| Hotline: 0983.970.780

Pác Nặm vượt khó để xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 29/01/2021 , 08:02 (GMT+7)

Xây dựng NTM tại những địa phương vùng cao đặc biệt khó khăn như ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, thì việc sử dụng nguồn lực địa phương là không đủ.

Người dân Pác Nặm tham gia bằng ngày công xây dựng NTM

Người dân Pác Nặm tham gia bằng ngày công xây dựng NTM

Vận dụng mọi nguồn lực 

Pác Nặm là huyện vùng cao 30A của tỉnh Bắc Kạn, có 10/10 xã đặc biệt khó khăn với trên 95% dân cư là người dân tộc thiểu số. Vì vậy việc xây dựng NTM ở địa phương này bằng nội lực từ nguồn ngân sách địa phương và đóng góp của nhân dân là chưa đủ, mà phải tận dụng các mối quan hệ cộng đồng để thu hút nguồn tài trợ về cho địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Đình Điệp cho biết, huyện cũng tập trung cao nhất có thể các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Cứ nghe tin ở đâu có nguồn vốn, hay biết có nguồn tài trợ thiện nguyện là từ lãnh đạo huyện, rồi nhiều cán cán bộ năng động lại vận dụng các mối quan hệ để thu hút về địa phương. Số tiền có thể không nhiều, nhưng làm được một phòng học, một căn nhà, đoạn đường hay vài chục suất quà cho người nghèo là đi xin.

Mặc du mới chỉ đáp ứng được một phần chưa nhiều, nhưng cũng giúp cho bộ mặt nông thôn của nhiều bản vùng cao thay đổi, đời sống người dân được nâng cao, giao thương về hàng hóa thuận lợi ,…

Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Đình Điệp: 'Nghe ở đâu có nguồn vốn tài trợ là liên hệ để xin về làm công trình cho bà con'.

Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Đình Điệp: "Nghe ở đâu có nguồn vốn tài trợ là liên hệ để xin về làm công trình cho bà con".

Tuyên truyền bằng tiếng dân tộc

Công tác tuyên truyền được huyện Pác Nặm chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều phương pháp, cách thức khác nhau, phù hợp với nhiều đối tượng cũng như lứa tuổi, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Thậm chí huyện còn truyền thông các nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc để người dân dễ tiếp cận.

Chính vì vậy, nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã đạt được những thành quả nhất định, cơ bản người dân đã nhận thức được trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ xây dựng NTM, đã tham gia thực hiện phong trào hiến đất, đóng góp ngày công thi công công trình; thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; thực hiện các tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm... Người dân chủ động đóng góp bằng tiền mặt, bằng ngày công lao động để xây dựng NTM.

Lĩnh vực được ưu tiên xây dựng là giao thông, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu dân sinh. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã đầu tư nâng cấp 96 công trình với tổng chiều dài gần 60 km.

Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Pác Nặm đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, triển khai chương trình OCOP, bước đầu đã hình thành một số mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện các nội dung tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức cấp xã… làm cho Chương trình NTM của huyện có những chuyển biến tích cực.

Kết quả sau 10 năm xây dựng NTM cho thấy huyện Pác Nặm đã đạt được những kết quả rất đang ghi nhận, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư, kinh tế nông thôn phát triển có xu hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, trên địa bàn cũng đã xuất hiện một số mô hình kinh tế gắn với NTM, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Tuyên truyền chính sách phát triển kinh tế, xây dựng NTM tại một bản vùng cao ở huyện Pác Nặm.

Tuyên truyền chính sách phát triển kinh tế, xây dựng NTM tại một bản vùng cao ở huyện Pác Nặm.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc 

Hiện nay vẫn chưa có xã nào của huyện Pác Nặm được công nhận đạt chuẩn NTM. Nhưng đối với một huyện vùng cao khó khăn như vậy, thì việc bộ mặt của nhiều bản làng đã thay đổi vươn lên, có đường giao thông, có điện là kết quả đáng ghi nhận. Đáng ghi nhận nhất là xã Bộc Bố đã đạt 19/19 tiêu chí NTM.

Xây dựng NTM chính là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn vùng cao. Nhìn tổng thể, đời sống người dân địa phương đã được nâng cao so với 10 năm trước đây, mặc dù vẫn chưa đồng đều. Có một số thôn bản nằm ở xa trung tâm vẫn còn rất khó khăn sẽ tiếp tục được huyện triển khai xây dựng trong những năm tiếp theo.

Giai đoạn 2020-2025, huyện Pác Nặm đề ra mục tiêu phấn đấu, có 04 xã đạt chuẩn NTM, 55 thôn đạt thôn NTM, 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 03 xã đạt từ 15 - 8 tiêu chí, 03 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; thu nhập bình đầu người/năm đạt 31 triệu; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 2,5%/ năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%.

Huyện Pác Nặm tập trung đánh giá các nội dung, chỉ tiêu trong quá trình triển khai NTM những năm qua, đánh giá mặt được, mặt yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc biệt là đề ra giải pháp tổ chức thực hiện các các nội dung, chỉ tiêu đạt thấp để từng bước hoàn thành tiêu chí NTM và giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của huyện.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.