| Hotline: 0983.970.780

Phát huy lợi thế nuôi cá lồng bè quanh đảo vùng biển Tây

Thứ Năm 09/12/2021 , 12:28 (GMT+7)

KIÊN GIANG Các đảo, quần đảo trên vùng biển Tây, thuộc tỉnh Kiên Giang có lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá lồng bè cho giá trị kinh tế cao.

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức tọa đàm 'Phát triển chuỗi sản xuất nuôi cá lồng bè trên biển', tại xã Hòn Nghệ ngày 9/12. Ảnh: Trung Chánh.

Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức tọa đàm “Phát triển chuỗi sản xuất nuôi cá lồng bè trên biển", tại xã Hòn Nghệ ngày 9/12. Ảnh: Trung Chánh.

Ngày 9/12, tại xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức tọa đàm "Phát triển chuỗi sản xuất nuôi cá lồng bè trên biển”, với sự tham dự của đại diện các sở, ngành liên quan và bà con ngư dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Nuôi trồng (Chi cục Thủy sản Kiên Giang) cho biết, kế hoạch năm 2021, toàn tỉnh thả nuôi 5.500 lồng bè trên biển, sản lượng 5.200 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngư dân nuôi cá lồng bè gặp khó khăn trong khâu vận chuyển con giống, thức ăn, thuốc thú y… vào tỉnh, làm tăng chi phí.

Trong khi đó, giá cá biển giảm lại từ 30 - 40% do đầu ra hạn chế, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn. Vì vậy, ngư dân không mạnh dạn đầu tư, chỉ hoạt động cầm chừng, số lồng nuôi đến nay chỉ đạt 3.570 lồng, sản lượng thu hoạch 2.653 tấn.

Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn nhất thời và nghề nuôi cá lồng bè trên biển được tỉnh Kiên Giang xác định là lợi thế, có tiềm năng lớn để phát triển. Theo Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, các khu vực bố trí nuôi tập trung là xã Hòn Nghệ, Sơn Hải (huyện Kiên Lương), Lại Sơn, An Sơn, Nam Du (huyện Kiên Hải), Tiên Hải (TP Hà Tiên) và Gành Dầu, Thổ Châu (TP Phú Quốc). Ngành chức năng sẽ tiến hành cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, ngư dân cần đăng ký lồng nuôi, với các đối tượng nuôi chủ lực.

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển mạnh tại xã đảo Hòn Nghệ, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển mạnh tại xã đảo Hòn Nghệ, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con ngư dân. Ảnh: Trung Chánh.

Để hỗ trợ ngư dân, Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh đã triển khai đầu tư, quản lý hệ thống trạm quan trắc môi trường nước tự động phục vụ phát triển nuôi cá lồng bè trên biển tại xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương). Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn các biện pháp phòng, trị bệnh cho nuôi cá lồng bè. Hội Nông dân tỉnh thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân đã hỗ trợ đầu tư vốn cho ngư dân thực hiện mô hình, cải thiện điều kiện sản xuất, tăng thu nhập.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với cá tạp tại xã Hòn Nghệ. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi và đã xây dựng thành công chứng nhận VietGAP cho mô hình nuôi cá bóp lồng bè của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Minh Hòa (xã Hòn Nghệ). Tại huyện Kiên Lương, hiện đã thành lập được 1 HTX Nuôi trồng thủy sản và 16 Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè nhằm hỗ trợ nhau về kỹ thuật, đảm bảo trật tự vùng nuôi.

Ngành chức năng trao chứng nhận VietGAP cho mô hình nuôi cá bớp lồng bè của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Minh Hòa, xã Hòn Nghệ. Ảnh: Trung Chánh.

Ngành chức năng trao chứng nhận VietGAP cho mô hình nuôi cá bớp lồng bè của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Minh Hòa, xã Hòn Nghệ. Ảnh: Trung Chánh.

Các hộ ngư dân nuôi cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ đề xuất ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả nuôi. Sớm hoàn thành việc bố trí, sắp xếp nghề nuôi biển, giao khu vực nuôi biển và cấp mã số nhận diện lồng bè nuôi, để ngư dân an tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Năm 2022, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch phát triển nuôi cá lồng bè trên biển quanh các đảo, quần đảo với số lượng 6.000 lồng, sản lượng cá thương phẩm 9.300 tấn. Bố trí sắp xếp nghề nuôi biển, gồm cá nuôi lồng bè và các loại nhuyễn thể theo hướng tập trung, liên kết sản xuất, tạo chuỗi giá trị bền vững. Đẩy mạnh việc tuyên truyền cho ngư dân các quy định liên quan đến đăng ký nuôi biển theo Luật Thủy sản năm 2017, phát huy lợi thế và khai thác tài nguyên biển hiệu quả, bền vững.

“Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang khuyến khích ngư dân đầu tư chuyển đổi từ bề nuôi truyền thống bằng cây gỗ sang lồng nuôi HDPE. Đây là loại lồng nuôi hiện đại, có khả năng chống chịu sóng to, gió lớn (chịu được bão cấp 12), nuôi được xa bờ, độ bền cao trên 10 năm, dễ dàng lắp ráp, di chuyển, lưới chống sinh vật bám, dễ vệ sinh, mang lại hiệu quả cao.

Hiện tỉnh Kiên Giang có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi, đối với lồng tròn HDPE đường kính 10m (thể tích khoảng 500 m3), giá khoảng 200 triệu đồng, được hỗ trợ 80 triệu đồng. Lồng vuông 4 x 4 x 4 m, giá khoảng 50 triệu đồng, mức hỗ trợ 17,5 triễu đồng/lồng”, ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.