| Hotline: 0983.970.780

Tăng trưởng xanh, phát thải thấp

Phát triển sản phẩm nông nghiệp sinh thái - công bằng

Thứ Tư 12/10/2022 , 08:49 (GMT+7)

Nông nghiệp sinh thái và thương mại công bằng đang nổi lên như một chiến lược phát triển nông nghiệp đầy hứa hẹn tại nhiều quốc gia.

cô gái

Thúc đẩy sản xuất bền vững cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái - công bằng ở Việt Nam.

Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái - công bằng tại Việt Nam” do chương trình Switch Asia, do Liên minh Châu Âu EU tài trợ 1,5 triệu EUR thông qua Chương trình SWITCH-Asia, phối hợp cùng với Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT) và các đối tác tổ chức được thực hiện từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2023.

Mục tiêu chung của dự án (Eco-fair) là thúc đẩy sản xuất bền vững và thị trường cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái đang tăng ở Việt Nam, góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế, giảm nghèo, tăng cường sinh kế bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có điều khoản khẳng định và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm sinh thái - công bằng, thể hiện sự quan tâm của các nước về môi trường.

TS Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) cho biết, dự án Eco Fair ra đời với sứ mệnh thay đổi hành vi của các tổ chức và cá nhân nhằm đưa ra những biện pháp tích cực với xã hội và cải thiện môi trường.

"Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng về các giá trị bền vững với xã hội, môi trường thông qua việc thực hiện các hành động của dự án như nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, xây dựng các bộ quy tắc ứng xử về sản xuất, tiêu dùng bền vững trong ngành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất tuần hoàn, tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị", TS Thoa nói.

Theo TS Thoa, các sản phẩm sinh thái - công bằng là nguồn sản phẩm uy tín, chất lượng, tốt cho sức khỏe. Bằng cách lựa chọn các sản phẩm này, người tiêu dùng góp phần thay đổi nhận thức xã hội và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các thế hệ sau.

Bài liên quan

Dự án Eco-fair tập trung đến một số mục tiêu cụ thể như 1.000 doanh nghiệp được đào tạo qua ứng dụng di động mobile, 200 doanh nghiệp được đánh giá nhanh về việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn, 200 sản phẩm sinh thái công bằng được thương mại hóa, các doanh nghiệp được lựa chọn để hỗ trợ trong các lĩnh vực tiếp cận tài chính xanh, phát triển sản phẩm mới và công nghệ sạch, chứng nhận sinh thái - công bằng, 500.000 người tiêu dùng nâng cao nhận thức và ủng hộ tiêu dùng bền vững…

Các doanh nghiệp tham gia dự án sẽ được đào tạo phát triển sản phẩm sản xuất bền vững, kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên; tổng quan về sản xuất bền vững đổi mới sản phẩm; thực hiện hiệu quả tiết kiệm tài nguyên và sản xuất sạch; đổi mới sản phẩm, tiêu chuẩn bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ chế biến...

TS Thoa cho biết, dự án có thể giúp các doanh nhân thủy sản sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và tiết kiệm được các phát thải ra môi trường. Thay vì chúng ta sản xuất có rác thải, phải xử lý rác thải, thì chúng ta làm sao tính toán để giảm thiểu tối đa, tức là cho con tôm con cá ăn ở mức độ, hạn chế tối đa phần rác thải ra môi trường, hạn chế phải xử lý, tiết kiệm rất nhiều chi phí. Ngoài ra, áp dụng một số công nghệ như công nghệ khử độc bằng than sinh học, công nghệ sinh học, lọc và giữ lại các chất dinh dưỡng trong nước thải chuyển hóa thành phân bón, năng lượng tái tạo hiệu quả, chi phí thấp, công nghệ enzyme để tạo ra các sản phẩm phụ từ trái cây loại bỏ (CCS)…

Một số mô hình tiêu biểu trong dự án Eco Fair đã tận dụng phế phụ phẩm một cách hiệu quả. Đơn cử như Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ TOTA (Krông Nô, Đăk Nông), dưới sự tư vấn về công nghệ từ phía các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn, sáng tạo và phát triển bền vững (CCS), đã xây dựng thành công nhà sấy năng lượng mặt trời và sử dụng nguồn năng lượng nhiệt tự nhiên. TOTA cũng áp dụng phương pháp ủ phân trung nhiệt giúp xử lý được rác thải sinh hoạt hữu cơ, tạo ra loại phân hữu cơ tốt bón cho cây trồng. Các phụ phẩm từ bã nấm được ủ phân compost từ chất thải sinh hoạt hữu cơ. Ngoài ra, sử dụng công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích tận dụng nguồn chất thải rắn làm nhiên liệu đốt, giảm lượng khí thải ra môi trường, tạo ra than sinh học cho quá trình cải tạo đất.

Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu TPH (TP.HCM) đã sử dụng xương cá hồi để làm ra những sản phẩm như dầu cá hồi cao cấp hoặc sử dụng vỏ cà phê để tạo ra trà cascara bằng công nghệ sinh học.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tận dụng thành công các phế phụ phẩm trong nông nghiệp thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hoặc các sản phẩm có giá trị gia tăng một cách hiệu quả. Một số sản phẩm phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng đã có mặt tại các hãng hàng đầu thế giới.

“Hãng thời trang Hermer của Pháp vừa cho ra đời một bộ sưu tập Made in Việt Nam và sử dụng toàn trang sức sừng với giá bán từ chục triệu lên đến trăm triệu một sản phẩm. Không biết một con bò, một con trâu, người nông dân bán được bao nhiêu tiền từ bò thịt, bò sữa, nhưng khi chúng ta sử dụng những phụ phẩm làm là sừng trâu để cung cấp cho các hãng thời trang thì giá trị cho sản phẩm đấy rất lớn.

Hy vọng, ngành nông nghiệp sẽ không chỉ có những mô hình hay mà còn nhân rộng các mô hình về phụ phẩm nông nghiệp mang lại lợi ích cho người dân và cho nền kinh tế”, TS Thoa nói.

Ông Jesus Lavina, Phó Trưởng ban Hợp tác Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, trong nhiều thập kỷ, Liên minh Châu Âu đã đi đầu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Trong khi nông nghiệp có góp phần vào phát thải khí nhà kính, nhưng đồng thời cũng như mang lại cơ hội đáng kể để chống lại các biến đổi khí hậu.

“Việc chuyển đổi hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn sẽ được hưởng lợi nhiều từ sự tương tác và hợp tác giữa nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách. Cần có những hành động cụ thể. Dự án Xúc tiến cung cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản sinh thái - công bằng tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ sẽ góp phần vào nỗ lực này”, ông Jesus Lavina nói.

Với sự hỗ trợ của dự án Eco-Fair, hạt điều Đồng Thuận của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận (Ninh Thuận) đã chuyển đổi từ hữu cơ Việt Nam sang hữu cơ quốc tế.

Hạt điều Đồng Thuận được trồng tại vùng dân tộc RagLay trên các vùng núi cao của Ninh Thuận canh tác theo phương pháp hữu cơ. Mỗi năm, HTX tổ chức thu mua hạt điều hữu cơ từ 505 hộ nông dân đã đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU với diện tích trên 1.700ha. Ngoài hạt điều hữu cơ, HTX Đồng Thuận còn hỗ trợ bà con tại huyện Bác Ái thực hiện các mô hình dự án trồng mỳ, đậu đen xanh lòng, đậu xanh, đậu đỏ, mè đen và các sản phẩm khác… thuận tự nhiên, giúp cải thiện thu nhập cho bà con vùng núi.

Định hướng của HTX Đồng Thuận đến năm 2025 sẽ chứng nhận 3.000ha cây điều hữu cơ và cung cấp cho các thị trường châu Âu và Mỹ, mỗi năm từ 2.000 - 5.000 tấn nguyên liệu khô, 500 - 1.500 tấn nhân hạt điều hữu cơ và chế biến hạt điều rang muối hữu cơ mỗi năm 15 - 50 tấn.

HTX cũng định hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường để tạo thương hiệu cho bà con bán được đến nhiều thị trường, giá cả ổn định.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất