| Hotline: 0983.970.780

Khuất tất trong việc bán hai cây gỗ sưa tại Bảo tàng huyện Hoằng Hoá

Thứ Ba 18/02/2020 , 17:50 (GMT+7)

Hai cây sưa tại Bảo tàng huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) bán theo phương thức niêm yết công khai 52,5 triệu đồng khiến dư luận băn khoăn.

Bí thư nói một đằng, Chủ tịch nói một nẻo

Ngày 13/2, nongnghiep.vn đăng bài viết: “Hai cây gỗ sưa ở Bảo tàng huyện Hoằng Hóa bị chặt bán hay chết?”. Nội dung phản ánh, những ngày cận tết Nguyên đán Canh Tý, hai cây gỗ sưa trong khuôn viên Bảo tàng huyện Hoằng Hoá bị chặt đem đi bán. Thời điểm đó, ông Lê Xuân Thu, Bí thư Huyện uỷ Hoằng Hoá xác nhận hai cây sưa ở Bảo tàng huyện được mang đi bán nhưng bị phát hiện và đang tạm giữ ở UBND huyện.

Trong khi đó, ông Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa lại cho rằng, không có chuyện mang đi bán bị bắt giữ(?).

Sau đó không lâu, UBND huyện Hoằng Hóa đã thanh lý số tài sản trên theo phương thức bán niêm yết công khai với số tiền 52,5 triệu đồng.

Hai cây gỗ sưa tại Bảo tàng huyện Hoằng Hóa được thanh lý theo phương thức bán niêm yết công khai. Ảnh: PV.

Hai cây gỗ sưa tại Bảo tàng huyện Hoằng Hóa được thanh lý theo phương thức bán niêm yết công khai. Ảnh: PV.

Ngay sau khi báo đăng, UBND huyện Hoằng Hóa đã có Công văn phúc đáp phản ánh của báo về thanh lý tài sản tại Bảo tàng huyện Hoằng Hóa.

Theo lý giải của UBND huyện Hoằng Hóa, để tạo cảnh quan của khu Bảo tàng, Trung tâm văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch (TT VHTT & DL) huyện đã trồng một số cây xanh (không nói rõ thời điểm trồng).

Do địa hình thấp trũng, cây chậm lớn, có 2 cây sưa đã bị chết và UBND huyện đã giao Phòng Tài chính - Kế hoạch (TC-KH) chủ trì phối hợp với các phòng, ngành kiểm tra.

Qua kiểm tra cho thấy, có 2 cây sưa bị héo lá, sâu bệnh, cây mục và chết. Một cây đường kính gốc 22cm, phần cành có đường kính 10-12cm; cây còn lại đường kính gốc 15cm, phần cành có đường kính 8-10cm; tổng trọng lượng 2 cây là 105 kg.

Sau khi hai cây sưa bị chặt, UBND huyện Hoằng Hóa đã cho phép TT VHTT&DL thi hành, phối hợp với Phòng TC-KH thanh lý theo quy định pháp luật và thu về số tiền 52,5 triệu đồng.

UBND huyện Hoằng Hóa cho rằng, căn cứ Điều 15, Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, việc UBND huyện cho phép TT VHTT&DL chặt và sau đó giao cho Phòng TC-KH bán thanh lý là đúng với quy định.

Tuy nhiên, việc bán thanh lý tài sản này lại có những khuất tất khiến dư luận băn khoăn.

Thanh lý tài sản công có nhiều khuất tất

Theo tài liệu mà ông Hoàng Văn Duy, Phó Phòng TC- KH cung cấp, trong ngày 20/1/2019, TT VHTT&DL có 3 văn bản gửi UBND huyện, Phòng TC-KH xin thanh lý số tài sản trên và cho đơn vị được thu tiền. Theo biên bản xác nhận, 2 cây sưa trong Bảo tàng huyện Hoằng Hóa do cán bộ viên chức công đoàn cơ quan trồng từ những năm trước đây.

Ông Hoàng Văn Duy, Phó Trưởng Phòng TC-KH huyện Hoằng Hoá: thanh lý theo phương thức bán niêm yết công khai 2 cây gỗ sưa trên không cần đăng thông tin trên trang thông tin điện tử. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hoàng Văn Duy, Phó Trưởng Phòng TC-KH huyện Hoằng Hoá: thanh lý theo phương thức bán niêm yết công khai 2 cây gỗ sưa trên không cần đăng thông tin trên trang thông tin điện tử. Ảnh: Võ Dũng.

Ngày 13/2, thông tin 2 cây sưa tại Bảo tàng huyện Hoằng Hoá, ông Phạm Ngọc Nam, Giám đốc TT VHTT & DL huyện Hoằng Hoá cho biết: “Cái này Phòng Tài chính là họ tổ chức bán, họ bán rồi. Bán bao nhiêu thì tôi không quan tâm, nó nhỏ téo teo ấy mà. Nó bằng cổ chân ấy mà, bán tuần trước rồi, bán cho ai thì hỏi a Duy phòng Tài chính ấy”. Tuy nhiên, tại biên bản xác định người được mua tài sản theo phương thức niêm yết được lập trước đó, ông Phạm Ngọc Nam lại là thành phần đại diện cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản công.

Tiếp nhận 3 văn bản này, Phòng TC-KH, Phòng NN & PTNT, TT VHTT & DL có biên bản đánh giá hiện trạng 2 cây gỗ sưa và tự định giá 52.500.000 đồng (500.000 đồng/kg).

Tiếp đó, ngày 16/1/2020, Phòng TC-KH có tờ trình gửi Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hoá, đề nghị phê duyệt thanh lý tài sản của TT VHTT & DL là 2 cây gỗ sưa trên. Đơn vị này đề xuất thanh lý số tài sản này theo phương thức bán niêm yết công khai.

Thông tin về vụ việc, theo ông Hoàng Văn Duy, Phó Trưởng Phòng TC-KH huyện Hoằng Hoá, việc bán 2 cây gỗ sưa trên theo phương thức bán niêm yết công khai là căn cứ theo Nghị định 151 và Thông tư 144 năm 2017 của Bộ Tài chính.

Nhưng theo ông Duy, chỉ cần niêm yết tại trụ sở cơ quan và thông báo trên loa truyền thanh chứ không cần đăng thông tin trên trang thông tin điện tử(?).

Tuy nhiên, Khoản 1, Điểm j, Điều 5, Thông tư 144: “Cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức bán tài sản công có trách nhiệm đăng tải đầy đủ, chính xác thông tin quy định tại khoản này trên Trang Thông tin điện tử về tài sản công cùng với việc niêm yết tại trụ sở cơ quan”.

Một điểm đáng lưu ý nữa là, trong quy định bán đấu giá tài sản công theo phương thức phương thức bán niêm yết công khai thì bên mua phải nộp trước tiền đặt cọc từ 10 - 20%.

Nhưng theo tài liệu phòng TC-KH huyện Hoằng Hóa cung cấp, ngày 10/2/2020, ông Nguyễn Đăng Quang, người mua số tài sản trên mới tới Kho bạc Nhà nước huyện Hoằng Hoá nộp 52.500.000. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Quang không đóng tiền đặt cọc theo quy định.

Theo một chuyên gia có thâm niên trong ngành tài chính, chưa bàn đến việc thanh lý số tài sản trên theo phương thức niêm yết công khai là đúng hay sai thì việc người mua không tuân thủ đúng quy trình, quy định cũng là một chi tiết để  hủy bỏ kết quả của việc thanh lý số tài sản trên.

Điều đáng nói, theo Khoản a, Điều 4 Luật đấu giá năm 2016, hai cây sưa trên phải được thanh lý theo hình thức đấu giá. Điều 31 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định Tổ chức thanh lý tài sản công theo hình thức bán cũng quy định rõ: “Việc thanh lý tài sản công theo hình thức bán được thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định pháp luật, trừ các trường hợp quy định: Tài sản công (trừ xe ô tô, nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản và giá trị đánh giá lại từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng/1 đơn vị tài sản và vật tư, vật liệu thu hồi từ phá dỡ, huỷ bỏ có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng”.

Giấy nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước huyện Hoằng Hóa chứng tỏ người mua không nộp tiền đặt cọc theo đúng quy định. Ảnh:  Võ Dũng.

Giấy nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước huyện Hoằng Hóa chứng tỏ người mua không nộp tiền đặt cọc theo đúng quy định. Ảnh:  Võ Dũng.

Việc làm này của UBND huyện Hoằng Hóa cũng đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại Công văn số 6981/UBND-THKH Ngày 18/6/2018, quy định về việc bán đấu giá tài sản công.

Theo đó: “Đối với các tài sản đấu giá (kể cả là tài sản là QSDĐ): Các thông tin về đấu giá tài sản ngoài việc được đăng tải, thông báo công khai theo quy định của pháp luật về đấu giá, phải được đăng tải thông tin trên cả Báo Thanh Hoá và Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hoá (cùng thời điểm thông báo trên các trang thông tin bắt buộc theo quy định), việc công khai các dự án nêu trên được thực hiện từ ngày 19/6/2018.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.