| Hotline: 0983.970.780

Ông Võ Kim Cự có 'phớt lờ' kết luận của Thanh tra Chính phủ về Formosa?

Thứ Ba 26/07/2016 , 07:45 (GMT+7)

Sau các phát ngôn liên tục của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, về vấn đề Formosa trên báo chí, chiều 25/7, trao đổi với NNVN, một số lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định: Có một số nội dung ông Võ Kim Cự phát biểu không đúng.

Chỉ đồng ý 70 năm khi "sự đã rồi"

Theo ý kiến từ lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, thứ nhất, việc ông Võ Kim Cự trả lời báo chí nói việc cho Formosa thuê đất 70 năm là "đúng pháp luật, đúng quy trình" có những sự nhầm lẫn, lấp liếm, cần phải giải thích rõ ràng.

Thực tế Thủ tướng chỉ đồng ý sự việc này sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của Hà Tĩnh.

Cụ thể, năm 2015, khi công bố kết luận Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ khẳng định: Việc BQL Khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm Luật Đầu tư 2005.

Ngày 21/5/2008, Công ty Formosa có đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư; ngày 12/6/2008 Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu số 282023000001 cho Công ty với thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm.

Trong khi đó, tại Điều 52, Luật Đầu tư năm 2005 quy định: Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm.

Chính vì vậy, trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kết luận rõ ràng: “Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ chưa thấy ý kiến của Chính phủ cho phép thời hạn hoạt động của dự án trên 50 năm.

Đây là nội dung quan trọng, tác động tích cực đến hoạt động của dự án FDI, nhưng cũng là nội dung khá nhạy cảm đối với nhà đầu tư, địa điểm đầu tư (cảng biển khu vực liên quan đến quốc phòng và an ninh) cần phải được xác định rõ hơn để tạo sự đồng thuận, phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai dự án và quản lý hoạt động dự án sau đầu tư”.

Cũng theo ý kiến của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, sau khi kết luận việc cho Formosa thuê đất 70 năm là sai luật, Thủ tướng đồng ý cho Formosa thuê đất 70 năm là để hoạt động của dự án bình ổn chứ không phải đồng ý từ trước.

Vấn đề thứ hai, việc ông Võ Kim Cự trả lời báo chí "không bộ nào bảo không đồng ý chọn Formosa" có thể gây ra những hiểu nhầm là ngay từ đầu các bộ, ngành đồng thuận việc Hà Tĩnh cho Formosa thuê đất 70 năm.

Thực tế, theo Kết luận thanh tra, vấn đề này bắt nguồn từ “Báo cáo đầu tư Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương” do Cty Formosa lập năm 2008 với thời hạn hoạt động của dự án 70 năm. Ngày 8/5/2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 1125/UBND-CN2 gửi các Bộ, ngành liên quan xin ý kiến.

Theo thống kê, đã có 11 Bộ, ngành có ý kiến bằng văn bản nhận xét về báo cáo đầu tư, tuy nhiên không hề có một văn bản nào có nội dung đề nghị Chính phủ về thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, ngày 2/6/2008 UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản số 122/BC-UBND “Báo cáo thẩm tra Dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan)” gửi Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 6/6/2008 Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trả lời UBND tỉnh Hà Tĩnh tại văn bản số 869/TTg-QHQT, trong đó có nội dung: “1. Về nguyên tắc đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan thực hiện dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”; “2. UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành trung ương hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan, chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định hiện hành…”.

Rõ ràng các Bộ, ngành và Chính phủ không hề đồng ý chấp thuận việc Hà Tĩnh cho Formosa thuê đất với thời hạn 70 năm trước khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận các sai phạm.

Chưa nghiêm túc xử lý kỷ luật theo chỉ đạo của Thủ tướng

Một vấn đề được dư luận hết sức quan tâm là Hà Tĩnh đã xử lý kỷ luật như thế nào đối với những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra?

