| Hotline: 0983.970.780

Phát triển heo giống Đan Mạch

Thứ Năm 16/10/2014 , 08:15 (GMT+7)

Các giống heo có nguồn gốc Đan Mạch có nhiều ưu điểm vượt trội và thích nghi tốt khi về VN.

Được thành lập từ năm 1985 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi Bình Thắng (Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, Bộ NN-PTNT) là một trong những đơn vị đi đầu nghiên cứu, cung cấp giống gia súc, gia cầm. Năm qua, trung tâm đã triển khai dự án nghiên cứu, phát triển giống heo Đan Mạch.

"ƯƠM MẦM" CON GIỐNG

Ngày 1/12/2013, 338 con heo giống Đan Mạch được NK vào VN gồm giống Landrace (140 con), Yorkshire (122 con) và Duroc (76 con). Heo giống được nuôi tân đáo tại Trung tâm Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi Bình Thắng (TP.HCM) nuôi 215 con, số còn lại được nuôi tại Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương (Hà Nội).

Dự án nhằm cải tiến chất lượng di truyền đàn giống và các trang thiết bị chuồng trại, tăng năng suất sinh sản, sinh trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi heo tại Đông Nam bộ, ĐBSCL, ĐBSH.

Lý do chọn nguồn giống từ Đan Mạch, theo TS Phạm Tất Thắng, GĐTT Nghiên cứu & phát triển chăn nuôi Bình Thắng, Đan Mạch là một trong những quốc gia có ngành chăn nuôi heo phát triển hàng đầu thế giới. Các giống heo có nguồn gốc Đan Mạch có nhiều ưu điểm vượt trội và thích nghi tốt khi về VN.

"So với các nước trong khu vực và thế giới thì năng suất, chất lượng giống heo của VN còn rất thấp. Cụ thể, đàn nái luôn duy trì trên 4 triệu con, trong khi quần thể heo thịt hằng năm chỉ từ 27 - 28 triệu con. Trong khi đó, Đan Mạch chỉ cần duy trì đàn nái trên 1 triệu con vẫn có thể SX gần 28 triệu heo thịt/năm. Điều này cho thấy, năng suất và hiệu quả chăn nuôi heo ở VN còn rất thấp.

Nguyên nhân, trước hết là chất lượng nguồn gen, công nghệ chọn lọc, nhân giống. Ngay cả đàn heo ngoại cũng chỉ cho năng suất sinh sản bình quân khoảng 18 - 20 con cai sữa/nái/năm ở các cơ sở chăn nuôi Nhà nước và Cty nội địa; khoảng từ 21 - 24 con cai sữa/nái/năm ở các Cty chăn nuôi tư nhân và Cty nước ngoài.

Các con số này còn khoảng cách khá xa so với năng suất sinh sản bình quân tại Mỹ, Canada, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức (26 - 27 con cai sữa/nái/năm) và đặc biệt tại Đan Mạch nhiều trại đã đạt 33,5 con cai sữa/nái/năm (bình quân của DanBred là 28,8 con cai sữa/nái/năm)”, TS Thắng phân tích.

Bên cạnh đó, nguồn giống, công nghệ chọn giống, công nghệ chuồng trại và quản lý đàn giống heo của Đan Mạch đang được XK đi khắp thế giới. Do vậy, đây là cơ hội để VN tiếp cận với công nghệ chăn nuôi heo hàng đầu thế giới.

KẾT QUẢ KHẢ QUAN

Sau 1,5 tháng nuôi tân đáo tại Trung tâm Bình Thắng, giống heo Landrace bị chết 6 con, 2 giống còn lại đều khỏe mạnh (tỷ lệ hao hụt 1,8%). Ghi nhận trong quá trình nuôi tân đáo cho thấy, sức khỏe đàn heo tương đối tốt, ngoại trừ một số trường hợp ăn kém, viêm đường hô hấp ở thể nhẹ trong vài ngày đầu mới nhập về. Nguyên nhân có thể do chưa thích nghi điều kiện khí hậu và quy trình chăn nuôi mới.

“Đây là nguồn gen mới, có nhiều tiềm năng cải thiện năng suất, hiệu quả chăn nuôi heo ở VN, song không phải cá thể nào cũng có khả năng thích ứng cao với các điều kiện chăn nuôi của ta. Do vậy, cần xây dựng chương trình đánh giá, chọn lọc, nhân giống và phát triển đàn lợn giống vừa có năng suất sinh sản cao, giảm tỷ lệ hao hụt ở heo con, tăng khối heo con sơ sinh, heo con cai sữa.
Bên cạnh vấn đề chuồng trại và chăm sóc sức khỏe, cần xem xét điều chỉnh khẩu phần dinh dưỡng cho nái mang thai, nái đẻ, heo con tập ăn phù hợp với tiềm năng sinh trưởng, sinh sản của đàn giống”
, TS Phạm Tất Thắng.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến 6 con heo giống Landrace chết trong thời gian nuôi tân đáo đã được ghi nhận như do tiêu chảy cấp tính, do đột tử, do ảnh hưởng thần kinh, do bại liệt. Theo TS Thắng, khi thay đổi điều kiện sống, giống heo Landrace thường dễ mẫn cảm (stress) hơn so với giống Yorkshire và Duroc.

Trong giai đoạn nuôi tân đáo và kiểm tra năng suất, cả nhóm heo cái và đực hậu bị đều có tốc độ tăng trọng cao. Từ sơ sinh đến 180 ngày tuổi, tốc độ tăng trọng đều đạt từ 657 - 755 gr/ngày tùy theo nhóm giống. Nếu chỉ tính từ thời điểm nhập về nuôi tân đáo cho đến 180 ngày tuổi, tốc độ tăng trọng của giống Duroc đạt cao nhất (1.087 - 1.097 gr/ngày), sau đó là giống Landrace (968 - 1.001 gr/ngày) và giống Yorkshire (905 - 919 gr/ngày). Kết quả này tương đương với năng suất của đàn giống đã được DanBred báo cáo nuôi tại Đan Mạch.

So với các giống heo đang nuôi tại VN hiện nay, kết quả tăng trọng của đàn heo giống Đan Mạch cao hơn từ 15 - 20% tùy giống. Ngay cả các cơ sở chăn nuôi tốt với hệ thống chuồng hiện đại, tốc độ tăng trọng của đàn giống thương phẩm cũng chỉ đạt từ 600 - 630 gr/ngày giai đoạn từ sơ sinh đến 100 kg, hoặc 800 - 850 gr/ngày giai đoạn từ 25 - 100 kg.

Tương tự, đàn heo nhập khẩu từ Đan Mạch có hệ số tiêu tốn thức ăn khá thấp, từ 2,53 - 2,66 kg thức ăn/kg tăng trọng, tùy giống. Tuy nhiên, so với đàn thuần tại Đan Mạch (theo báo cáo của DanBred), chỉ tiêu này vẫn còn cao hơn (2,31 - 2,39). Sự chênh lệch này, một mặt có thể do biến động về chất lượng nguyên liệu thức ăn và khẩu phần ăn giữa Đan Mạch và VN. Nhưng nếu so với các giống thuần đang nuôi tại các cơ sở nhân giống VN (từ 2,65 - 2,80 kg/kg tăng trọng), các kết quả này vẫn cho thấy sự cải thiện hơn đáng kể.

Về khả năng sinh sản, kết quả ban đầu ghi nhận số con đẻ ra đạt từ 13,9 - 14,2 con/nái, tùy giống,trọng lượng con sơ sinh đạt từ 1,21 - 1,34 kg. Mặc dù đây mới chỉ là lứa đẻ đầu tiên, song kết quả này cho thấy tiềm năng SX của đàn heo giống Đan Mạch rất cao.

Xem thêm
'Bão' giá lợn càn quét: [Bài 6] Lối đi nào cho chăn nuôi nông hộ?

Lựa chọn khôn ngoan của các nông hộ nhỏ là xây dựng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, gắn với các giống bản địa, đặc sản để khai thác thị trường ngách.

Bệnh dại bùng phát trái mùa, đã có người ở Lào Cai tử vong

Khác với chu kỳ nhiều năm, thời điểm này bệnh dại đã xảy ra ở một số địa phương tại Lào Cai. Có trường hợp không phát hiện kịp thời đã dẫn tới tử vong.

Tương lai sáng dâu tằm tơ miền núi phía Bắc: [Bài 4] Nhà máy 'đói kén'

Nhà máy ươm tơ tằm có công suất chế biến hơn 1.000 tấn/năm đang thiếu nguyên liệu sản xuất, phải đặt đầu mối thu gom ở nhiều tỉnh phía Bắc nhưng vẫn gặp khó khăn.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Cơ hội từ Nghị quyết 57: Phải giữ được người tài

Với Nghị quyết 57, cơ hội phát triển đang rộng mở với các viện, trường, cơ sở nghiên cứu khoa học. Nhưng trước hết, các viện, trường phải giữ chân được người tài.

Hơn 185 chuyên gia, nhà nghiên cứu dự hội thảo quốc tế về công nghệ biển

KHÁNH HÒA Hội thảo quốc tế về khoa học, công nghệ biển và thủy sản lần thứ 5 thu hút hơn 185 đại biểu tham gia, trong đó có hơn 35 đại biểu quốc tế.

Tương lai bền vững cho ngành gỗ: [Bài 2 ] Doanh nghiệp lo chính sách thuế

Ngoài thách thức của quy định EUDR, ngành gỗ Việt còn đang phải đối mặt với chính sách thuế của Hoa Kỳ, thị trường lớn của ngành gỗ Việt.