| Hotline: 0983.970.780

PGS.TS Mai Thành Phụng - nhà khoa học, nhà khuyến nông, MC truyền hình

Thứ Năm 03/12/2020 , 15:01 (GMT+7)

'Tiến sỹ nông dân' là tên thường gọi được các fan nông dân Nam Bộ hâm mộ đặt cho chuyên gia Khuyến nông PGS.TS Mai Thành Phụng...

PGS.TS Mai Thành Phụng (áo đỏ) chụp hình cùng cán bộ nông nghiệp cơ sở.

PGS.TS Mai Thành Phụng (áo đỏ) chụp hình cùng cán bộ nông nghiệp cơ sở.

Ông là nguyên GĐ Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Đồng Tháp Mười, nguyên Trưởng bộ phận thường trực phía Nam Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tác giả và đồng tác giả những công trình khoa học về canh tác trên đất phèn nặng, góp công lớn vào công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười, đồng tác giả giống lúa VNĐ 95-20, giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ, là giảng viên sau đại học của Đại học Nông Lâm TP.HCM, Viện KHNN Việt Nam, Viện KHNN Miền Nam.

- Anh uống nước, đợi chút xíu, em về ngay đây.

Trên QL1 đoạn qua An Sương (TP.HCM) giữa ầm ào của dòng xe cộ đông ken mà tiếng PGS.TS Mai Thành Phụng cứ rổn rảng. A, mà chỉ chút xíu thật, nhà khoa học, nhà khuyến nông, MC chiếm sóng nhiều nhất trên sóng truyền hình Nông nghiệp các tỉnh Nam Bộ, chạy xe máy ào về, hai bên xe lỉnh kỉnh đủ thứ như một shipper.

- Anh chị uống nước đi. Trà Ô Long thượng hạng đấy, quà biếu của em học trò mà tôi vừa tham gia chấm luận án tiến sỹ. Anh chị đến vui quá, nhân tiện mời anh chị dự sinh nhật của em luôn.

- Chúng ta bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi và anh thì quá nhiều chuyến đi cùng nhau nhưng tôi nhớ nhất chuyến đi lên Mộc Hóa, có cô Kim Chi bên đài Phát thanh HOV ngồi cạnh tôi. Chuyến đi ấy khi qua Tân Thạnh, anh kể chuyện ma, cô Kim Chi sợ quá cứ níu lấy tôi.

- Ma quỷ gì. Bây giờ anh đi trên Quốc lộ 62, Quốc lộ N2, lên cửa khẩu Bình Hiệp, Vĩnh Hưng, rẽ về Gò Tháp, Mỹ An, lên Tràm Chim, Sa Rài… toàn đường nhựa, nhà cửa san sát, ruộng đồng xanh ngắt, xe con xe tải dập dìu, thậm chí còn kẹt xe hàng km những ngày lễ.

Dấu vết của một Đồng Tháp Mười 629.000 ha hoang vu chẳng còn thấy đâu nữa, chỉ còn thấy trong phim ảnh và những câu chuyện từ thực tế như Ba Phi rồi thêu dệt thêm. Năm 1988, ngày Phụng về nhận công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Đồng Tháp Mười, quốc lộ 62 từ Tân An lên Mộc Hóa chỉ là con đường đất nhỏ, mới đắp năm 1983, và chỉ đi được mùa khô còn mùa mưa thì bị ngập.

Quãng đường chỉ 80 km mà tới năm 1992, khi Phụng làm điều phối viên dự án ISA/FOS được cấp xe Land cruiser 2 cầu 6 máy, mới cáu cạnh, cả tỉnh Long An không nơi nào có, mà phải bò mất 3-4 tiếng, và chỉ cần ra khỏi Tân An một quãng thì hai bên chỉ có lau sậy và tràm hun hút. Hun hút hàng vài chục km không một bóng nhà. Hun hút như đi vào xứ u tỳ quốc.

PGS.TS Mai Thành Phụng (người đứng giữa) tại hội thảo đánh giá chất lượng giống mới (Ảnh chụp năm 2006)

PGS.TS Mai Thành Phụng (người đứng giữa) tại hội thảo đánh giá chất lượng giống mới (Ảnh chụp năm 2006)

Mới 4 giờ chiều, lau sậy chuyển qua màu xanh tái, rồi đến tràm cũng chuyển màu xanh tái và rồi cả trời Đồng Tháp Mười cũng chuyển qua tai tái. Không một bóng người. Không bóng xe ngược chiều. Không dám dừng xe đi tiểu. Có ma quá đi chứ! Mà ma thì phải ma con gái chưa chồng, mặc đồ trắng thì mới linh, mới hấp dẫn, mới xua tan cơn buồn ngủ và cô Kim Chi mới níu chặt ông anh được.

