| Hotline: 0983.970.780

'Khoác áo mới' cho sản xuất lúa Ninh Bình

Thứ Tư 08/02/2023 , 10:37 (GMT+7)

Cơ giới hóa đồng bộ, nhất là mạ khay - máy cấy và mở rộng diện tích canh tác lúa theo hướng hữu cơ đang được ngành nông nghiệp Ninh Bình rất chú trọng.

Cú hích mới từ mạ khay - máy cấy

Với diện tích gieo cấy hàng năm gần 80.000ha, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, người dân cơ bản vẫn duy trì việc sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, tỷ lệ gieo sạ còn cao. Cùng với đó, việc sử dụng thuốc BVTV và phân bón không cân đối đã làm chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của người trồng lúa.

Vì vậy, việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ là hết sức cần thiết nhằm phát huy tối đa lợi thế, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư Ninh Bình chia sẻ: Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, giảm thiểu sức lao động, làm thay đổi tư duy, phương thức canh tác thủ công của người dân. Đồng thời, cơ giới hóa đồng bộ còn giúp giảm giống, thuốc BVTV, nâng cao chất lượng nông sản, giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân...

IMG_9365

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Ninh Bình, UBND huyện Yên Mô cùng đông đảo đại diện các HTX, doanh nghiệp, người dân tham quan, đánh giá mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và trình diễn mạ khay, cấy máy tại xã Yên Thành (Yên Mô) trong vụ đông xuân 2022 - 2023. Ảnh: Trung Quân.

Ông Ngọc phân tích: Khâu gieo mạ, sử dụng giàn máy gieo tự động giúp đơn giản hóa hoạt động, dễ chăm sóc, thuận tiện cho việc quản lý, bảo vệ mạ khi thời tiết bất thuận so với gieo mạ truyền thống. Bên cạnh đó, phương pháp này giúp tiết kiệm tối đa lượng giống cần gieo (giảm 25 - 30% so với gieo mạ truyền thống), tiết kiệm tối đa thời gian và công lao động (1 giàn máy gieo cần 5 lao động làm việc trong 1h, gieo được 600 - 800 khay mạ, cấy được cho diện tích trên 2ha). Bên cạnh việc sử dụng mạ gieo bằng khay cho cấy máy thì vẫn có thể dùng để cấy tay, rất phù hợp cho những vùng thiếu quỹ đất gieo mạ.

Đối với khâu cấy và chăm sóc lúa: Máy cấy ngồi lái có thể cấy cùng lúc được 6 hàng với khoảng cách hàng sông cố định 30cm, hàng tay có thể điều chỉnh 10 - 24cm. Bên cạnh đó, có thể điều chỉnh mật độ từ 16 - 33 khóm/m2; số dảnh/khóm điều chỉnh theo nhu cầu canh tác từng giống, đặc điểm chân đất từng vùng, từng địa phương.

Ưu điểm vượt trội của máy cấy là nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhân công lao động. Với diện tích cùng 1ha, nếu cấy bằng máy chỉ cần 2 người, cấy xong trong vòng 2 giờ, trong khi cấy bằng tay phải sử dụng tới 20 người, trong 8 giờ mới hoàn thành.

Mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu gieo mạ khay, cấy máy đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tăng thêm 15% giá trị so với sản xuất truyền thống.

Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình cho biết: Vụ đông xuân 2022 - 2023, tỉnh Ninh Bình gieo cấy hơn 39.000ha. Chương trình cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa được đưa vào thực hiện từ năm 2019 với quy mô 12ha, đến hết năm 2022 tăng lên hơn 1.500ha.

Những năm qua, Sở NN-PTNT Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh trong việc tăng cường hỗ trợ, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp từ khâu gieo cấy, thu hoạch, sơ chế, chế biến như máy cấy, máy phun thuốc BVTV, máy sấy, máy cuộn rơm... cho các HTX, người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 98%; gieo cấy gần 30%; chăm sóc, tưới trên 95%; phun thuốc BVTV 80%; thu hoạch đạt gần 95%...

IMG_9326

Chương trình cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa được đưa vào thực hiện tại tỉnh Ninh Bình từ năm 2019 với quy mô 12ha, đến hết năm 2022 đã tăng lên hơn 1.500ha. Ảnh: Trung Quân.

Cũng theo ông Khiêm, năm 2023, với chủ trương mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, sử dụng phương pháp cấy, toàn tỉnh sẽ nâng lên 50% diện tích sử dụng phương pháp cấy, trong đó, có khoảng 5 - 10% sử dụng máy cấy. Đồng thời, lũy kế tịnh tiến mỗi năm tăng 10% để đến năm 2025 nâng tỷ lệ diện tích lúa cấy và diện tích sử dụng máy cấy, cơ giới hóa đồng bộ của tỉnh lên 30%.

Ông Đinh Văn Khiêm đánh giá: Hiện nay, trong định hướng phát triển, Ninh Bình xác định lấy du lịch, dịch vụ và công nghiệp làm mũi nhọn. Vì vậy, lực lượng lao động trẻ sẽ có xu hướng chuyển dịch sang những lĩnh vực này. Do đó, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp giúp giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt lao động nông nghiệp, giúp giảm chi phí đầu vào, nhất là giống, phân bón, thuận lợi cho việc hình thành các chuỗi liên kết...

Khoảng 15 - 20% diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh bắt đầu triển khai từ năm 2018 với quy mô 15,7ha, đến nay, đã nhân rộng được khoảng 1.700ha.

Sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa (mạ khay, máy cấy) đã tiết giảm được công lao động, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ, trừ ốc; tạo dòng sản phẩm sạch, hiệu quả cao hơn lúa sản xuất thông thường từ 10 - 15%.

Thành công của chương trình là điều kiện để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, thúc đẩy liên kết "4 nhà", nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp, từng bước chuyển đổi nhận thức sản xuất theo hướng hàng hóa và tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, hình thành cách thức hợp tác tự nguyện, cùng mục tiêu, tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng... Nhờ đó, diện tích sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao từ tỷ lệ 43% (năm 2015) tăng lên 70,4% (năm 2020), 72,5% (năm 2021) và 75% (năm 2022).

IMG_9287

Việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa góp phần tăng thêm 15% giá trị so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình: Năm 2023, Ninh Bình phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 2%; giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt từ 153 triệu đồng.

Để làm được điều này, từ năm 2022, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phân ra 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp; mỗi tiểu vùng xác định các cây trồng chủ lực, con nuôi đặc sản. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2025 dựa trên 8 chương trình lớn.

Trong lĩnh vực trồng trọt, hỗ trợ sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị đồng bộ. Trong đó, tập trung cho việc hỗ trợ giống, phân hữu cơ với định mức là 50% và không quá 10 triệu đồng/ha/vụ, hỗ trợ 3 vụ liên tiếp nhằm tạo thói quen cho người dân sử dụng phân bón hữu cơ.

Năm 2023, dự kiến sẽ có thêm 3.000ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị đồng bộ. Đồng thời, với chính sách từ Nghị định 35, Nghị định 62 của Chính Phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, tỉnh Ninh Bình dự kiến hỗ trợ 5.000ha sử dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ. Như vậy, với những chính sách này, đến hết năm 2023, Ninh Bình sẽ có khoảng 15 - 20% diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng hệ thống cơ giới hóa đồng bộ.

IMG_5278

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Ninh Bình thăm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) vụ mùa 2022. Ảnh: Trung Quân.

Ông Khiêm đánh giá: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị đồng bộ giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, giá trị cao; phát triển được sản phẩm đặc sản mang thương hiệu Ninh Bình, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, phục vụ đắc lực cho hoạt động phát triển du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, canh tác an toàn sẽ bảo vệ được môi trường, tạo không gian, môi trường lý tưởng cho du lịch phát triển, nhất là hình thức du lịch trải nghiệm. Đồng thời, việc liên kết sản xuất sẽ thuận lợi cho việc áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại, giảm áp lực ngày càng già hóa của lực lượng lao động nông nghiệp hiện nay.

Ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTN huyện Yên Mô chia sẻ: Đến năm 2020, hầu hết các diện tích sản xuất lúa của huyện người dân sử dụng phương pháp gieo vãi (gieo thẳng). Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, lúa gieo thẳng bộc lộ khá nhiều hạn chế, nhất là ở giai đoạn mới gieo. Cụ thể, tốn nhiều giống, không đồng đều, tốn công dặm tỉa; dễ bị ngập úng; chuột, ốc bươu vàng dễ dàng gây hại. Đặc biệt, sau khi gieo phải rút kiệt nước thuận lợi cho lúa cỏ (lúa ma) phát sinh gây hại...

Do đó, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sử dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa nói riêng sẽ góp phần giải quyết cùng lúc nhiều bài toán “khó” cho ngành nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao, sinh thái, bền vững.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.