| Hotline: 0983.970.780

Ông Kỷ 'gan cóc tía' xem cây trồng cũng như người

Thứ Năm 06/06/2024 , 10:55 (GMT+7)

NINH BÌNH Ông Kỷ quan niệm cây trồng cũng như con người. Khi canh tác theo hướng hữu cơ, cây trồng sẽ hình thành được hệ miễn dịch tự nhiên, chống chọi tốt với sâu bệnh hại.

Muốn làm hữu cơ phải chuẩn bị kỹ lưỡng

Ông Nguyễn Văn Kỷ ở thôn 3, xã Phú Long (Nho Quan, Ninh Bình) được mọi người đặt cho biệt danh “ông Kỷ gan cóc tía”. Biệt danh đó xuất phát từ việc ông là một kỹ sư địa chất chuyển sang làm trang trại nông nghiệp nhưng không sợ khó khăn gian khổ, thậm chí đôi lúc mang nợ với cách làm chẳng giống ai nhưng vẫn không nản lòng, bỏ cuộc.

Theo ông Nguyễn Văn Kỷ, trong bối cảnh hiện nay, canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn là hướng đi tất yếu phải thực hiện. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Văn Kỷ, trong bối cảnh hiện nay, canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn là hướng đi tất yếu phải thực hiện. Ảnh: Trung Quân.

Trong suốt mấy chục năm làm nông nghiệp, ông đã từng trồng rất nhiều loại cây ăn quả khác nhau như hồng không hạt, dứa, thanh long, mít, bưởi và hiện tại là cam; chăn nuôi lợn, gà, cá… Thoạt nhìn ai cũng nghĩ ông “cưỡi ngựa xem hoa”, “cả thèm chóng chán” nên thay đổi cây trồng liên tục nhưng khi được trò chuyện, tận mắt xem cách thức sản xuất mới thấy hết được những trăn trở, triết lý trong sản xuất nông nghiệp của lão nông này.

Ông Kỷ chia sẻ, có mạnh dạn thử nghiệm cây trồng thì mới biết loại cây nào có hiệu quả kinh tế, phù hợp với đồng đất, khí hậu địa phương. Quan trọng hơn, cây trồng có chu kỳ sinh trưởng và phát triển liên tục, khi già cỗi sẽ phát sinh nhiều loại bệnh do virus, vi khuẩn gây ra. Việc chuyển đổi cây trồng trên cùng một chân đất sẽ góp một phần quan trọng trong việc cắt đứt chuỗi mầm bệnh.

“Có lẽ sẵn máu kỹ sư địa chất, chuyên tìm kiếm mạch nước vẫn sôi sục trong người nên lúc nào mình cũng thích tìm tòi, khám phá cái mới, hiệu quả. Làm nông nghiệp trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, yêu cầu ngày càng cao của thị trường như hiện nay mà vẫn đi theo lối cũ thì khó có thể trụ vững”, ông Kỷ tâm sự.  

Cũng chính tư duy không ngại thay đổi đó, ông đã không ngần ngại chuyển hướng sản xuất từ sử dụng hoàn toàn bằng vật tư đầu vào hóa học sang sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ đất, môi trường, sức khỏe của bản thân, gia đình và cả "sức khỏe" môi trường, "sức khỏe" cây trồng, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo ông Kỷ, canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn là dự định đã ấp ủ từ lâu và là hướng đi tất yếu phải thực hiện. Trang trại của gia đình ông có diện tích lớn (10ha), việc lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học trong thời gian dài khiến đất ngày càng chai cứng, thiếu dinh dưỡng. Qua mỗi vụ, sâu bệnh gây hại có chiều hướng gia tăng, kháng thuốc nên tiêu tốn rất nhiều chi phí và công chăm sóc.

Ông Kỷ ngâm ủ cá với men vi sinh để bổ sung đạm cho cây thay thế đạm hóa học, vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng 'sức khỏe' đất. Ảnh: Trung Quân.

Ông Kỷ ngâm ủ cá với men vi sinh để bổ sung đạm cho cây thay thế đạm hóa học, vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng "sức khỏe" đất. Ảnh: Trung Quân.

Ông Kỷ quan niệm cây trồng cũng như con người, nếu hình thành được hệ miễn dịch tự nhiên thì tự khắc khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất, sản lượng cao. Tuy nhiên, để hình thành được hệ miễn dịch đó phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dành thời gian đầu tư chăm sóc, tạo dựng dần dần. Trong đó, việc cần chuẩn bị đầu tiên là kiến thức. Người sản xuất phải tường tận hữu cơ là gì thì mới có niềm tin để thực hiện, vận dụng các giải pháp quản lý chính xác, linh hoạt, hiệu quả. Bên cạnh đó, phải rèn đức tính kiên trì, không ngại cách rách, chủ động thay đổi thói quen canh tác và hoạch toán được kinh tế.

Đất khỏe thì cây mới khỏe

Ông Kỷ hào hứng cho biết, hiện trang trại đang phát triển trồng cam theo hướng hữu cơ, quá trình chuẩn bị đã được bắt đầu từ trước đó khoảng 8 năm. Trên diện tích 10ha, ông trồng hơn 6.000 gốc bưởi; khoanh vùng khu vực ủ phân chuồng hoai mục, xây bể ủ cá với men vi sinh làm phân bón hữu cơ.