- Có cảm giác cuộc đời anh là những chuyến đi. Ngày xưa nhà văn Nguyễn Tuân được tôn là vua đi, còn nay, giới khoa học chắc chắn sẽ bỏ phiếu 100% cho anh nếu trưng cầu. Tôi còn nhớ lần mình họp ở Sở Nông nghiệp An Giang chuẩn bị cho kịch bản cuộc thi máy gặt đập liên hợp, tôi tự lái xe từ Đồng Tháp qua vì trời chưa sáng hẳn nên bị sụp cống ngay trước cổng sở, đang loay hoay thì anh từ phòng bảo vệ chun mùng ra, hô hào thêm mấy người nhấc chiếc xe lên, hóa ra anh đã đi xe đò đến lúc 3 giờ sáng.

Lại có lần mình cùng đi vào Tứ giác Long Xuyên bắt đầu bằng xe đò từ TP.HCM, đến Rạch Giá chuyển qua tắc ráng, hết tắc ráng chuyển qua xe ôm và cuối cùng là xuồng ba lá. Lại có lần mình vừa xong trên Truyền hình Cần Thơ đang ăn cháo khuya thì anh bắt tay tạm biệt vì 7 giờ sáng anh lại lên sóng trên đài Bình Thuận… Trong rất, rất nhiều chuyến đi, anh nhớ chuyến nào nhất?

- Đây là chuyến đi đầu tiên trong đời bằng máy bay và cũng là chuyến bay xuất ngoại vào năm 1986 khi tôi được cử sang trường đại học Louvain la Neuve của Bỉ học về canh tác trên đất phèn. Toàn bộ hồ sơ, thủ tục, kể cả hộ chiếu vé máy bay đều được tổ chức thu xếp. Tôi đi tàu hỏa ra Hà Nội trước Tết Nguyên đán và đợi đến mùng 6 mới bay được.

Ngày ấy hàng không chưa phát triển như bây giờ nên phải quá cảnh ở Bom bay, Praha và xuống ở Amsterdam Hà Lan. Chuyến bay kéo dài vào mùa đông châu Âu, đồ lạnh sắm ở VN không đủ chống chọi với cái lạnh -15 độ, khi trên máy bay thì có suất ăn nhưng khi đợi transit phải nhịn vì không có đô la.

Vừa đói, vừa rét nên khi tôi vừa ra hành lang sân bay Amsterdam được GS Tăng Văn Hải và một sinh viên chụp cho cái áo choàng len có mũ trùm đầu tôi suýt phát khóc lên.

Cũng nói thêm, Đại học Louvain la Neuve là một đại học đa ngành hàng đầu châu Âu với 45.000 sinh viên của 106 quốc gia theo học, trong đó Nông nghiệp nói chung và Nông hóa thổ nhưỡng nói riêng được đánh giá là mạnh nhất.

PGS.TS Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hiện nay, con trai GS viện sỹ Đào Thế Tuấn, cũng đã theo học tại đây. Được học tập tại một trường danh giá, một đội ngũ giáo sư chuyên ngành hàng đầu nên chúng tôi không những được truyền thụ, cập nhật những kiến thức tân tiến, tiếp xúc với các trang thiết bị nghiên cứu hiện đại mà còn tạo nên được nhiều mối quan hệ rất tốt đẹp.

Sau khi học xong và về Đồng Tháp Mười, tôi thường xuyên giữ liên lạc, trao đổi cùng các thầy, tạo điều kiện, hướng dẫn cho sinh viên của trường thực tập tại Đồng Tháp Mười, mà những ngày đấy đưa người nước ngoài mắt xanh mũi lõ lên biên giới lưu trú không đơn giản.

Nhà báo Quang Ngọc và PGS.TS Mai Thành Phụng hồi ức về một thời sôi nổi.

Nhà báo Quang Ngọc và PGS.TS Mai Thành Phụng hồi ức về một thời sôi nổi.

Nhờ mối quan hệ khăng khít đó, tôi đã góp phần xây dựng và trực tiếp điều phối dự án ISA/FOS/ĐTM liên tục trong 12 năm nghiên cứu kỹ thuật Nông nghiệp trên đất phèn ĐTM. Thành công của dự án không những góp phần cho công cuộc chinh phục phèn ở ĐTM mà còn giúp tôi trưởng thành, trở thành giáo viên giảng dạy đại học, sau đại học, giáo sư thỉnh giảng chuyên ngành canh tác trên đất phèn của một số trường đại học ở Bỉ, Pháp, Hà Lan.

- Trước đây tôi cũng từng ở Tháp Mười, Đồng Tháp, từng cắt lúa mướn, đập lúa ma, tát đìa, trồng tràm, dặm cù, ngủ nóp, biết nhậu cá trê sình, hột vịt ung nên biết giá trị, tầm vóc của những đóng góp của anh như: Kỹ thuật khai hoang, trồng lúa trên đất phèn nặng: Hệ thống cây trồng trên đất phèn nặng; Kỹ thuật bón phân lân trên đất phèn; Tuyển chọn siêu giống lúa IR 50404 mà sau 30 năm, qua bao dè bỉu, phỉ báng… nhưng vẫn là giống số 1…

Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì anh cũng chỉ là một Tiến sỹ, không trở thành “Tiến sỹ nông dân”, không được như hiện nay khi tag PGS.TS Mai Thành Phụng vào Google thì có đến vạn kết quả tìm kiếm. Cái giúp anh vượt lên là anh đã không quản ngại để hóa được các kết quả nghiên cứu khoa học thành kiến thức phổ thông, phổ biến cho nông dân mà hàng nghìn chuyến đi làm diễn giả hội thảo, hội nghị, chiếm sóng đài phát thanh, truyền hình là bằng chứng.

Nhưng tôi biết, những chuyến đi của anh là đều có người mời, lời mời, là khách mời tri ân, thậm chí khách mời cho thêm phần sang trọng, nhưng việc anh “chiếm trang” hoặc đứng sau lưng người khác, xúi giục “chiếm trang” của báo Nông nghiệp Việt Nam thì sao nhỉ?

- Nói thế có khi người khác hiểu nhầm, còn ngôn từ chính xác là hợp tác, hợp tác hai bên cùng có lợi. Trước năm 2005, giữa Báo NNVN và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã có chương trình phối hợp cùng nhau để chuyển giao Tiến bộ KHKT Nông nghiệp nên khi thành lập Bộ phận thường trực phía Nam của Trung tâm tại 135 Pasteur anh đã đến thăm và Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ đã phôi thai từ quán cà phê cóc ở hẻm đối diện.

Ngày 18/8/2005, hai cơ quan ký thỏa thuận; ngày 14/9/2005 ra mắt Ban cố vấn gồm 15 nhà khoa học hàng đầu ở nhiều lĩnh vực khác nhau và làm nháp một chương trình “Đờ mi” – “Những vấn đề sản xuất NN trong mùa lũ”.

Ngày 2/11/2005, Diễn đàn chính thức đầu tiên “Sản xuất lúa chất lượng cao” do UBND tỉnh Vĩnh Long đăng cai, có PCT tỉnh tham dự và được truyền hình trực tiếp trên kênh 1 của Đài Truyền hình Vĩnh Long.

Ôi sao mà háo hức quá, hoành tráng quá, choáng ngợp quá, choáng ngợp đến mức GS.TS Bùi Chí Bửu, lần đầu tiên tham gia truyền hình trực tiếp, cũng toát mồ hôi vì cóng. Lại còn phóng viên Báo NNVN đi theo tác nghiệp, viết bài không kịp để đoàn phải đợi và bị anh phê bình.

Khí thế quá, năm 2006 mình đẩy luôn 11 diễn đàn, trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cơ giới. Khí thế quá, hiệu quả quá nên các tỉnh phía Bắc cũng đòi, thế là lãnh đạo quyết luôn mở mặt trận thứ 2 và Diễn đàn đầu tiên ở phía Bắc là Diễn đàn “Phương pháp gieo sạ đậu tương bằng máy” tổ chức tại Hà Tây. Từ đấy về sau, mỗi năm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Báo tổ chức 20 diễn đàn/năm. Diễn đàn trở thành phương pháp, công cụ khuyến nông hiệu quả nhất.

- Từ ngày anh về Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đến ngày nghỉ hưu là 10 năm và đấy cũng là quãng thời gian anh làm diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ. Trong khoảng 100 diễn đàn mà anh trực tiếp tổ chức, diễn đàn nào làm anh nhớ nhất?

- Không phải Mai Thành Phụng làm hết, Mai Thành Phụng chỉ làm những diễn đàn ở phía Nam liên quan đến cây, còn liên quan đến con có anh Bắc, tôm cá có anh Tình. Còn nhớ ư? Nhớ hết chứ, con ruột của mình mà.

Diễn đàn có trên 1.000 người tham dự thì có 5 nhưng số 1 thuộc về Diễn đàn “Máy thu hoạch Lúa ĐBSCL” ngày 8/4/2007 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Lần ấy mình tổ chức lồng ghép với hội thi Máy gặt đập liên hợp và giải nhất thuộc về Út Máy Cày ở Cao Lãnh Đồng Tháp, một nông dân rặc nhưng mê và có năng khiếu cơ khí. Lúc công bố và trao giải, ông Út xúc động quá bật khóc ngay tại chỗ. Một chi tiết khác, kết thúc hội thi, Báo NNVN đăng trên trang nhất bài của anh rúng động ngành NN – “Tiến sỹ bỏ thi”.

Không phải tự sướng đâu, nhưng cũng phải khẳng định rằng chúng ta đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sản xuất. Đây là số liệu khảo sát, qua 5 lần tổ chức hội thi và Diễn đàn KN@CN, số lượng máy GĐLH từ 489 máy của Trung Quốc đã vọt lên 20.000 máy Kubota Nhật Bản, 100% diện tích đã được thu hoạch bằng máy, 100% sử dụng máy sấy trong đó chủ yếu là sấy vỉ ngang của cơ sở Năm Nhã mà Diễn đàn chúng ta là người phát hiện. Và bao cây trồng khác nữa, hồ tiêu, cao su, điều, mía, sắn, lợn, bò, gà, vịt, tôm, cá… đối tượng nào cũng có dấu… không ấn thì vết.

Hội thi Máy Gặt Đập Liên Hợp năm 2008 tại An Giang 

Hội thi Máy Gặt Đập Liên Hợp năm 2008 tại An Giang 

- Ôi. Nghĩ lại, bao nhiêu năm rồi mà vẫn sướng. Không hiểu bên anh thì sao, còn bên Báo ngày ấy chiều tôi hết cỡ, tôi đề xuất chương trình, kế hoạch gì cũng Ok hết, mà các sếp quyết rất nhanh, gần như chỉ sau buổi giao ban.

Làm Diễn đàn cùng anh – Ok; Mở cà phê Khuyến nông – Ok; Mở trang web – Thương hiệu Vùng miền – Ok; Chiếm trang Khuyến nông – Ok; Hợp tác với Cục BVTV mở Chuyên mục Dự báo sâu bệnh – Ok; Mở chuyên trang ĐBSCL – Ok.

Không những Ok mà còn ủng hộ hết mình. Được làm việc mình thích, lại được khuyến khích động viên, lại mang lại hiệu quả, báo bán được nhiều hơn, quảng cáo được nhiều hơn, thu nhập bản thân mình cao hơn.

Nghỉ hưu tĩnh tâm soát xét lại mới thấy người ưu ái mình nhiều quá, đời ưu ái mình nhiều quá, còn nhiều cái mình làm không tới, không được là do mình kém, kém về tầm nhìn, kém về tổ chức tỷ như mạng lưới Cà phê Khuyến nông ấy, tôi và anh cũng đã hăm hở lặn lội mở được hơn 20 quán ở An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp nhưng rồi lượng sượng chỉ mỗi khó khăn về đường truyền ADSL mà không vượt qua được, nếu lúc ấy mà quyết tâm thì chuỗi cà phê ấy đã có hàng nghìn quán, hàng triệu view…

Rồi nữa, ngày ấy cũng có người không thích vì chúng ta thường đồng hành cùng doanh nghiệp. Ngày ấy thôi, còn bây giờ khuyến nông mà đồng hành với doanh nghiệp lại được khuyến khích. Âu cũng là cái thiệt thòi của người đi trước.

- Tôi biết mà. Các sếp của Báo NNVN hồi đấy, anh Sơn Tổng Biên tập, anh Ninh, anh Điển Phó Tổng Biên tập cưng anh lắm, bên tôi cũng vậy thôi, nhưng trên nữa, chúng ta phải biết ơn một người đấy là PGS.TS, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng. Anh Tám Bổng nói ít thôi nhưng nhìn người và giao việc thì hay lắm.

Hội thi Máy GĐLH lúc đầu được giao cho Vụ Khoa học, tổ chức tại Nông trường Sông Hậu nhưng ngay năm sau anh đã giao cho Khuyến nông, Vụ Khoa học rút ra phía sau làm cố vấn kỹ thuật. Rồi việc báo đăng bài “Tiến sỹ bỏ thi” cũng có người xiên xỏ – “Báo chơi anh đấy”.

Rồi tập sách Phòng trừ bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa in 2 triệu bản của 7 tác giả, trong đó có anh Tám nhưng anh lại giao cho Mai Thành Phụng biên tập, hiệu đính…

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất