| Hotline: 0983.970.780

Ông giáo già cùng hành trình ngàn ngày đi tìm hài cốt liệt sĩ

Thứ Năm 26/07/2018 , 15:05 (GMT+7)

Không phải người được cơ quan chức năng giao nhiệm vụ, lại càng không một mảy may vụ lợi… nhưng những việc ông Nguyễn Sỹ Hồ ở Tân Uyên, Bình Dương làm khiến triệu triệu trái tim Việt xúc động. 

Đó là hành trình hàng ngàn ngày đêm đi tìm và đưa hài cốt những liệt sĩ còn nằm đâu đó về với người thân, với đồng đội.

Ông Nguyễn Sỹ Hồ có người anh trai hy sinh ở chiến trường miền Nam, nhưng không có thông tin cụ thể. Mặc dù vậy, suốt 31 năm, ông và gia đình vẫn không ngừng tìm kiếm, cho dù niềm hy vọng đang tắt dần. Cuối cùng, mọi cố gắng của gia đình đã có kết quả…
 

31 năm đi tìm anh

Phải đến lần gọi điện thoại thứ 3, chúng tôi mới thở phào khi nghe “Người đưa đò” Nguyễn Sỹ Hồ nói ông đang ở nhà. Sau gần 1 tiếng chạy xe từ TP.HCM, chúng tôi đã có mặt ở ấp Cổng Xanh, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương. Vừa hỏi nhà ông giáo Hồ, bác xe ôm đang đợi khách nhanh nhảu: “Đang chưa có khách, để tui đưa mấy chú vào tận nơi. Cũng gần đây thôi. Ngày xưa tôi là học trò của thầy Hồ”. Căn nhà nhỏ nhưng khang trang, ngăn nắp, với tài sản nhiều nhất là sách. Lúc chúng tôi đến, ông đang ngồi “đổ” hình chụp bia mộ từ thẻ nhớ chiếc máy ảnh vào máy tính.

17-04-01_nh_1
Ông Nguyễn Sỹ Hồ đang copy ảnh vào máy tính và cập nhật thông tin liệt sỹ lên trang mạng “Người đưa đò”

Ông Nguyễn Sỹ Hồ sinh năm 1956 tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp khoa Toán, trường đại học Sư phạm Vinh, ông khoác ba lô Nam tiến, và được phân công dạy học tại trường THPT Tân Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương).

“Anh trai tôi là Nguyễn Đăng Khoa, đi bộ đội năm 1969, chiến đấu và hy sinh ở chiến trường miền Nam. Nhưng giấy báo tử chỉ ghi chung chung là hy sinh ngày 15/10/1972 tại mặt trận phía Nam. Không có thông tin gì về mộ chí. Nên mục đích vào Nam của tôi là vừa dạy học vừa tìm anh trai hy sinh tại chiến trường miền Nam”, ông Hồ kể.

Suốt hơn 30 năm, ông Hồ và gia đình không ngừng tìm kiếm, dò hỏi về anh mình, nhưng tuyệt không có manh mối. Niềm hy vọng cứ giảm dần… Thế rồi, năm 2007, trong lần về quê thăm gia đình, ông Hồ tình cờ lần giở lại những kỷ vật của anh trai, bất ngờ thấy tờ giấy khen của anh trai do ông Nguyễn Đình Ích, Thủ trưởng Trung đoàn 271 ký. Ông vội vàng tìm hiểu thì được biết, Trung đoàn 271 hiện đóng quân ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Trở về Bình Dương, ông tìm đến Trung đoàn 271 hỏi thông tin về anh trai, và bắt đầu có manh mối. “Trong kho lưu trữ của Trung đoàn 271 còn lưu lại giấy viết tay của đồng đội anh Khoa, nội dung nói anh hy sinh ngày 16/4/1973 ở Mỹ Thạnh Đông, xã Đức Hòa, tỉnh Long An”, ông Hồ kể.

17-04-01_nh_3
Ông Nguyễn Sỹ Hồ thường xuyên có mặt tại các nghĩa trang

Sau đó, ông cùng gia đình về nghĩa trang huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tìm kiếm. Tại đây, tên Nguyễn Đăng Khoa có trong danh sách, nhưng trong sổ quản trang thì lại không. Trao đổi với người quản trang nghĩa trang Đức Hòa, ông mới biết xã Mỹ Thạnh Đông thuộc huyện Đức Huệ. Ông lại đến nghĩa trang Đức Huệ. Và, lại thêm một lần thất vọng khi không thấy tên anh Khoa ở đây.

“Khi đó, tôi thất vọng lắm. Nhưng quyết không bỏ cuộc. Quay về Trung đoàn 271, tôi tiếp tục lục tìm trong những đống hồ sơ cao lút đầu người, nhưng gần hết cả ngày mà vô vọng. Khi đó, tôi bắt đầu tuyệt vọng, vì nếu không tìm được gì ở đây thì không biết tìm ở đâu nữa. Tôi lầm rầm gọi tên anh trai, trong đầu quay cuồng câu hỏi anh đang ở đâu? Rồi nhủ thầm là cho dù khó khăn thế nào, em cũng sẽ tìm được anh về.

