| Hotline: 0983.970.780

Ông Nguyễn Đức Chung: 'Đặt hàng thay đấu thầu sẽ hạn chế tình trạng cây chết'

Thứ Bảy 26/08/2023 , 17:59 (GMT+7)

Ông Chung cho rằng hình thức đặt hàng sẽ tránh được tình trạng cây chết hơn so với việc thực hiện các dự án trồng cây thông qua đấu thầu.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết: 'Tôi không thể tin được là có việc chia chác như thế này'. Ảnh: Nam Anh.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết: "Tôi không thể tin được là có việc chia chác như thế này". Ảnh: Nam Anh.

Trình bày phần tranh luận của mình tại phiên tòa, về việc tạm dừng đấu thầu chuyển sang đặt hàng, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng thời điểm bắt đầu làm Chủ tịch, UBND TP. Hà Nội đang phải cắt giảm ngân sách từ 42% xuống còn 35%. Do đó, thành phố phải rà soát cắt ngay những khoản, chi phí không hợp lý. Trong đó có các gói thầu của Sở Xây dựng đã đề xuất, đang chuẩn bị thực hiện là cắt tỉa cây trên Đại lộ Thăng Long (83 tỷ đồng), đường Võ Nguyên Giáp (103 tỷ đồng). "Trước tình thế trên chúng tôi phải cắt và cho rà soát lại", ông Chung nói.

Theo ông Chung đây là nguyên nhân để ban hành Thông báo số 32 về việc tạm dừng. Trong các buổi họp với Sở Xây dựng, ông Chung đã chỉ ra các sai phạm của các gói thầu này và hướng đến mục tiêu tiết kiệm cho thành phố.

Hàng năm Công ty Cây xanh đã cử cán bộ, công nhân cắt tỉa nhưng bằng phương pháp thủ công không hiệu quả, thậm chí để xảy ra tai nạn. Số lượng cây không được cắt tỉa nhiều dẫn đến gãy đổ nhiều gây bức xúc trong nhân dân thành phố. Cùng với đó, thời điểm tháng 2/2016, TP. Hà Nội sắp có nhiều sự kiện lớn nên việc trồng cây trở nên cấp thiết.

Ông Chung cho biết, TP. Hà Nội đã có chủ trương về việc cắt tỉa cây và được Hội đồng Nhân dân thông qua và phê duyệt dư toán chỉ còn chờ quyết định. Do đó, ông Chung đã cho phép trồng cây song song với việc chờ quyết định.

"Tôi mong Viện Kiểm sát xem xét điều kiện hoàn cảnh, không phải tôi cho trồng cây trước rồi mới làm thủ tục cho toàn bộ quá trình này", ông Chung nói.

Tại phần tranh luận, ông Chung thừa nhận việc trồng 600.000 cây keo trên Đại lộ Thăng Long và 34 tuyến đường khác đã được thực hiện không thông qua đấu thầu. Nhưng ông Chung cho rằng sau khi trồng từ năm 2018, thành phố đã tiết kiệm được 230 tỷ đồng tiền duy tu bảo trì do các đặc tính sinh học của loại cây này giúp hạn chế cỏ, chống sạt lở.

Dự kiến ngày 28/8 Hội đồng xét xử sẽ ra phán quyết về vụ án nâng khống giá cây xanh. 

Dự kiến ngày 28/8 Hội đồng xét xử sẽ ra phán quyết về vụ án nâng khống giá cây xanh. 

Đối với cáo buộc về việc dùng phương thức đặt hàng thay cho đấu thầu, ông Chung cho rằng, hình thức đặt hàng sẽ tránh được tình trạng cây chết hơn so với việc thực hiện các dự án trồng cây thông qua đấu thầu vì khi đó đơn vị đặt hàng phải chịu trách nhiệm không để xảy ra tình trạng cây chết, khi cây chết phải được trồng mới ngay và việc trồng mới sẽ được thực hiện theo mùa và vào ban đêm tránh gây ảnh hưởng đến người dân thành phố.

Trình bày tại tòa, ông Chung cho biết khi vụ án nâng khống giá cây xanh bị khởi tố đã khiến bản thân cảm thấy rất buồn vì dự án cây xanh đã được Hội đồng Giải thưởng Bùi Xuân Phái trao tặng Giải thưởng danh dự. Đây là một chương trình ý nghĩa, không gây thiệt hại mà mang lại nhiều giá trị.

Luật sư của bị cáo Bùi Văn Mận đề nghị xem xét lại tội danh.

Luật sư của bị cáo Bùi Văn Mận đề nghị xem xét lại tội danh.

Ông Chung khẳng định, không quanh co chối tội như đại diện Viện Kiểm sát cáo buộc "lương tâm bị cáo chỉ cho phép nói sự thật, làm sai sẵn sàng nhận".

"Ngay từ khi làm việc với cơ quan điều tra tôi luôn nhận trách nhiệm người đứng đầu, nếu phải bồi thường tôi sẵn sàng bán nhà để nộp tiền bồi thường", ông Chung nói.

Trong vụ án, ông Chung không bị Viện Kiểm sát đề nghị phải bồi thường dân sự. Các bị cáo thuộc hai Công ty Cây xanh Hà Nội và Công ty TNHH Sinh Thái Xanh, phải liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại, hơn 34 tỷ đồng.

Nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mong muốn Hội đồng xét xử xem xét công lao của các bị cáo thuộc Công ty Cây xanh Hà Nội, do suốt 3 năm thực hiện dự án các cán bộ công ty phải thức đêm trồng cây để đảm bảo an toàn giao thông, tránh bụi bặm ảnh hưởng tới người dân.

"Công sức của họ, cùng kinh phí thành phố giao, khối lượng công việc nhiều nhưng họ vẫn thực hiện trồng cây gấp đôi kế hoạch, tỷ lệ cắt tỉa gấp 3 lần. Thủ đô được xanh như ngày hôm nay có sự nỗ lực rất lớn của họ", ông Chung nói.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Bùi Văn Mận - nguyên giám đốc Công ty TNHH Sinh Thái Xanh, ngã quỵ khi nghe Viện Kiểm sát công bố phần buộc tội, khiến chủ tọa phiên tòa liên tục phải dừng phiên tòa để xem xét tình trạng sức khỏe của bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Mận, cho rằng cần phải xem xét lại tội danh của bị cáo Mận. Bởi lẽ, đối với tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", thì bị cáo Mận phải được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Trong khi, Công ty TNHH Sinh Thái Xanh là công ty tư nhân và không có phần vốn nhà nước nên không thỏa mãn về chủ thể của tội này.

Tại phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm buộc tội.

Dự kiến, thứ hai ngày 28/8, Hội đồng xét xử sẽ ra phán quyết cuối cùng.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.

Bình luận mới nhất