Báo cáo với Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác, ông Phạm Xuân Thịnh - Giám đốc VQG Cát Tiên cho biết, đơn vị đang quản lý và bảo vệ trên 72.000 ha rừng, trong đó có 1.655 loài thực vật và 1.730 loài động vật.
Theo ông Thịnh, VQG Cát Tiên là một trong những đơn vị có nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế nhất như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Đất ngập nước Ramsar - Bầu Sấu; Khu Di tích quốc gia đặc biệt… Đây cũng là khu rừng nhiệt đới còn sót lại hiếm hoi ở Việt Nam. Trong đó, 3.000 ha đất ngập nước ở giữa rừng tự nhiên, sinh cảnh của loài cá sấu nước ngọt. VQG hiện có trảng cỏ rộng khoảng 300 ha, sinh cảnh của nhiều loài thú móng guốc, chim họ trĩ. Đặc biệt, đây là nơi duy nhất ở Việt Nam dễ quan sát nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như nai, bò tót, voi, các loài linh trưởng, chim,...
"Bên cạnh nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT, hiện VQG cũng tồn tại một số khó khăn như nhiều mục tiêu quản lý bảo vệ rừng đòi hỏi chiến lược đầu tư lâu dài từ 10 - 20 năm. Trong khi đó các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu thường dừng lại ở mức tối đa là 3-5 năm.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên du lịch sinh thái kết hợp quản lý bảo vệ rừng còn rất hạn chế và khó thực hiện. Việc sử dụng tài sản công, môi trường rừng vào mục đích kinh doanh, tạo nguồn thu còn nhiều vướng mắc, lúng túng…", ông Thịnh chia sẻ.
VQG Cát Tiên cũng đã đề ra mục tiêu, phương án quản lý và bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2030. Theo đó, bảo vệ nguyên vẹn 72.000ha rừng và đất rừng đặc dụng; Bảo tồn, bảo vệ 28 loài thực vật, 65 loài động vật quý hiếm; Giảm 5% số vụ vi phạm lâm luật năm 2025; Cứu hộ 200 cá thể động vật/năm, tái thả thành công 90% cá thể đã cứu hộ; Phát triển 50 ha rừng trồng mới; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 950ha; Trồng 10.000 cây phân tán; Tạo việc làm cho 15.000 lao động địa phương; Triển khai các mô hình sinh kế hỗ trợ người dân vùng đệm; Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng từ 30 tỷ đồng trở lên; Tăng lượng khách du lịch 15% giai đoạn 2021-2025, 20% giai đoạn 2026 – 2030; Tăng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái từ mức 10% năm 2025 và 15% năm 2030.
Để đạt được kết quả trên VQG kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng, tăng cường phương tiện, trang thiết bị cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng; Đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng, tăng cường phương tiện, trang thiết bị cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng; Điều chỉnh, cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng cho kiểm lâm, người làm công tác quản lý bảo vệ rừng, cộng đồng dân cư.
"VQG cũng mong muốn các cơ quan, tổ chức khoa học trong nước, quốc tế khác hỗ trợ, đào tạo cán bộ Vườn có năng lực viết các đề xuất, dự án; Xây dựng các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, hỗ trợ sinh kế cộng đồng; Huy động sự giúp đỡ tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế, tìm kiếm nhà tài trợ….", ông Thịnh nói.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đến thăm 2 tổ cộng đồng người đồng bào bản địa nhận khoán bảo vệ rừng cho VQG Cát Tiên. Bên cạnh thăm hỏi động viên bà con, Bộ trưởng ghi nhận nỗ lực quản lý và bảo vệ rừng của Ban quản lý VQG Cát Tiên nói chung và các cộng đồng nhận khoán nói riêng.
Bộ trưởng cho rằng, rừng không phải là của nhà nước mà rừng là của cả chúng ta. Hiện Ban quản lý thực hiện rất tốt dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái. Bộ trưởng yêu cầu Ban quản lý VQG Cát Tiên từng bước hỗ trợ đưa bà con phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện đời sống và nâng cao đời sống cho bà con. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, bộ phận kiểm lâm không chỉ làm công việc quản lý nhà nước thực thi nhiệm vụ giữ rừng mà cần phát huy đa giá trị từ kinh tế rừng.