| Hotline: 0983.970.780

Phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại

Thứ Sáu 26/11/2021 , 11:19 (GMT+7)

Ngành lâm nghiệp đã sẵn sàng cho những kế hoạch, hành động theo hướng bền vững, tích hợp đa giá trị, và nâng cao hàm lượng công nghệ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị.

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị.

Nhân kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11) và 76 năm ngày thành lập ngành Lâm nghiệp (1/12/1945 - 1/12/2021), ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã chia sẻ về những thành tựu và định hướng của ngành trong giai đoạn toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang chuyển mình sang một nền nông nghiệp đa giá trị, bền vững, hội nhập quốc tế.

Thành tựu quan trọng

Thực hiện Sắc lệnh số 69 ngày 01/12/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Lâm nghiệp đã được hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Xin ông điểm lại những dấu mốc quan trọng trong quãng thời gian khó khăn nhưng cũng đầy tự hào này?

Ngành lâm nghiệp trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng lịch sử đất nước, khái quát qua ba giai đoạn chính.

Thứ nhất, từ 1945 đến 1975, là giai đoạn lâm nghiệp phục vụ kháng chiến, kiến quốc với ba nhiệm vụ chủ yếu.

Một là, xây dựng hệ thống chính sách và thể lệ lâm nghiệp, tập trung vào xóa bỏ luật lệ có tính hà khắc, độc quyền của thực dân Pháp và chế độ phong kiến; xây dựng tổ chức chính sách và thể chế dưới chế độ mới. Cải tiến chế độ thu tiền bán lâm sản; chính sách phát triển trồng cây gây rừng; các thể chế về bảo vệ rừng. Đặc biệt, ngay từ thời điểm đó, ngành đã có những chính sách khuyến khích sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu lâm sản.

Hai là, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng; vận động phát triển rừng, trồng cây nhân dân; khai thác gỗ và lâm sản phục vụ yêu cầu của kháng chiến, xây dựng đất nước, giao thông liên lạc, phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp lâm sản trong và giữa các vùng tự do.

Ba là, góp nguồn thu từ lâm nghiệp vào ngân sách; đào tạo cán bộ lâm nghiệp và nghiên cứu khoa học lâm nghiệp.

Giai đoạn thứ hai, từ 1976 đến 1991, là giai đoạn lâm nghiệp phục vụ hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục kinh tế đất nước. Đây là giai đoạn lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo mô hình lâm nghiệp nhà nước, tập trung hóa cao độ trong tổ chức sản xuất kinh doanh, thành lập thêm nhiều lâm trường quốc doanh và hàng chục liên hiệp nông - lâm - công nghiệp như Đông Bắc bộ, Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên. Phong trào công nhân hóa lâm dân được thực hiện trên diện rộng cùng với việc hình thành các làng lâm nghiệp, thị tứ lâm nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (giữa) kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Ngọc Luật.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (giữa) kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Ngọc Luật.

Mặc dù có đóng góp lớn vào việc ổn định đời sống dân sinh, giải quyết nạn đói, nhưng đây cũng là giai đoạn chúng ta phải đánh đổi, chứng kiến việc đẩy mạnh khai thác gỗ, những khu rừng phải nhường chỗ cho phát triển kinh tế, chuyển đổi đất rừng sang sản xuất lương thực và thực phẩm, phục vụ di dân thông qua chương trình định canh, định cư.

Diện tích rừng tự nhiên bị mất nhiều, suy giảm tài nguyên rừng, vốn rừng nghiêm trọng và độ che phủ xuống tới mức rất thấp. Sản xuất lâm nghiệp quốc doanh sau một thời gian phát triển đã đi vào thoái trào, hệ thống tổ chức quản lý lâm nghiệp không còn thích ứng với nhiệm vụ mới, yêu cầu của thực tiễn, và nền kinh tế nhiều thành phần. Điều này đặt ra những yêu cầu của sự đổi mới trong nhận thức và hành động.

Giai đoạn thứ ba, từ 1991 đến nay có những đổi mới căn bản, mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cả nước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ngành lâm nghiệp chuyển hướng từ lâm nghiệp quốc doanh sang lâm nghiệp có nhiều thành phần kinh tế.

Lâm nghiệp thời kỳ này được thực hiện theo ba Luật quan trọng đó là: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, và Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Tất cả từng bước điều chỉnh ngành lâm nghiệp theo hướng kinh tế - kỹ thuật, bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.

Thời kỳ này, ngành lâm nghiệp hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia và là thành viên trách nhiệm trong việc thực hiện các công ước quốc tế và các văn kiện thương mại tự do, mở đường cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp phát triển ổn định trên cả ba trụ cột Kinh tế - Xã hội – Môi trường.

Dù trong hoàn cảnh nào, ngành lâm nghiệp cũng luôn phát huy sự chủ động, sáng tạo, góp phần đưa ngành nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Những thành tựu ấy, cụ thể là gì?

Ngành Lâm nghiệp kịp thời tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành và trình Chính phủ nhiều văn bản, cụ thể hóa các quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Các văn bản luôn đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng. Qua đó đã góp phần quan trọng đạt được các thành tựu đó là:

Về nghiên cứu khoa học, từ năm 1994 đến nay, ngành lâm nghiệp được công nhận 216 giống mới và vườn trồng các loài cây chủ lực như keo, bạch đàn, tràm, thông, mắc ca, sa nhân. Ngành cũng nghiên cứu, chế tạo công cụ, thiết bị cơ giới hóa các khâu sản xuất của lâm nghiệp, nghiên cứu công nghệ biến tính gỗ, tạo vật liệu mới từ gỗ rừng trồng thành các vật liệu phụ trợ phục vụ chế biến, nghiên cứu công nghệ bảo quản gỗ, chế biến gỗ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng.

Ứng dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cũng được ngành lâm nghiệp triển khai trong công tác điều tra, quy hoạch rừng. Việc sử dụng ảnh vệ tinh và ứng dụng công nghệ GIS giúp việc giám sát công tác giao đất, giao rừng đạt hiệu quả cao.

Cán bộ kiểm lâm điều khiển flycam để kiểm tra cháy rừng. Ảnh: GIZ/Bình Đặng.

Cán bộ kiểm lâm điều khiển flycam để kiểm tra cháy rừng. Ảnh: GIZ/Bình Đặng.

Về đào tạo, đến nay ngành lâm nghiệp có khoảng 50 giáo sư, phó giáo sư, 96 tiến sĩ, 4.145 thạc sĩ, và khoảng 47.348 kỹ sư.

Về hợp tác quốc tế, ngành chủ động tham gia một cách có trách nhiệm vào các Công ước quốc tế, tổ chức đa phương, diễn đàn về lâm nghiệp toàn cầu và khu vực, với 34 đầu mối hợp tác.

Về bảo vệ rừng, ngành lâm nghiệp góp phần giảm tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng cả về số vụ lẫn mức độ thiệt hại. Cụ thể, số vụ vi phạm trung bình trong giai đoạn 2006-2010 là 39.165 vụ/năm. Đến 2011-2015, con số này là 27.265 vụ/năm. Giai đoạn 2016-2020, chỉ còn 16.600 vụ/năm, tương đương 42,4% giai đoạn 2006-2010 và 60,8% giai đoạn 2011-2015.

Diện tích rừng trung bình bị thiệt hại giai đoạn 2016-2020 là 1.820ha/năm, bằng 32,8% so với giai đoạn 2006-2010 và 68,7% giai đoạn 2011-2015.

Chế biến, xuất khẩu đồ gỗ là một trong những mũi nhọn của ngành lâm nghiệp hiện nay. Ảnh: TL.

Chế biến, xuất khẩu đồ gỗ là một trong những mũi nhọn của ngành lâm nghiệp hiện nay. Ảnh: TL.

Về trồng rừng, hàng năm trồng khoảng 230.000ha, trong đó trồng mới là 30.000ha. Năng suất rừng trồng trung bình 15-20m3/ha/năm. Sản lượng của loài cây trồng chính đạt 90-100m3/ha.

Về chế biến xuất khẩu lâm sản, ngành lâm nghiệp đạt giá trị xuất khẩu 13,23 tỷ USD năm 2020, tăng 16,9% so với năm 2019. Tính đến thời điểm này, ngành đã đạt kim ngạch xuất khẩu 14,26 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu quan trọng.

Về dịch vụ môi trường rừng, trong giai đoạn 2013-2020 tổng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã đạt 15.657 tỷ đồng, bình quân mỗi năm thu được là 1.957 tỷ đồng. Lũy kế đến 11/2021, cả nước đã thu được 2.974,26 tỷ đồng đạt 106% kế hoạch thu năm 2021 và bằng 129% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là nguồn lực rất quan trọng để góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước nói chung và phát triển kinh tế ngành Lâm nghiệp nói riêng.

Cán bộ ngành lâm nghiệp chủ động, quyết liệt trong các công tác bảo vệ, phát triển rừng. Ảnh: TL.

Cán bộ ngành lâm nghiệp chủ động, quyết liệt trong các công tác bảo vệ, phát triển rừng. Ảnh: TL.

Phát huy tính đa giá trị của rừng

Là mũi nhọn xuất khẩu của ngành nông nghiệp, với mục tiêu tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp trung bình 5,0-5,5%, ngành lâm nghiệp sẽ triển khai những kế hoạch, mục tiêu nào trong thời gian tới để duy trì vị thế và tốc độ tăng trưởng?

Định hướng của ngành lâm nghiệp là tiếp tục phát triển bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả, và có sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị, phát huy tính đa giá trị của rừng.

Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp sẽ quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, và nâng cao chất lượng rừng trồng.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra rừng. Ảnh: TL.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra rừng. Ảnh: TL.

Về mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030 như sau: Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42-43%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5-5,5%; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản từ 20 tỷ USD năm 2025 và 25 tỷ USD năm 2030.

Tổng thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng là 35 triệu m3 năm 2025, 50 triệu m3 năm 2030. Diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 500.000ha giai đoạn 2021-2025, trên 1 triệu ha giai đoạn 2026-2030; 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất