| Hotline: 0983.970.780

Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở huyện vùng cao Võ Nhai

Thứ Tư 14/12/2022 , 10:56 (GMT+7)

Năm 2021, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) chỉ đón 12 nghìn lượt khách du lịch, thì năm 2022, tính đến hết kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, huyện đã đón trên 108 nghìn du khách.

Du khách tham quan các sản phẩm du lịch của Võ Nhai. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Du khách tham quan các sản phẩm du lịch của Võ Nhai. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đổi thay

Số liệu này phần nào cho thấy du lịch Võ Nhai đang bừng tỉnh sau "kỳ ngủ đông" do dịch COVID-19, hướng tới giai đoạn phục hồi và ngày càng khởi sắc.

Nằm trên địa bàn xã Phú Thượng, Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng được đầu tư hơn 40 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ tháng 06/2019, với không gian sinh thái, quần thể rừng - suối - hang động đặc sắc. Trong đó, suối Mỏ Gà là một hang nước độc đáo được các chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển du lịch mạo hiểm.

Với những lợi thế sẵn có, Khu du lịch không chỉ là trọng điểm du lịch của huyện Võ Nhai mà còn là một trong những điểm đến nổi bật của tỉnh. Chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/09 vừa qua, Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng đã đón trên 13 nghìn lượt khách, trong đó có ngày cao điểm lên tới 5000 lượt du khách.

Chị Nguyễn Thu Hằng  (một du khách đến từ Hà Nội) đánh giá cao chất lượng phục vụ ở Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng và đặc biệt ấn tượng với hang nước suối Mỏ Gà, rất đẹp và độc đáo. Chắc chắn gia đình chị sẽ trở lại và dành nhiều thời gian khám phá các điểm du lịch khác tại Võ Nhai.

Trong mùa du lịch năm nay, Công ty TNHH Tiến Hoa  (đơn vị chủ quản Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng) đã đầu tư xây dựng một số nhà sàn theo kiến trúc đặc trưng của người dân tộc thiểu số địa phương để phục vụ khách lưu trú cộng đồng và bổ sung các trải nghiệm văn hóa như: Giã bánh dày, làm cơm lam, biểu diễn hát Then… phục vụ du khách. Ông Nông Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty, cho biết, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi rất vui mừng được đón khách trở lại. Với lượng khách như hiện nay, Công ty có thể khắc phục được phần nào khó khăn, phục vụ tốt du khách thập phương.

Bà Hà Thị Bích Hồng (Bí thư huyện ủy Võ Nhai) cho biết,cùng với Khu du lịch sinh tháiPhượng Hoàng, huyện Võ Nhai cũng ghi nhận lượng du khách gia tăng tại nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn các xã: Thần Sa, Thượng Nung, Tràng Xá… trong kỳ nghỉ Hè và các dịp lễ trong năm. Trong đó, riêng xã Thần Sa, mỗi tháng đón tiếp hàng nghìn lượt du khách đến tham quan các điểm di tích, danh thắng độc đáo như: Mái đá Ngườm - nơi ghi dấu di chỉ khảo cổ đặc sắc có niên đại từ thời Trung kỳ đồ đá cũ; thác Bảy tầng ở xóm Trung Sơn, thác Mưa rơi ở xóm Kim Sơn với cảnh sắc thiên nhiên đặc sắc…

Bà Lê Thị Thủy (Phó Chủ tịch UBND xã Thần Sa) cho biết, lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn xã thời gian qua tăng mạnh so với những năm trước. Sắp tới, chúng tôi sẽ bám sát định hướng phát triển du lịch của huyện để tăng cường quảng bá, thu hút các tour tuyến du lịch ở địa phương.

Định hướng của Võ Nhai

Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đang được Võ Nhai phát triển. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng đang được Võ Nhai phát triển. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Toàn huyện Võ Nhai hiện có 82 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có 5 di tích cấp Quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh. Theo thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, tính từ đầu năm 2022 đến hết dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/09 vừa qua, Võ Nhai đã đón 108,3 nghìn lượt khách du lịch. Lượng khách này tăng trưởng mạnh so với năm 2020, năm 2021.

Trên thực tế, lượng khách du lịch đến Võ Nhai ước có thể cao hơn con số trên, bởi Phòng Văn hóa và Thông tin huyện mới chỉ căn cứ trên số liệu của Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng và Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà để làm số liệu thống kê toàn huyện. Tại khác điểm di tích, du lịch sinh thái còn lại trên địa bàn, hiện chưa có con số thống kê cụ thể. Huyện cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn tạo một số di tích, đường vào di tích nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch.

Mới đây, huyện Võ Nhai và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp triển khai Dự án Bảo tồn bản truyền thống dân tộc Tày, tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, với tổng mức đầu tư trên 8,6 tỷ đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng..

Bà Vũ Thị Huệ  (Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Võ Nhai) cho biết, thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển du lịch, Võ Nhai sẽ đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Huyện tập trung phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn và các sản phẩm văn hóa truyền thống như: Hát Then, ẩm thực truyền thống và các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quy hoạch và xây dựng các dự án đầu tư cho phát triển du lịch, kết nối với các huyện trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tour, tuyến du lịch. Qua đó, nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế địa phương.

Xem thêm
Trung ương thống nhất cao phương án kiện toàn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.