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của Thanh tra Chính phủ, sau đó tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có một báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ khẳng định đang tổ chức thực hiện các kiến nghị được nêu trong kết luận thanh tra. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Chính phủ chưa thanh tra trách nhiệm việc xử lý sau thanh tra đối với Hà Tĩnh.

c-chet-3174710402
c-chet-2174701776
Cá nhiễm độc chết hàng loạt tại miền Trung do Formosa xả thải

 

Riêng vấn đề này, lẽ ra, sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận năm 2014 và Thủ tướng Chính phủ đồng ý, yêu cầu Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc, làm rõ những dấu hiệu vi phạm, trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân cần phải được làm rõ, chứ không chỉ dừng lại ở việc cho Formosa thuê đất trái luật.

Ông Võ Kim Cự với tư cách là người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh thời điểm đó đã thực hiện và chỉ đạo thực hiện việc xử lý kỷ luật đến đâu?

Xin được nhắc lại, đối với việc cho Formosa thuê đất trái luật, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm Luật Đầu tư 2005. Trách nhiệm trong việc này thuộc về thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng.

Vấn đề thứ hai, không những vượt quyền Chính phủ để cho DN nước ngoài thuê đất thời hạn 70 năm, Hà Tĩnh còn tiến hành chỉ định thầu một số dự án khá quan trọng, vi phạm Luật Đấu thầu.

Một trong những dự án có tầm vóc quan trọng đặc biệt với Khu Kinh tế Vũng Áng là dự án Xây dựng hệ thống cấp nước với tổng mức đầu tư 4.415,38 tỷ đồng.

Đây là dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Vũng Áng làm chủ đầu tư. Vì thực hiện dự án chậm tiến độ nên UBND tỉnh Hà Tĩnh buộc phải “thay ngựa giữa dòng”, đồng ý cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (gọi tắt là Công ty Hoành Sơn) lập hồ sơ, thủ tục để triển khai dự án. Điều đáng nói, Công ty Hoành Sơn là cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (92%).

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm để đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án, tuy nhiên, theo kết luận của TTCP, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã chỉ định thầu các gói thầu tư vấn và xây dựng. Trong khi đó, theo quy định của Luật Đấu thầu 2005, thì những dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển phải thực hiện đấu thầu.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ những sai phạm nghiêm trọng của tập thể và cá nhân liên quan trong quá trình triển khai dự án: “Trình tự, thủ tục chọn chủ đầu tư dự án không tuân thủ theo quy định (trước khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo), thể hiện sự “tiền trảm hậu tấu”, nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Việc chấm dứt hoạt động đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án cấp nước của Công ty Cổ phần kinh doanh nước Hà Tĩnh đến thời điểm thanh tra chưa giải quyết dứt điểm về vốn đầu tư tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện”.

Trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến dự án này, bao gồm: Thường trực UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý KKT Vũng Áng, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vũng Áng.

Liên quan đến vấn đề xử lý sai phạm hậu thanh tra, tại cuộc họp báo của Thanh tra Chính phủ ngày 22/7 vừa qua, ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định: Hà Tĩnh chưa nghiêm túc.

Theo ông Khánh, việc kiểm tra thực hiện sau thanh tra đã được dự kiến tiến hành nhưng sau đó đình lại vì xảy ra sự cố Formosa gây ra cá chết tại 4 tỉnh miền Trung.

“Đối với việc cấp phép 70 năm, thời điểm đó tỉnh Hà Tĩnh đã làm không đúng quy định pháp luật, trong kết luận chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm các tập thể cá nhân có sai phạm.

Hiện nay Thanh tra Chính phủ đã thành lập Tổ kiểm tra và đang làm việc lại với Hà Tĩnh để xem xét lại kết luận đó. Về chuyện kiểm điểm cá nhân, tập thể, bước đầu nhận định là chưa nghiêm túc. Còn vì sao chưa nghiêm túc chúng tôi sẽ đối chiếu và có thông báo chính thức”, ông Khánh nói.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.