| Hotline: 0983.970.780

Phát triển mạnh trồng cỏ nuôi bò

Thứ Năm 23/07/2020 , 06:15 (GMT+7)

Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025 đàn bò thịt chất lượng cao đạt 400.000 con. Để chủ động nguồn thức ăn xanh cho bò, nông dân phát triển mạnh trồng cỏ.

Nông dân Bình Định phát triển mạnh trồng cỏ nuôi bò. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân Bình Định phát triển mạnh trồng cỏ nuôi bò. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Diện tích cỏ tăng trưởng theo đàn bò

Tính đến tháng 6/2020, tổng đàn bò trên địa bàn có 291.100 con, tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2019. Trong công cuộc tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bình Định phấn đấu đến năm 2025 đàn bò thịt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh này đạt 400.000 con. Để chủ động nguồn thức ăn xanh cho bò, bà con nông dân đang phát triển mạnh trồng cỏ.

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, từ năm 2010, khi Bình Định đẩy mạnh nâng cao chất lượng đàn bò thịt thì phong trào trồng cỏ nuôi bò ở địa phương này cũng phát triển song song, nhiều diện tích đất lúa không chủ động nước tưới trên địa bàn được nông dân chuyển sang trồng cỏ.

Nhiều mô hình trồng cỏ chất lượng cao, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và đầu tư chăn nuôi thâm canh được chuyển giao cho nông dân.

“Bình Định không trồng cỏ tập trung thành diện tích lớn như nhiều địa phương khác, mà được trồng theo nhu cầu từng hộ gia đình chăn nuôi, ai nuôi nhiều trồng nhiều, nuôi ít trồng ít. Với đàn bò 291.100 con hiện nay, diện tích trồng cỏ để làm thức ăn xanh cho bò trên địa bàn là không ít”, ông Hùng khẳng định.

Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, nếu nuôi bò thâm canh 100% bằng thức ăn thô xanh (cỏ) thì lượng thức ăn sẽ chiếm 10% khối lượng hơi của con bò.

“Ví dụ con bò có trọng lượng 300kg thì mỗi ngày nó cần phải ăn 30kg cỏ. Hiện nay người nuôi bò ở địa phương không nuôi thâm canh 100% thức ăn thô xanh, mà có sử dụng phụ phẩm và kết hợp chăn thả, nên lượng cỏ giảm đi 1 nửa, còn 15kg/ngày/con, tính ra mỗi năm 1 con bò nặng 300kg sẽ cần đến gần 5.500kg (5,5 tấn) cỏ xanh. Như vậy, với tổng đàn bò 291.100 con, mỗi năm cần đến khoảng 1.500 tấn cỏ xanh”, ông Hạnh tính toán.

Hộ chăn nuôi bò nhiều thì trồng nhiều diện tích cỏ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hộ chăn nuôi bò nhiều thì trồng nhiều diện tích cỏ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cũng theo ông Đào Văn Hùng, Bình Định đang chủ động tạo ra nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò nhằm bảo đảm số lượng lẫn chất lượng bằng biện pháp trồng các giống cỏ mới có năng suất, chất lượng cao và tận thu phụ phẩm trong nông nghiệp như: Rơm rạ, thân cây ngô, ngọn lá mía, thân lá mì, dây đậu phụng… dự trữ làm thức ăn cho bò. Đồng thời áp dụng công nghệ chế biến thức ăn thô xanh để nâng cao gái trị dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và hấp thụ, bổ sung đạm cho bò dưới dạng tảng liếm, ủ rơm với ure…

Thâm canh nhiều giống cỏ mới chất lượng cao

Từ khi phát triển mạnh nghề nuôi bò, người chăn nuôi ở Bình Định đồng thời phát triển mạnh trồng cỏ, tuy nhiên hầu hết là những giống cỏ nghèo dinh dưỡng.

Trước thực trạng này, Trung tâm Khuyến nông  đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh một số giống cỏ mới chất lượng cao và hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ đến người chăn nuôi bò.

Mỗi con bò nặng 300kg mỗi năm cần ăn đến 5,5 tấn cỏ xanh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mỗi con bò nặng 300kg mỗi năm cần ăn đến 5,5 tấn cỏ xanh. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong 2 năm 2015 - 2016, người chăn nuôi bò ở Bình Định được tiếp cận 2 giống cỏ mới là Mulato II và Ghine. Đây là 2 loại cỏ rất hợp khẩu vị của bò. Theo một số người chăn nuôi, khi cho ăn 2 loại cỏ nói trên bò ăn rất ngon miệng, trong máng ăn không còn sót sợi cỏ nào.

Bà Lê Thị Xuân, Trưởng phòng Khuyến nông phụ trách chăn nuôi -  thú y thuộc Trung tâm Khuyến nông giải thích: “2 giống cỏ Mulato II và Ghine có lá và thân mềm hơn, không bị cứng cây như cỏ voi nên bò ăn rất khoái khẩu. Còn cỏ voi bò chỉ ăn lá và thân mềm, chừa lại phần thân bị cứng.

Hàm lượng protein trong 2 giống cỏ nói trên cao hơn các giống cỏ thông thường như cỏ voi nên khi cho bò ăn tăng trưởng tốt, giảm chi phí thức ăn tinh, tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập cho người nuôi. 2 giống cỏ Mulato II và Ghine cho thu hoạch mỗi năm 8 – 11 lứa cắt, năng suất bình quân từ 10.000 – 1.500kg/sào (500m2)/lứa, năng suất cho cả năm từ 200 – 260 tấn/ha”.

Các giống bò chất lượng cao rất cần thức ăn xanh để tăng trưởng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Các giống bò chất lượng cao rất cần thức ăn xanh để tăng trưởng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bước sang năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục chuyển giao đến nông dân giống cỏ Mombasa. Đây cũng là giống cỏ chất lượng cao rất được bò ưa thích. Tỷ lệ lá trên thân cỏ Mombasa cao, lá và thân cỏ mềm, không bị nhanh cứng cây như giống cỏ voi. Tỷ lệ protein trong cỏ Mombasa cao hơn so với cỏ voi nên bò ăn vào phát triển tốt hơn, lông da bóng mượt hơn.

“Cỏ Mombasa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ nẩy mầm trên 90%, tỷ lệ sống cao, có thể trồng bằng hạt, khóm gốc hoặc bằng thân. Cỏ Mombasa cho năng suất khá cao, từ 320 – 380 tấn/ha/năm trong điều kiện trồng thâm canh.

Thời gian thu cắt lứa đầu từ 50 – 60 ngày; thời gian tái cắt ngắn hơn, từ 30 - 35 ngày, bình quân cho từ 8 - 10 lứa cắt/năm. Cỏ Mombasa có thể cho ăn tươi, ủ chua, hoặc phơi khô dự trữ như rơm mà không bị giảm nhiều về chất lượng.

Đây là giống cỏ có khả năng chịu hạn, chịu rập tốt nên có thể trồng xen trong vườn cây hoặc dọc các kênh mương”, bà Lê Thị Xuân cho hay.

“Ở những vùng thường bị ngập úng thì người chăn nuôi trồng cỏ Paspalum, đây là giống cỏ thích ứng điều kiện ngập úng, chịu phèn. Tỷ lệ sống, nẩy mầm của giống cỏ Paspalum rất cao, trên 90%, khả năng sinh trưởng tốt, bộ rễ phát triển mạnh. Cỏ Paspalum có thể trồng bằng hạt hoặc bằng thân.

Cỏ Paspalum cho năng suất khá cao từ 170 - 300 tấn/ha/năm trong điều kiện trồng thâm canh. Thời gian thu cắt lứa đầu từ 60 ngày, thời gian tái cắt từ 35 - 40 ngày, bình quân cho 8 lứa/năm. Đây là loại cỏ lá to, nhiều lá, có thể cho ăn tươi, ủ chua. Đặc biệt là nó thích nghi tốt với nhiều loại đất, chịu được ngập úng, phèn, thích nghi tốt với điều kiện biến đổi khí hậu”, bà Xuân khẳng định.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.