| Hotline: 0983.970.780

Phát triển kinh tế rừng Đắk Nông [Bài 2] Trồng nấm linh chi dưới tán rừng

Thứ Ba 28/03/2023 , 22:20 (GMT+7)

Đây là mô hình rất phù hợp trồng dưới tán rừng nguyên sinh, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người phụ nữ có duyên với rừng

Theo chân ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đến thôn 8, xã Đắk Búk So, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một khu rừng nguyên sinh hiện diện giữa khu dân cư đông đúc.

“Bây giờ còn giữ được những khu rừng như thế này, thật quý”, tôi nghĩ thầm và chạy ngay đến những cây cổ thụ to cỡ 2-3 vòng tay người lớn ngắm nhìn. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy phía dưới khu rừng, một thác nước tuyệt đẹp, cao chừng 40m, ào ào tuôn nước xuống, âm thanh từ thác nước rộn rã một góc rừng. Xung quanh thác, một làn hơi nước bốc lên mát lạnh, quyện vào những thân cây cổ thụ rêu phong, khiến cảnh vật càng thêm huyền ảo.

Và, điều khiến tôi thích thú là con thác này có tên Đắk Buk So, một trong những con thác đẹp nhất ở Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung mà tôi từng không ít lần nghe nhắc đến.

Chị Mai Thị Thái và ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông với những cây nấm linh chi trồng dưới tán rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Chị Mai Thị Thái và ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông với những cây nấm linh chi trồng dưới tán rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Chị Mai Thị Thái, người được giao quản lý khu rừng cho biết: “Khu rừng này diện tích nhỏ nhưng gần như còn nguyên vẹn. Đó là nhờ có cộng đồng người M’Nông bản địa ở 2 Bon là Bu boong và Bu N’rung gìn giữ từ bao đời nay. Được giao quản lý gìn giữ khu rừng này, tôi hạnh phúc lắm. Khi được giao quản lý khu rừng này, tôi được bà con ủng hộ, vì họ hiểu tôi là người yêu rừng, yêu thiên nhiên”, chị Thái cho biết.

Năm 2021, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về thời tiết, thổ nhưỡng tại khu rừng, chị thấy ở đây rất phù hợp với cây nấm linh chi. Chị Thái liên lạc với người thân và qua tư vấn của người quen công tác tại Công ty Hệ sinh thái The Vos (trụ sở tại Đồng Tháp), đơn vị chuyên nghiên cứu về nấm linh chi, chị trồng thử nấm linh chi đỏ dưới tán rừng.

Theo hướng dẫn từ nhà cung cấp giống, nấm linh chi trồng với mật độ 16 phôi/1m2. Sau đó, quy trình chăm sóc chủ yếu là giám sát độ ẩm của đất, đặc biệt là vào mùa khô. “Cây nấm không cần bón bất cứ loại dinh dưỡng nào, vì trong phôi gỗ đã cấy sẵn dưỡng chất lúc cấy mô rồi. Chủ yếu là đảm bảo độ ẩm cho nó. Cũng chỉ cần tưới vào mùa khô, còn mùa mưa thì không cần, nhưng yêu cầu nước tưới phải thật sạch, nếu không nấm sẽ không phát triển được hoặc phát triển kém”, chị Thái nói.

Vừa nói, chị vừa dẫn tôi đến nơi có hệ thống máy lọc nước đặt ngay dưới hiên mái nhà. “Bộ máy lọc nước này trị giá hơn 100 triệu đồng. Nước lọc ra là nước tinh khiết, qua kiểm nghiệm hẳn hoi, nên có thể uống ngay mà không cần nấu chín. Cái máy lọc nước này cung cấp nước ăn uống cho cả trăm gia đình đồng bào ở đây. Ăn hết họ lại vào lấy”, chị nói.

Năm 2022, chị Mai Thị Thái thành lập HTX VOS Đăk Nông sau khi trồng thử nghiệm thành công nấm linh chi dưới tán rừng với 16 thành viên.

Nấm linh chi rất dễ trồng, quy trình chăm sóc cũng đơn giản, người nông dân chỉ cần hướng dẫn qua là nắm được. Trong ảnh là một vạt nấm linh chi mới trồng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nấm linh chi rất dễ trồng, quy trình chăm sóc cũng đơn giản, người nông dân chỉ cần hướng dẫn qua là nắm được. Trong ảnh là một vạt nấm linh chi mới trồng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Hướng đi nhiều triển vọng

Sau 4 tháng trồng, nấm bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên. Đến năm 2022, lứa nấm thứ 2, mô hình của chị Thái được Thạc sỹ Phan Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Tuy Đức đề xuất huyện lập đề án nghiên cứu tính khả thi đối với cây nấm linh chi đỏ trồng trên địa bàn và được chấp thuận. Hiện mô hình nấm linh chi đỏ của chị Thái đang trồng khoảng 10.000 phôi. Thời điểm tôi đến, đã có một số vạt nấm bắt đầu cho thu hoạch. Những tai nấm to cỡ hơn bàn tay, tai dày, phía dưới tai là phần thân, lùn nhưng khá mập, ước bằng ngón tay.

“Phôi nấm này do doanh nghiệp cung cấp, họ đã cấy meo nấm sẵn vào phôi bằng gỗ và xử lý quá trình sinh trưởng trong phòng thí nghiệm hết rồi, mình mang về chỉ đặt xuống đất thôi. Cây nấm sau khi trồng, chỉ cần tưới nước chứ không cần thêm dinh dưỡng phân bón gì cả, nấm sinh trưởng nhờ dinh dưỡng từ phần phôi gỗ. Vì thế, quy trình chăm sóc khá đơn giản”, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Tuy Đức nói và cho biết thêm, mỗi phôi nấm linh chi trồng 1 lần có thể thu hoạch cả năm. Sau khi trồng 4 tháng thu hoạch lần đầu, sau khoảng 1 tuần, phôi nấm sẽ nảy chồi ngay tại vết cắt. Lần thứ 3 cũng tương tự, nhưng những lần thu sau, phôi nấm nảy mần càng ít đi nên lượng nấm thu được cũng giảm.

Thạc sỹ Phan Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Tuy Đức cho biết: 'Kết quả dánh giá ban đầu cho thấy, linh chi trồng ở rừng tự nhiên rất phù hợp'. Ảnh: Minh Sáng.

Thạc sỹ Phan Kim Loan, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Tuy Đức cho biết: "Kết quả dánh giá ban đầu cho thấy, linh chi trồng ở rừng tự nhiên rất phù hợp". Ảnh: Minh Sáng.

Nói về mô hình nấm linh chi dưới tán rừng của chị Thái, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông nhận định, nấm linh chi phát triển tốt, có dược tính cao, quy trình chăm sóc lại đơn giản. Đây là cơ hội cho bà con phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập cho nhiều người dân. Người dân có thể tận dụng quỹ đất rừng sẵn có tại địa phương để trồng nấm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Chỉ cần lưu ý là phải căn đúng thời điểm thu hoạch để nấm không chuyển hóa thành gỗ, làm mất đi hàm lượng dinh dưỡng chính của nấm.

Nói về chất lượng, chủ vườn Mai Thị Thái cho biết, nấm linh chi trồng tại mô hình đã mang đi kiểm nghiệm, kết quả cho thấy, dược tính cao hơn cả nấm linh chi nhập từ nước ngoài về mà giá cao gấp 2-3 lần. “Với 16 phôi nấm, bình quân 1m2 đất có thể thu từ 1,7 - 2kg nấm tươi. Sau khi phơi khô, trọng lượng giảm đi 1 nửa. Giá bán nấm linh chi khô hiện nay, từ 1,5-1,7 triệu đồng”, chị Thái nói.

Sau khi đi một vòng quanh các vườn nấm rải rác trong rừng, quay lại chiếc ghế đá dưới bóng cây cổ thụ rợp mát, tôi được thưởng thức ly nước nấu linh chi đỏ nóng hổi. Cầm ly nước linh chi sánh vàng trên tay, dù chưa uống, nhưng ly nước còn nóng bỏng tay bốc khói, một mùi thơm khác đặc trưng phả trên mũi.

Nhấm từng ngụm nhỏ, tôi cảm nhận vị hơi nhẫn nhẫn ở đầu lưỡi. Và sau khi nuốt, vị ngòn ngọt đọng lại khá lâu nơi cổ họng. “Nấm Linh chi đỏ có tính dược liệu cao, trong đó nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Loại nấm này có thể sử dụng tươi, khô hoặc nghiền thành bột để làm thức ăn hoặc làm dược liệu”, Thạc sĩ Loan nói.

Hệ thống lọc nước tinh khiết trị giá hơn 100 triệu của chị Thái để lấy nước tưới linh chi và cho người sử dụng mà không cần nấu chín. Ảnh: Minh Sáng.

Hệ thống lọc nước tinh khiết trị giá hơn 100 triệu của chị Thái để lấy nước tưới linh chi và cho người sử dụng mà không cần nấu chín. Ảnh: Minh Sáng.

“Qua theo dõi quá trình triển khai thực hiện mô hình cho thấy, nấm linh chi phát triển tốt tại đây. Loại nấm này dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu ra tương đối tốt. Đây là mô hình mới, nhưng bước đầu được đánh giá là rất hiệu quả.

Nấm linh chi không tốn nhiều diện tích, quá trình sinh trưởng cũng không cần đầu tư nhiều. Nên đây là mô hình rất phù hợp trồng dưới tán rừng nguyên sinh, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu nhân rộng mô hình này sẽ giải quyết được “bài toán” tạo sinh kế dưới tán rừng”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.