| Hotline: 0983.970.780

Phá bỏ thanh long, nông dân loay hoay chưa biết trồng gì

Thứ Tư 30/03/2022 , 06:45 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Hàng nghìn ha thanh long nông dân đã phá bỏ ở Bình Thuận hiện vẫn bỏ hoang, nông dân loay hoay chưa biết nên chuyển sang trồng cây gì cho phù hợp và hiệu quả.

Bỏ mặc cho cây "tự sinh tự diệt"

Chúng tôi về thôn Bình An, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) và chứng kiến một số nông dân hiện đã phá bỏ cây thanh long hoặc nhiều diện tích bà con không còn đầu tư chăm sóc do giá thanh long hạ thấp.

Anh Hương cho biết, hiện diện tích thanh long trên địa bàn số đã bị phá bỏ, số còn lại rất nhiều diện tích bị mỏ mặc, không chăm sóc. Ảnh: KS.

Anh Hương cho biết, hiện diện tích thanh long trên địa bàn số đã bị phá bỏ, số còn lại rất nhiều diện tích bị mỏ mặc, không chăm sóc. Ảnh: KS.

Anh Nguyễn Văn Hương, một người trồng thanh long ở thôn Bình An cho biết, do giá cả thanh long quá rẻ kéo dài nên nông dân liên tục bị thua lỗ, không còn mặn mà với cây trồng này nữa. Mọi hi vọng của nông dân tưởng chừng sau Tết giá thanh long sẽ tăng lại nhưng vẫn ở mức thấp. Vì thế họ đành “bấm bụng” phá bỏ hoặc bỏ mặc cho cây “tự sinh tự diệt”.

Tại xóm 8, thôn Bình An, theo ông Hương ước chừng khoảng 80% diện tích thanh long nông dân bỏ mặc, không đầu tư chăm sóc, khiến dây thanh long chuyển sang màu vàng, suy kiệt, teo cành.

“Gia đình tôi có 5 sào khoảng 600 trụ thanh long. Hiện gia đình chưa phá bỏ nhưng cũng bỏ mặc, không đầu tư chăm sóc gì từ ra Tết Nhâm Dần đến nay nên giờ ước khoảng 50% diện tích thanh long của gia đình tôi đã suy kiệt”, anh Hương cho biết thêm.

Một số diện tích nông dân đã phá bỏ cây thanh long. Ảnh: KS.

Một số diện tích nông dân đã phá bỏ cây thanh long. Ảnh: KS.

Khi được hỏi tại sao không đầu tư chăm sóc cầm chừng để chờ cơ hội giá thanh long tăng trở lại? Anh Hương cho biết, thời gian qua mỗi pha chong đèn thanh long gia đình anh lỗ từ 20 - 30 triệu đồng. Hiện giá phân bón lại cao nên gia đình anh không còn khả năng đầu tư chăm sóc.

Tương tự, gia đình bà Lê Thị Lan ở thôn Bình An có 2 vườn thanh long khoảng 700 trụ đã trồng hơn 10 năm nay thời gian qua cũng đã bỏ mặc, không đầu tư chăm sóc. Trong đó, một vườn khoảng 300 trụ đã bỏ mặc khoảng 2 năm nay, hiện dây thanh long bị vàng nặng, héo úa và chết dây rất nhiều, khó có khả năng phục hồi. Cũng như anh Hương, bà Lan cho biết, do 2 năm nay sản xuất thanh long liên tục thua lỗ nên không còn khả năng đầu tư. Hiện bà Lan bỏ mặc thanh long chết dần chết mòn và chưa biết nên chuyển đổi cây trồng gì cho phù hợp.

Vườn thanh long nhà bà Lan bỏ mặc, không chăm sóc nên bị suy kiệt rất nhiều. Ảnh: KS.

Vườn thanh long nhà bà Lan bỏ mặc, không chăm sóc nên bị suy kiệt rất nhiều. Ảnh: KS.

