Nguyễn Hữu Phần có một sự nhạy cảm hiếm có với số phận con người và cách xây dựng nhân vật, không phụ thuộc vào tuổi tác.
Ông cũng không vội vàng dù đã vào cái tuổi vui vầy với con cháu, đối với ông già của những con “ma làng” này, làm gì cũng cần có kế hoạch, lộ trình và trên hết là đủ độ chín. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sẽ làm đến đâu, hay đến đó, trong phần sức lực và kỳ vọng còn lại của mình.
Được coi là một trong những người thiết tha với dòng phim chính luận về đề tài nông thôn Việt Nam, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần của bộ phim truyền hình “Đất và người", "Ma làng", "Gió làng Kình"… đã liên tiếp gặt hái nhiều giải thưởng uy tín.
Vị đạo diễn đã có tuổi và cũng nổi tiếng khó tính với nghề này hay được so sánh, nếu nhạc Tây Nguyên có ông Nguyễn Cường thì phim chính luận về nông thôn Việt có ông Nguyễn Hữu Phần. |
Những tác phẩm của đạo diễn, nhà biên kịch dày dặn kinh nghiệm này cứ trải dài qua nhiều thời kỳ và khắc họa và mỗi số phận với một tinh thần sâu sắc đến kỳ lạ. Bắt đầu gây tiếng vang từ “Đất và người”, bộ phim có thể nói nghiêm túc là gây “sốt” vào thời điểm đó, và đánh bật hoàn toàn số lượng lớn phim Hàn Quốc đang ngập tràn. Nguyễn Hữu Phần chứng tỏ một chân lý rằng phim Việt nếu làm đúng đắn, chân thật, gần gũi, khán giả Việt sẽ không bao giờ quay lưng, dù với những đề tài xưa cũ như nông thôn, làng quê.
Ở Việt Nam, 70% người dân sống ở nông thôn, vì thế, đây luôn là mảng đề tài đầy tiềm năng mà cả đời người cũng chưa chắc đã khai thác hết. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần luôn ấp ủ mong muốn làm phim về người tốt. Nếu không có gì thay đổi, năm tới ông sẽ làm bộ phim mong ước của mình về những người nông dân ở Tây Nguyên.
Có một thực tế dễ dàng nhận thấy có sự chênh lệch giữa điện ảnh Bắc - Nam. Ngay trong mùa giải Cánh diều năm 2012, ở lĩnh vực phim truyện nhựa, những bộ phim phía Nam chiếm 10/12 phim, còn đối với phim truyền hình tỷ lệ 16/18. Sự khác biệt không chỉ ở mặt số lượng mà cả về chất lượng. Nguyên nhân do người làm phim phía Nam có môi trường làm việc tốt. Điều cốt lõi hơn cả, họ ham học, chịu khó lăn xả và có tinh thần cầu thị.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là một ông lão luôn muốn sự trẻ trung tràn ngập trong tinh thần làm việc và sự cầu thị luôn hiện rõ, sự đau đáu của ông với nghề vẫn luôn sâu sắc dù ông trên bất kỳ cương vị hay vị trí nào. Vẫn đang trên đà “chạy” để khai thác về đề tài chính luận nông thôn, ông cũng không quên khai thác các mảng màu mới như đề tài trào phúng lịch sử hay Tây Nguyên, ở mỗi khu vực đặc trưng đó, Nguyễn Hữu Phần cũng đều có quyền tự tin về sự dày dặn của ông trong những kinh nghiệm về xây dựng hình tượng nhân vật.
Nguyễn Hữu Phần cho rằng điện ảnh Việt Nam lâu nay làm phim lịch sử chủ yếu theo mùa vụ, hay còn gọi là “cúng giỗ”. Nghĩa là, cứ sắp đến dịp kỷ niệm sinh nhật một nhân vật lịch sử nào đó, sắp kỷ niệm một sự kiện lịch sử nào đó, chúng ta lại cập rập triển khai một dự án phim, với mục đích chính là minh họa, tưởng nhớ, theo cách thức vội vã.
Phim lịch sử muốn hay, muốn hấp dẫn, thu hút người xem, cần những nhà làm phim có cách làm mới, độc đáo, lạ, và biết biểu đạt những cái lạ, độc đáo, sáng tạo lên màn ảnh. Sự sáng tạo, độc đáo chỉ đến từ tài năng. Nhưng, tài năng lại là thứ mà điện ảnh Việt thiếu nhất từ xưa đến nay. Đụng vào phim lớn kiểu đặt hàng nhiều tiền, tác giả kịch bản, đạo diễn đều lo lắng làm sao để người xem khỏi bị ám ảnh về quan niệm làm phim kiểu cũ.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cùng ông bạn thân, đạo diễn Phi Tiến Sơn, đã lên kế hoạch hợp tác với nhau trong các tác phẩm mới, phải có cách kể chuyện khác trước, tình huống kịch được tạo bằng nhiều chi tiết ngắn gọn và lời thoại đơn giản. “Quay cảnh làm cầu trên lưng voi, săn voi trong rừng phức tạp lắm, nhưng không thể bỏ được. Khi người làm phim tỉnh táo, hiểu được khán giả nghĩ gì, tiếp nhận như thế nào, phim sẽ đạt hiệu quả”, ông chia sẻ.