Trong giai đoạn đầu chuyển hướng theo hữu cơ, đất trồng được ông cải tạo bằng cách sử dụng đỗ tương nghiền nát trộn với phân lân rắc đều xung quanh gốc, khi lên men sẽ phủ đất lên trên. Bên cạnh đó, sử dụng phân bón hữu cơ công nghiệp trộn cùng với phân chuồng ủ hoai mục để bổ sung dinh dưỡng cho đất, nuôi cây. Việc bổ sung dinh dưỡng được tăng dần theo sự phát triển của cây.

Theo ông Kỷ, nếu hình thành được hệ miễn dịch tự nhiên thì tự khắc cây trồng sẽ khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Kỷ, nếu hình thành được hệ miễn dịch tự nhiên thì tự khắc cây trồng sẽ khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Trung Quân.

Dung dịch cá ngâm ủ sau 6 - 7 tháng cho ra thành phẩm sẽ được chia thành lượng vừa đủ, pha với nước, đều đặn tưới cho cây với tần suất khoảng 40 - 45 ngày/lần để thay thế đạm hóa học. Những giai đoạn kích thích cây ra hoa, bung phấn, đậu quả… lượng đạm cá sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp.

Để phòng trừ sâu, bệnh gây hại, ông Kỷ sử dụng chế phẩm sinh học, kết hợp với các loại bẫy bả. Mặc dù thời gian đầu khá chật vật vì hiệu lực của chế phẩm sinh học không nhanh bằng thuốc BVTV hóa học nhưng qua thời gian, cùng với sự ổn định, khỏe mạnh của cây trồng thì tỷ lệ sâu bệnh hại cũng theo đó giảm dần.

Sau quãng thời gian miệt mài cải tạo đất, "huấn luyện" cho cây thích ứng với phương pháp canh tác mới, vườn bưởi đã cho thu trái ngọt. Độ mùn, dinh dưỡng trong đất tăng lên đáng kể. Cây trồng xanh tốt, độ bền cây cao, sản phẩm tạo ra có mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon nên giá bán liên tục được giữ ở mức cao. Môi trường vườn trồng giảm ô nhiễm, thu hút ong, các loài sinh vật có lợi về cư ngụ...

Sau nhiều vụ thắng lớn, nhận thấy thị trường quả bưởi dần bị bão hòa, giá bán sản phẩm không còn tương xứng với chi phí đầu tư, ông đã quyết định chặt bỏ cành lá, giữ lại gốc toàn bộ vườn bưởi, thuê thợ có kỹ thuật về ghép cam v2, cam đường canh.

Ông Kỷ chia sẻ, ghép cam vào gốc bưởi đã có tuổi đời thì sau khoảng 2 năm đã có thể cho thu hoạch, rút ngắn được thời gian so với trồng mới (cam trồng mới 3 - 4 năm mới cho thu hoạch). Đặc biệt, toàn bộ gốc bưởi đã quen với hình thức canh tác hữu cơ nên rất thuận lợi cho việc tạo ra những quả cam có chất lượng cao.

Theo ông Kỷ, khi cây trồng đã quen với phương thức canh tác theo hướng hữu cơ có thể giúp tiết kiệm chi phí 10 - 20 triệu đồng/ha/năm so với việc sử dụng toàn bộ vật tư đầu vào hóa học. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Kỷ, khi cây trồng đã quen với phương thức canh tác theo hướng hữu cơ có thể giúp tiết kiệm chi phí 10 - 20 triệu đồng/ha/năm so với việc sử dụng toàn bộ vật tư đầu vào hóa học. Ảnh: Trung Quân.

Về hiệu quả kinh tế, nếu tính toán chi li, khi cây trồng đã quen với phương thức canh tác theo hướng hữu cơ có thể giúp tiết kiệm chi phí 10 - 20 triệu đồng/ha/năm so với việc sử dụng toàn bộ vật tư đầu vào hóa học. Bởi lẽ, khi đất đai tơi xốp, màu mỡ, hệ vi sinh vật có lợi tăng lên sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây phát triển, hạn chế sâu bệnh hại thì không cần tiêu tốn quá nhiều vật tư chăm sóc.

Bên cạnh đó, có thể tận dụng những phế phụ phẩm trong nông nghiệp như chất thải chăn nuôi, cá tạp, cỏ… để chế biến thành phân bón hữu cơ ngay tại chỗ. Đặc biệt, khi giảm thiểu được các tác nhân hóa học, môi trường trở nên trong lành là điều kiện lý tưởng để đón các đoàn khách tham quan, trải nghiệm, vừa có thể bán sản phẩm ngay tại chỗ với giá ổn định vừa gia tăng được nguồn thu từ các dịch vụ đi kèm.

"Sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả một phần là do điều kiện tự nhiên, còn phần lớn là do chúng ta ngại thay đổi. Những lợi ích của việc canh tác theo hướng hữu cơ, sản xuất an toàn không cần phải bàn cãi, nhưng thời gian đầu sẽ thực sự khó khăn bởi các khoản đầu tư lớn, công sức bỏ ra nhiều. Tuy nhiên, nếu kiên trì chuyển đổi thì giá trị thu về sẽ khỏa lấp được những gì đã bỏ ra. Đặc biệt, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề sức khỏe, an toàn thực phẩm thì việc chuyển hướng sản xuất an toàn là tất yếu”, ông Kỷ đánh giá.

Xem thêm
Chất lượng bò thịt Bình Định ngày càng được nâng cao

Với tỷ lệ bò lai đạt trên 93%, chất lượng bò thịt ở Bình Định ngày càng nâng cao, góp phần phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2021-2025.

Tỷ lệ tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi rất thấp

Hiện nay, dù đã có vacxin dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vacxin tại các địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn rất thấp.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.