“Gia đình tôi đang tính phá thanh long đi để chuyển sang trồng cây dừa, xoài, nhưng bây giờ đầu tư phân bón, chăm sóc cao quá. Hơn nữa, việc nhổ trụ giờ cũng tốn kém, mất khoảng 20 ngàn đồng/trụ, chưa tính khâu vận chuyển. Trong khi gia đình đã kiệt vốn nên cứ để vườn thanh long như vậy một thời gian rồi tính tiếp”, bà Lan cho hay.

Loay hoay chưa biết trồng cây gì

Bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính cho biết, diện tích thanh long trên địa bàn thôn bà con cũng phá bỏ rất nhiều. Như gia đình bà có 800 trụ, vừa phá bỏ 300 trụ (3 sào) thanh long đã trồng hơn 10 năm. Riêng em của bà Hồng phá bỏ 1.000 trụ (khoảng 1 ha).  Số diện tích thanh long mà gia đình bà Hồng và em của bà Hồng vừa chặt bỏ hiện vẫn đều đang bỏ đất trống, chưa biết trồng gì. Riêng bà Hồng có dự định trồng ít dừa, ít cam hoặc trồng cỏ nuôi bò…

Nông dân chặt bỏ thanh long, đang để đất trống do chưa biết nên trồng gì. Ảnh: KS.

Nông dân chặt bỏ thanh long, đang để đất trống do chưa biết nên trồng gì. Ảnh: KS.

Liên lạc với Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Chính để xác nhận hiện diện tích thanh long trên địa bàn đã phá bỏ, nhưng ông chưa nắm được con số chính xác. Vị này cho biết, hiện diện tích đã phá bỏ, hầu hết bà con cũng chưa biết trồng gì. Huyện, chính quyền xã hiện cũng chưa có chỉ đạo, định hướng trồng cây gì cho phù hợp, chỉ khuyến cáo nông dân có chuyển đổi cây trồng thì cần tìm hiểu về đầu ra tiêu thụ.

Tại thôn 5, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận, ông Nguyễn Tánh cho biết, đối với diện tích thanh long bị nhổ bỏ, chủ yếu là vườn già cỗi, khả năng phục hồi kém, chứ những vườn thanh long tơ nông dân vẫn đầu tư chăm sóc, bón phân cầm chừng để chờ cơ hội giá thanh long tăng trở lại.

“Diện tích thanh long đã phá bỏ, nông dân hiện tại hầu như vẫn bỏ đất trống chứ chưa biết trồng cây gì”, ông Tánh cho biết.

Ghi nhận của chúng tôi về diện tích thanh long đã phá bỏ ở thôn Bình An, xã Hàm Chính, hầu như nông dân đang bỏ trống. Nhiều nông dân nơi đây cho biết họ đang tính sẽ quay lại sản xuất lúa như hiện trạng ban đầu. Cũng có người có dự định sẽ trồng cỏ để nuôi bò hoặc trồng dừa xiêm…

Một vườn thanh long ở thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính đã phá bỏ, đất vẫn đang bỏ hoang. Ảnh: KS.

Một vườn thanh long ở thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính đã phá bỏ, đất vẫn đang bỏ hoang. Ảnh: KS.

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận, thông kế ban đầu, từ đầu năm 2022 đến nay diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận đã giảm hơn 936 ha trên địa bàn 6 huyện, thành phố gồm: Hàm Thuận Nam; Bắc Bình; Tuy Phong; Hàm Tân; Tánh Linh và TP Phan Thiết. Các địa phương còn lại như La Gi, Hàm Thuận Bắc đang thực hiện việc rà soát về diện tích thanh long bị giảm.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Bình Thuận, trong số diện tích 936 ha bị giảm thì huyện Bắc Bình giảm hơn 595 ha, Hàm Thuận Nam hơn 228 ha… Trong số diện tích thanh long bị giảm trên, có hơn 423 ha đã được nông dân chuyển sang cây trồng khác như dừa, mít, xoài hoặc trồng rừng như cây hương, cây sưa. Khoảng 11,5 ha diện tích thanh long đã được chuyển mục đích sử dụng sang phân lô bán nền ở TP Phan Thiết (diện tích 8,5 ha) và huyện Hàm Thuận Nam (3 ha).