17-04-01_nh_8
Ông Nguyễn Sỹ Hồ bên mộ người anh trai Nguyễn Đăng Khoa tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Huệ, Long An (ảnh nhân vật cung cấp)

Và thật kỳ lạ, mấy phút sau, tôi thấy tấm bản đồ, nhìn kỹ thì đây là tấm bản đồ chôn cất liệt sĩ mà tôi đang cần. Trên đó ghi rõ ràng 7 liệt sĩ hy sinh tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây và được chôn tại ấp Voi (xã Mỹ Thạnh Tây, Đức Huệ, Long An, chứ không phải xã Mỹ Thạnh Đông) trong đó có tên anh tôi. Đây có thể là thứ quý nhất từ trước đến nay mà tôi có được”, ông Hồ kể.
 

Nỗi lòng người trong cuộc

Quay về xã Mỹ Thạnh Tây, ông Hồ tìm hiểu và được biết, sau giải phóng, 7 mộ liệt sĩ được chôn tại đây vẫn còn nguyên vẹn và được người dân địa phương gọi khu đất này là “khu bảy mộ”. Đến năm 1982, 7 ngôi mộ được quy tập về nghĩa trang huyện Đức Huệ. Ông tiếp tục đến nghĩa trang Đức Huệ. Tại đây, ông Hồ gặp ông Hai Cậy, nguyên Huyện đội trưởng thời kỳ 1972 - 1975, người trực tiếp chỉ đạo chôn cất bảy liệt sĩ. Ông Hai Cậy cho biết, bảy liệt sĩ ban đầu được chôn cất ở ấp Voi. Sau đó quy tập về nghĩa trang Đức Huệ, và các ngôi mộ đều ghi “Liệt sĩ vô danh”.

17-04-01_nh_4
Ông Nguyễn Sỹ Hồ dành toàn bộ tâm trí xem kỹ từng tấm ảnh mới chụp

“Nghe đến đó, nước mắt tôi nghẹn lại. Bảy ngôi mộ trước mắt, tôi không biết đâu là mộ anh mình, đâu là mộ đồng đội của anh. Tôi chỉ biết thắp hương ôm cả bảy ngôi mộ mà khóc. Sau khi quay trở về, tôi viết thư cho thân nhân của các anh và chuẩn bị các thủ tục để xin giám định ADN. Từ kết quả giám định, đầu năm 2009, huyện Đức Huệ, Long An đã gắn bia trả lại tên cho bảy liệt sĩ Trung đoàn 271, trong đó có anh tôi”.

17-04-01_nh_5
Ông Nguyễn Sỹ Hồ trò chuyện với phóng viên

Sau khi tìm được mộ của anh mình, ông Hồ gửi thông tin về các liệt sĩ của Trung đoàn 271 đăng tải trên báo. Chỉ mấy ngày sau, có 15 liệt sĩ đã được người thân tìm về. “Có rất nhiều ngôi mộ đã có tên rõ ràng trong các nghĩa trang, trong danh sách của các đơn vị từ lâu chứ không hẳn là thất lạc, nhưng vì nhiều lý do khách quan mà thân nhân vẫn chưa tìm được. Sau khi thông tin đăng tải trên báo, tôi thấy rõ hiệu quả của truyền thông, nên nảy ra sáng kiến lập trang mạng, lập blog, rồi sau đó là trang cá nhân facbook lấy tên “Người đưa đò” với mục đích chuyển tải thông tin, hình ảnh các bia mộ liệt sĩ lên, biết đâu thân nhân các liệt sĩ tình cờ đọc thấy”, ông Hồ nói.

Bắt đầu từ năm 2008, thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ vừa đứng lớp vừa bắt đầu hành trình đi tìm mộ liệt sĩ. Trong khi hầu hết các đồng nghiệp ở trường vào các ngày chủ nhật, ngày lễ, dịp hè đi du lịch, dạy thêm, thì thầy giáo Hồ lặng lẽ lên xe máy, cùng với máy ảnh, sổ tay ghi chép lặn lội tìm đến các nghĩa trang liệt, cơ quan chức năng, đơn vị quân đội để tìm kiếm thông tin, ghi chép, chụp ảnh, bất chấp mưa nắng. Và nay, khi đã về hưu, ông dành toàn bộ thời gian rong ruổi trên chiếc xe gắn máy, tiếp tục hành trình thiêng liêng của mình, dù đó là một con đường chất chồng những thử thách, khó khăn.

17-04-01_nh_6
Bà Lê Thị Lan, vợ thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ, người đồng hành và là hậu phương vững chắc cho ông làm “người đưa đò”
Ngày 27/7/2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao Kỷ lục “Người chụp ảnh bia mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ nhiều nhất” cho ông Nguyễn Sỹ Hồ. Đến nay, ông đã đến 330 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước, thu thập hơn 200 ngàn dữ liệu bia mộ liệt sĩ, ảnh nghĩa trang liệt sĩ. Công trình của ông đã giúp được khoảng 5.000 gia đình liệt sĩ, tiết kiệm cho xã hội, cho các gia đình liệt sĩ hàng trăm tỉ đồng, giúp cho cả nghìn gia đình tìm được người thân…

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm