Tỉnh Sóc Trăng tặng ảnh biểu tượng chứng nhận gạo ST25 vừa được công nhận gạo ngon nhất thế giới. Ảnh: TL |
Theo ông Trần Thanh Nam, hiện nay Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang thực hiện kế hoạch khảo sát, ghi nhận ý kiến đóng góp từ các địa phương, tiếp nhận các ý kiến đề xuất về bộ tiêu chí xây dựng xã, huyện đã hoàn thành NTM chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu (2021-2025).
Trong đó, vấn đề quy hoạch, triển khai, tiêu chí xây dựng NTM cần thực hiện như thế nào, làm sao xây dựng NTM giữ cho được được cảnh quan môi trường nông thôn sạch đẹp, đáng sống. Bên cạnh đó, chú trọng công tác nâng cao kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân vùng nông thôn, địa phương hiện phát triển ngành nghề nông thôn.
Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm thông qua thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và mô hình du lịch cộng đồng nông thôn.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết, đến nay TP Cần Thơ có 130 HTX nông nghiệp, trong đó có 78 HTX hoạt động hiệu quả, có 7 HTX làm ăn theo hợp đồng, trên 20 HTX có sản phẩm tiêu thụ ổn định, bền vững nhờ liên kết với DN.
Theo mục tiêu đến 2020 TP Cần Thơ sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ thành lập các HTX kiểu mới đạt mục tiêu kế hoạch 180 HTX nông nghiệp. Điều đáng nói trong quá trình củng cố xây dựng HTX, mạnh dạn giải thể các HTX yếu kém, hơn 20 HTX mới thành lập đều có quy mô vốn, số lượng thành viên, lớn hơn và hoạt động liên kết có hợp đồng.
Trong phát triển ngành nghề nông thôn, Cần Thơ hiện có 4 làng nghề truyền thống: Làng bánh tráng Thuận Hưng, Làng hoa Phó Thọ, Làng Lưới Thơm Rơm, Bánh kẹo Ba Rích…gắn mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng Cồn Sơn, Cồn Tân Lộc…hiện là mô hình điểm tạo, giữ sinh cảnh miền quê đẹp, đáng sống. Hiện nay theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm, thành phố đã chọn lọc 40 sản phẩm từ 2020 đến 2030, theo đó đến năm 2020 Cần Thơ có 20 sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao.
Cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP Sóc Trăng. Ảnh: TL |
Trước đó, sáng 20/11, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã đến làm việc tại tỉnh Sóc Trăng. Đến nay chương trình xây dựng NTM tỉnh Sóc Trăng có 42/80 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Trong phát triển kinh tế tập thể, tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 170 HTX với hơn 10.500 thành viên, 1 Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, với hơn 280 thành viên và 1.121 tổ hợp tác (THT) với trên 27.300 thành viên. Điểm tích cực là hiện nay có 34 HTX và 467 THT làm ăn theo hợp đồng liên kết với các DN với tổng diện tích bao tiêu hơn 64.000 ha. Đặc biệt có 2 HTX Nông nghiệp liên kết DN xuất khẩu trái vú sữa tím sang thị trường Hoa Kỳ.
Hiện nay, theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Cửa hàng Giới thiệu - Liên kết - Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc sản - An toàn vệ sinh thực phẩm tại điểm du lịch chùa Chén Kiểu, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) nhằm giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, tỉnh cũng đã đánh giá chấm điểm xếp loại các sản phẩm OCOP của tỉnh với 39 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao và 4 sao.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thay mặt đoàn công tác, ghi nhận và biểu dương những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại các địa phương tỉnh Sóc Trăng và TP Cần Thơ.
Qua đó, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh tập trung nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân và cải thiện thu nhập hộ dân thông qua các mô hình sản xuất hiệu quả. Chú trọng nâng cao các tiêu chí đã đạt còn thấp. Đặc biệt chú ý Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, việc xây dựng phát triển HTX phải đa dạng ngành nghề để nâng cao thu nhập cho thành viên và việc sản xuất sản phẩm phải chú ý chất lượng, ổn định sản lượng, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Trong đó chú trọng công tác đào tạo lực lượng cán bộ quản trị, điều hành HTX.