Mục tiêu trở thành trung tâm nguyên liệu gỗ rừng trồng
Quảng Trị có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp gần 286 nghìn ha, diện tích rừng trồng sản xuất trên 121 nghìn ha. Bình quân, mỗi năm, Quảng Trị trồng mới rừng tập trung đạt 6,5 - 7 nghìn ha; độ che phủ rừng duy trì ổn định 50%...
Trong những năm qua, phong trào trồng rừng sản xuất đã và đang phát triển rộng khắp, bước đầu giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng rừng.
Tuy nhiên, đa số người trồng rừng ở Quảng Trị vẫn chưa xóa bỏ được tư duy “ăn xổi”. Rừng keo chỉ được trồng với chu kỳ 4 - 6 năm đã khai thác để bán cho các nhà máy gỗ dăm. Năng suất, sản lượng và giá trị gỗ rừng vì thế còn thấp; giá trị bảo vệ môi trường chưa được cải thiện đáng kể.
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, liên kết trồng và thu mua gỗ rừng cho người dân, tạo điều kiện để ngành trồng rừng phát triển. Một số doanh nghiệp đã khảo sát và hiện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư các vườn ươm đạt tiêu chuẩn, cung cấp giống chất lượng cho người trồng rừng.
Xác định thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động và thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị định hướng phát triển rừng trồng theo hướng thâm canh, kinh doanh rừng với luân kỳ dài để sản xuất gỗ lớn nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghệ chế biến gỗ, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ rừng trồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, phát triển rừng kinh tế, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chuyên môn, các chủ rừng, người dân và chính quyền địa phương, Quảng Trị đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển rừng, đặc biệt là rừng trồng gỗ nguyên liệu.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Trị đã trồng được gần 41 nghìn ha rừng tập trung, 12,7 triệu cây phân tán. Trong đó, trồng rừng sản xuất cung cấp gỗ nguyên liệu trên 39 nghìn ha. Riêng trong năm 2021, diện tích rừng trồng tập trung toàn tỉnh gần 10,5 nghìn và trên 3,1 triệu cây phân tán.
Đây là những điều kiện để người trồng rừng và ngành chế biến gỗ rừng trồng tại Quảng Trị phát triển, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đã quyết tâm đưa Quảng Trị trở thành trung tâm nguyên liệu gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực, trong đó chính sách hỗ trợ cho phát triển rừng gỗ lớn.
Rừng gỗ lớn - Cờ đã đến tay
Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, năm 2018, Quảng Trị xây dựng Đề án nâng cao chất lượng, phát triển giống cây Lâm nghiệp. Nhiều vườn giống kém chất lượng, thoái hóa, già cỗi, năng suất thấp; các cơ sở kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, vườn ươm không chứng minh được nguồn cây mẹ đã bị xóa bỏ. Người trồng rừng đã từng bước chuyển biến ý thức và đưa vào sản xuất các giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với mục đích sản xuất, kinh doanh rừng trồng và sử dụng nguồn giống để trồng rừng. Chất lượng rừng trồng nguyên liệu ngày càng được cải thiện, năng suất bình quân đạt từ 20 m3/ha/năm trở lên.
Nhằm nâng cao chất lượng rừng, Quảng Trị khuyến khích các địa phương, chủ rừng chuyển đổi phương thức trồng rừng từ cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh gỗ lớn để nâng cao tỷ lệ gỗ xẻ cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến xuất khẩu. Nhiều chương trình phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được thực hiện đã hỗ trợ người dân chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Năm 2019, Quảng Trị xây dựng Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030, hình thành và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có năng suất, chất lượng cao. Mục tiêu đặt ra của ngành nông nghiệp Quảng Trị là đưa địa phương này trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung; nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị; góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang khai xây dựng Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030 để đưa vào triển khai thực hiện.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị cho hay, thời gian qua, tại địa phương này đã xây dựng được nhiều mô hình trình diễn như trồng keo lai giâm hom ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ được triển khai thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017 với tổng diện tích 25 ha. Mô hình chuyển hóa rừng keo lai, keo tai tượng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn trong giai đoạn năm 2018 đến năm 2022 với quy mô 96,0 ha. Mô hình trồng rừng gỗ lớn cây keo lai mô và keo tai tượng giống Úc được thực hiện giai đoạn 2019 đến năm 2022 với quy mô 156,5ha… Qua theo dõi cho thấy, các mô hình phát triển tốt, giá trị kinh tế được nâng lên đáng kể. Người trồng rừng tham gia mô hình được trang bị thêm nhiều kiến thức về chọn giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng thâm canh… Những mô hình này đã tạo ra sự chuyển biến rất lớn trong tư duy trồng rừng của người trồng rừng.
Theo thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 23,5 nghìn ha keo được cấp chứng chỉ FSC. Tỉnh cũng đã thiết lập được chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với các doanh nghiệp có chứng chỉ CoC như: Công ty Chế biến gỗ Thu Hằng, Công ty Nguyên Phong, Công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty Scansia Pacific. Các doanh nghiệp này cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng gỗ có chứng chỉ của Hội FSC Quảng Trị nói chung và các Hợp tác xã nói riêng với giá cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 10-12%.
Ông Hồ Xuân Hòe cho biết thêm, hiện địa phương đã kêu gọi được 2 nhà đầu tư xây dựng các trung tâm giống công nghệ cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định Quảng Trị là tỉnh tham gia trong dự án phát triển chuỗi vùng nguyên liệu, rừng gỗ lớn gắn với liên kết với các doanh nghiệp. Bộ cũng sẽ ưu tiên đầu tư nguồn lực trong giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai trong chương trình này. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy kế hoạch trồng rừng gỗ lớn của tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.
Phấn đấu có 3 vạn ha rừng FSC
Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Trị thực hiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ cây giống keo lai nuôi cấy mô, vật tư phân bón để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao tiến tới được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đến năm 2030, Quảng Trị phấn đấu có 30.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.