Ở khía cạnh khác của nghề làm phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng là một “chàng trai” thức thời và thực tế: “Tôi muốn sự tồn tại của dòng phim mình đang theo đuổi phải thành công với ba mục tiêu, tôn vinh văn học giai đoạn 1930 - 1945, làm hết sức đến mức có thể bởi nếu đài truyền hình không thu được quảng cáo thì họ cũng không có khả năng đầu tư lâu dài, muốn làm điều gì đó cho người xem, đặc biệt là thế hệ con cháu hiểu rằng trước đây ông cha ta đã có những thời kỳ rất đẹp và thú vị. Đồng thời trước thực tế báo động về văn hóa đọc trong một bộ phận giới trẻ, chúng tôi cũng hy vọng việc đưa những tác phẩm văn học một thời lên màn ảnh biết đâu sẽ sẽ giúp các bạn thấy thú vị và tò mò muốn tìm đọc lại những quyển sách thời kỳ đó”.
“Ma làng” đã kết thúc cách đây 5 năm, nhưng những nỗi buồn, trăn trở về cuộc sống mới của người nông dân trong lòng "ông Phần nông thôn" chưa khi nào nguôi. Đạo diễn tâm sự: “Tôi đã gặp anh nông dân nhiễm AIDS giai đoạn cuối. Anh kể cũng chỉ vì muốn làm giàu nhanh chóng bằng mọi cách mà đi đào vàng, rồi mang bệnh. Tôi được biết chuyện những quả đồi ở một làng quê nay đã bị bán hết cho ông nọ, ông kia. Chắc rằng mấy chục năm nữa, đồi cũng chẳng còn. Có người bảo tôi, ông Phần ơi về quê tôi làm phim đi, ma làng tôi còn ghê hơn ma làng ông. Tôi thấy đau lòng lắm!”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần luôn là một con người đau đáu, ông chưa thực hiện phần tiếp của “Ma làng” nhanh chóng như kỳ vọng vì nó cũng là áp lực với chính ông, một bộ phim làm hay đối với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần mà xa rời khán giả, không đủ sâu sắc và có được đồng tiền vừa đủ về mặt thương mại cũng là chưa đủ, vì vậy mà ở cái tuổi nghỉ ngơi, vui vầy với con, cháu, ông vẫn cứ lên đường theo đuổi những hoài bão còn dang dở. Dự kiến “Ma làng" 2 sẽ gồm 30 tập phim và đang đi vào những khâu cuối cùng để lên sóng. |
Kịch bản phim đã có một hành trình đầy gian nan, trước khi cập bến với một nhà sản xuất có đủ năng lực thực hiện. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết ông đã rất may mắn khi mời được toàn bộ ê-kíp diễn viên cũ tham gia. Riêng vai anh nông dân Dỏ đầy ấn tượng do nam diễn viên quá cố Hồng Sơn thủ diễn sẽ được giao cho nam diễn viên Trung Hiếu.
Nguyễn Hữu Phần cho biết ông rất hài lòng với khả năng hóa thân đa dạng của Trung Hiếu và hướng dẫn anh tạo nên một nhân vật Dỏ của 10 năm sau. Nếu “Ma làng” là câu chuyện nông thôn thời xóa bỏ bao cấp, thì “Ma làng" 2 của 10 năm sau là thời kỳ đổi mới, giai đoạn đua nhau làm giàu, lấy đồng tiền làm mục đích sống.
Chuyện phim bắt đầu từ cuộc trở về của Ất sau nhiều năm lưu lạc. Ban đầu sự xuất hiện của Ất khiến người làng Bâm Dương tưởng là bóng ma của ông Tòng - một chủ tịch xã tiêu cực, độc tài thời bao cấp hiện về. Con người thủ đoạn như Ất đã làm xáo trộn cuộc sống của người làng. Còn những con người như Dỏ, Ló, Nghiệp... đã có một cuộc sống khấm khá hơn nhưng họ phải đối mặt với những khó khăn thời mở cửa, và bị mắc kẹt trong cuộc chiến gìn giữ đất đai và cơn lốc phát triển công nghiệp, dịch vụ.