| Hotline: 0983.970.780

Phân 46A+ là phân chậm tan?

Thứ Sáu 19/12/2014 , 07:30 (GMT+7)

Khi sử dụng đạm vàng 46A+ thì cũng như sử dụng đạm ure thường, ta vẫn bón thúc các đợt tương đương với lúc bón đạm các dạng khác, chỉ khác một điều cơ bản là số lượng bón ít lại. 

Ông Lê Văn Nghĩa (Số 187 ấp Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. ĐT: 0993667432) hỏi:

1. Trong 7 nguyên tố vi lượng gồm sắt, kẽm, đồng, Bo, Mo, mangan, Clo thì theo một số tài liệu cho rằng, Clo là nguyên tố không có lợi cho cây trồng, chỉ riêng cây dừa cần đến Clo, ngược lại Clo có hại cho các loại cây khác như thuốc lá, sầu riêng... Trong nhiều cuộc hội thảo và tài liệu khuyến nông cũng không nhắc đến nguyên tố Clo. Vậy Clo có phải là nguyên tố vi lượng? Có nguyên tố vi lượng nào thay thế Clo?

2. Trên thị trường gần đây có loại phân màu vàng, gần giống như phân đạm vàng 46A+ của Đầu Trâu, phân 46A+ được áo một lớp Agrotain và gọi là phân chậm tan, sử dụng chúng sẽ tiết kiệm được 20 - 30% lượng phân N. Theo tôi, đó không thể gọi là phân chậm tan mà là phân không tan ngay sau khi bón. Khi nào lớp áo này tan thì phân bên trong mới phát huy tác dụng.

Trong thời gian bao lâu, lớp Agrotain mới tan thì chưa thấy Cty nói rõ. Điều đó sẽ khó khăn cho người trồng lúa khi sử dụng vì cây chỉ cần trễ phân vài ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, mất năng suất. Vậy muốn bón phân đạm vàng cho lúa đợt đầu 8 - 10 ngày sau sạ thì phải bón vào thời điểm nào là thích hợp? 

10-50-50_46

Trả lời:

Ông Nghĩa thân mến! Trước hết ai cũng hiểu thuật ngữ vi lượng để chỉ nguyên tố đó cần thiết cho cây, nhưng cây chỉ cần sử dụng một liều lượng rất nhỏ. Giống như con người dùng thuốc vitamin vậy. Trong tài liệu giảng dạy về sinh lý thực vật thì không thấy đề cập đến nguyên tố Clo như là một nguyên tố vi lượng. Nhưng trong thực tế thì Clo cũng cần cho cây với liều rất nhỏ, nếu liều lượng nhiều cũng có thể gây độc cho cây.

Không riêng gì chất Clo, mà ngay như chất sắt (Fe) cũng là chất vi lượng,ở liều thấp thì rất cần cho nhiều cây, nhưng ở liều cao thì lại là chất độc. Các vitamin như vitamin nhóm B rất cần cho con người, nhưng khi sử dụng quá liều thì cũng sẽ trở thành chất có hại cho cơ thể.

Vì vậy, Clo rất cần cho cây dừa ở liều cao, nhưng với các cây khác lại ít cần hay không có cũng được, và khi dùng vượt liều lượng cần thiết thì trở thành chất có hại. Do vậy với vi lượng người ta thường khuyến cáo sử dụng bón hay phun cho cây trồng được tính theo trọng lượng rất nhỏ, vài chục miligam pha trong 1 lít hay vài ba chục ppm (phần triệu) để phun cho cây trồng là vừa đủ. Cũng không có chất nào thay cho chất Clo, vì mỗi chất có một chức năng khác nhau đối với cây.

Với phân đạm hạt vàng 46A+, đó là phân ure thường, được bọc 1 lớp Agrotain rất mỏng, có màu vàng, với liều sử dụng chỉ khoảng 2 lít bọc cho 1 tấn phân (0,2%).

Ta biết rằng, sở dĩ bón phân ure thường có hiệu quả thấp, cây chỉ sử dụng được khoảng 35 - 45%, nhiều nhất là đến 50%, vì lý do là khi bón ure vào nước thì ngay lập tức men Urease trong tự nhiên sẽ phân giải chất ure thành ra đạm a-môn theo phản ứng C0(NH2)2 + 2H20 cho ta chất NH4HC03 và NH4OH, chất này khi có nước sẽ phân ly ngay thành đạm Amôn (NH4+).

Do phản ứng oxy hoá và khử diễn ra liên tục nên chất NH4+ sẽ nhanh chóng chuyển thành NH3 cũng như N2. Các dạng N này dễ dàng theo nước và gió bốc hơi vào không khí. Người ta tính rằng phân đạm bón vào đất mất qua con đường bay hơi chiếm khoảng 1/3 của tổng số chất đạm bị thất thoát.

Khi có chất Agrotain bọc ngoài hạt phân thì chính chất này làm cho hoạt động của men urease bị cản trở, dẫn đến hoạt lực của men bị yếu đi (chứ không phải ngăn hoàn toàn không cho chất N tan ra), Vì vậy, tốc độ giải phóng ure thành đạm a-môn chậm lại nên chất N vẫn bị tan, nhưng mức tan chỉ diễn ra từ từ, rễ cây có đủ thời gian để sử dụng được lâu dài hơn.

Nhờ vậy mà tiết kiệm được N bón cho cây nhiều hơn, chứ không phải chờ cho Agrotain tan hết rồi chất N mới tan. Bản chất chế phẩm Agrotain cũng là một hợp chất hữu cơ tự nhiên, cũng bị môi trường làm cho phân giải, và không tồn tại được lâu.

Như vậy khi sử dụng đạm vàng 46A+ thì cũng như sử dụng đạm ure thường, ta vẫn bón thúc các đợt tương đương với lúc bón đạm các dạng khác, chỉ khác một điều cơ bản là số lượng bón ít lại. Ví dụ khi ta cần bón 100 kg đạm thường thì chỉ cần sử dụng khoảng 60 - 70 kg đạm vàng 46A+ là đủ.

Cũng cần chú ý trên thị trường có xuất hiện một vài chủng loại phân có bọc chất màu vàng, nhưng không mang nhãn hiệu Đầu Trâu thì không phải lả được bọc chế phẩm Agrotain. Các loại phân đó không có chức năng như phân đạm vàng 46A+ hay các chũng loại phân NPK có màu vàng khác mang nhãn hiệu Đầu Trâu.

(Viết theo yêu cầu bạn đọc)

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.