Số còn lại, ước khoảng hơn 477 ha thanh long nông dân đã chặt bỏ trên toàn tỉnh, hiện vẫn đang bỏ đất trống, nông dân chưa sản xuất gì.

Nhiều vườn thanh long ở thôn Bình An đã bỏ hoang, từ lâu không sản xuất. Ảnh: KS.

Nhiều vườn thanh long ở thôn Bình An đã bỏ hoang, từ lâu không sản xuất. Ảnh: KS.

Ngoài diện tích thanh long của Bình Thuận bị tụt giảm được thống kê từ đầu năm 2022 đến nay thì trong năm 2021, riêng huyện Hàm Thuận Bắc diện tích thanh long đã giảm hơn 1.497 ha. Trong đó chỉ có khoảng 486 ha nông dân đã chuyển đổi sang cây trồng khác, số còn lại hơn 1.010 ha thanh long bị chặt bỏ, tập trung chủ yếu ở các xã Hàm Chính (237 ha), Hồng Sơn (130 ha), Hàm Thắng (118 ha), Hàm Đức (113,9 ha) đến nay vẫn đang bỏ hoang, chưa sản xuất.

Chuyển đổi sang cây khác nhưng cân nhắc đầu ra

Về giải pháp ổn định sản xuất thanh long trên địa bàn, theo ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận cho biết, thời gian Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các giải pháp về quản lý sản xuất như hỗ trợ nông dân thực hiện các chương trình VietGAP; GlobalGAP, hữu cơ trên cây thanh long.

Nhờ vậy đến nay, toàn tỉnh có hơn 12.397 ha thanh long được chứng nhận VietGAP; hơn 560 ha chứng nhận GlobalGAP; cấp 3 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 83,75 ha; chứng nhận hữu cơ 10 ha.  

Nhiều nông dân dự định phá bỏ thanh long để trồng cỏ nuôi bò. Ảnh: KS.

Nhiều nông dân dự định phá bỏ thanh long để trồng cỏ nuôi bò. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã tăng cường công tác quản lý truy xuất nguồn gốc hàng hoá (mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói). Theo đó, hiện Cục Bảo vệ thực vật giao về địa phương thực hiện quản lý giám sát 413 mã số vùng trồng, 277 mã số cơ sở đóng gói cho các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand.

Về giải quyết đầu ra cho thanh long, các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT cũng thường xuyên theo dõi và thông tin kịp thời tình hình thị trường xuất khẩu, diễn biến thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc cho người dân, doanh nghiệp biết và có phương án sản xuất, điều tiết vận chuyển phù hợp…

Đối với giải pháp cho cây thanh long trong thời gian tới, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt – BVTV khuyến cáo đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thanh long, cần bình tĩnh, thường xuyên theo dõi nắm bắt yêu cầu và diễn biến thị trường để định hướng cho việc sản xuất, kinh doanh, chủ trương là không sản xuất sản phẩm mình có mà sản xuất sản phẩm thị trường cần.

Một vườn thanh long đã được chuyển đổi sang cây ngắn ngày. Ảnh: KS.

Một vườn thanh long đã được chuyển đổi sang cây ngắn ngày. Ảnh: KS.

Đối với các diện tích thanh long già cỗi, nông dân có thể chặt bỏ để trồng mới hoặc chuyển sang các cây trồng khác nhưng phải phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương và có định hướng thị trường cho các loại cây chuyển đổi.

Ông Đỗ Văn Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận cho biết, về lâu dài, người trồng thanh long cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng, chủ động trong việc thực hiện các yêu cầu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, từng bước nâng cao chất lượng của sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thanh long cần cập nhật, theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu của các cửa khẩu và các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, yêu cầu về phòng chống Covid-19 của nước nhập khẩu đối với hàng hoá, xe cộ và tài xế để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, phối hợp, đàm phán với khách hàng để lựa chọn hình thức xuất khẩu phù hợp, an toàn, hạn chế rủi ro.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.