kết thúc vào lúc 24h.

Trong ca trực cán bộ phải chịu trách nhiệm đổi sóng để người dân trong khu vực có thể nghe được cả 3 kênh trong ngày. Khi xảy ra sự cố, các thiết bị dự phòng sẽ được kích hoạt để đảm bảo sóng phát thanh luôn thông suốt.

Nhiệt kế bên trái không được phép vượt quá 21 độ C. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiệt kế bên trái không được phép vượt quá 21 độ C. Ảnh: Tùng Đinh.

Để đảm bảo cho sóng phát thanh được thông suốt, Trạm phát sóng FM trên đỉnh Phia Oắc được trang bị hệ thống tương đối hiện đại và luôn có thiết bị dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố.

Với 3 điều hòa cỡ lớn, phòng thiết bị luôn được duy trì ở nhiệt độ dưới 21 độ C, nếu vượt ngưỡng ngày sóng sẽ bị giảm công suất. Theo anh Sơn, mặc dù mùa đông rất lạnh nhưng luôn có ít nhất 1 điều hòa hoạt động, dẫn thẳng hơi mát vào máy phát tín hiệu. Nếu nhiệt độ lên xấp xỉ 21 độ thì 2 điều hòa còn lại sẽ tự động chạy để giảm xuống.

Ngoài ra, trạm cũng được trang bị hệ thống máy phát điện chạy bằng dầu để hoạt động trong trường hợp điện lưới gặp sự cố. Bên cạnh đó, máy phát điện này cũng phục vụ thêm cho 2 hệ thống truyền dẫn viễn thông của Vinaphone và Viettel đặt chung trên trạm.

Trước đây, khi mới đi vào hoạt động, do chưa có điện lưới nên mỗi ngày trạm chỉ tiếp sóng được trong 6 tiếng, dùng điện từ máy phát. Các khung giờ tiếp sóng là 6 - 8h, 11 - 13h và 18 - 20h. Khi đó sẽ có 1 cán bộ trực kỹ thuật và người còn lại sẽ tận dụng luôn nguồn điện để nấu ăn, đun nước uống.

Đường lên Phia Oắc uốn lượn, dốc đứng và nguy hiểm hơn trong mùa đông do sương mù, trơn trượt. Ảnh: Tùng Đinh.

Đường lên Phia Oắc uốn lượn, dốc đứng và nguy hiểm hơn trong mùa đông do sương mù, trơn trượt. Ảnh: Tùng Đinh.

Con đường hơn chục km từ Phia Đén lên đỉnh Phia Oắc - nơi cao nhất của “Cánh cung Ngân Sơn” nổi tiếng - vòng vèo uốn lượn, nhiều đoạn chênh vênh.

Trải rộng trên ba xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh và thị trấn Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), Phia Oắc là rừng đặc dụng, là kho di sản vô giá của miền Đông Bắc.

Với đỉnh cao 1.931m so với mực nước biển, cao hơn thị trấn du lịch Sa Pa 450m, cao hơn Ba Vì, Tam Đảo gần 1.000m, ngần ấy cũng đủ để Phia Oắc là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng và cả miền đông bắc Việt Nam.

Xét về độ cao, Phia Oắc chỉ đứng sau đỉnh Phia Dạ (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) với chiều cao 2.000m.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.