| Hotline: 0983.970.780

Phía sau cuộc đối thoại bất thành giữa dân và Công ty Khánh Giang

Chủ Nhật 15/08/2021 , 10:12 (GMT+7)

HÀ TĨNH Người dân cố gắng trút bức xúc của mình. Chủ doanh nghiệp hoảng loạn. Kết quả thỏa thuận bất thành. Và, phía sau là những nỗi niềm cay đắng.

Người dân thôn Ngoại Xuân (An Dũng, Đức Thọ) đề nghị Công ty TNHH Khánh Giang chấm dứt vĩnh viễn việc nuôi lợn trên địa bàn do gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Ảnh: Văn Hùng.

Người dân thôn Ngoại Xuân (An Dũng, Đức Thọ) đề nghị Công ty TNHH Khánh Giang chấm dứt vĩnh viễn việc nuôi lợn trên địa bàn do gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống. Ảnh: Văn Hùng.

Doanh nghiệp nhận sai sót và di dời lợn

Tôi có mặt ở sân nhà văn hóa thôn Ngoại Xuân, xã An Dũng huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) từ rất sớm. Vì không phải thành phần nên tôi ngồi ở ghế ngoài sân, cạnh chiếc loa để vừa nghe, vừa ghi chép diễn biến cuộc thỏa thuận giữa Công ty TNHH Khánh Giang (gọi tắt là Công ty Khánh Giang) với người dân.

Đây là cuộc thỏa thuận theo chỉ đạo của ông Trần Quang Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ về giải quyết ô nhiễm môi trường do trang trại lợn Khánh Giang gây ra.

Bên trong hội trường, ngoài ghế chủ trì, ban tổ chức bố trí 25 vị trí ngồi ở phía dưới hội trường để thực hiện biện pháp phòng tránh dịch Covid-19. Do đó, cơ bản người dân ngồi ở phía bên ngoài hội trường, chủ yếu là ở sân và ngoài nhà văn hóa.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng thôn Ngoại Xuân thông báo về nội dung cuộc thỏa thuận và giới thiệu đại biểu tham dự. Tôi cố gắng nghe để ghi chép sao cho đúng họ tên, chức danh thành phần tham dự. Ngoài 25 đại diện người dân, ông trưởng thôn và ông Giám đốc Công ty TNHH Khánh Giang thì có vị đại diện cao nhất tham dự cuộc thỏa thuận này là bà Đào Thị Hải Miền, công chức môi trường xã An Dũng!  

Mở đầu cuộc thỏa thuận, trưởng thôn đọc Thông báo kết luận cuộc họp của Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ tại buổi làm việc của UBND huyện với các Sở, ngành, địa phương và Công ty Khánh Giang. Theo kết luận này, có một số điểm đáng chú ý, ở đây xin gói gọn 2 ý.

Một là, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ khẳng định, Công ty TNHH Khánh Giang đã tự ý thả nuôi nhiều đợt, đến thời điểm kiểm tra có hơn 1.600 con lợn chăn nuôi khi chưa thực hiện các thủ tục pháp lý là sai quy định.

Hai là, yêu cầu công ty tiến hành di dời 500 con lợn trước ngày 20/8, số còn lại thì họp dân, thỏa thuận với người dân, nếu người dân đồng ý thì di dời xong trước 30/9, còn không thỏa thuận được với người dân thì công ty phải di dời hết số lợn này trước 20/8/2021.

Tôi cũng hết sức để ý cái văn bản thứ hai mà ông trưởng thôn đọc. Đó là biên bản do Công an huyện Đức Thọ lập hồi 15 giờ ngày 12/8/2021. Nội dung, Công an huyện tiến hành làm việc 4/5 người dân đứng đơn ký đại diện cho nhân dân hai xã An Dũng, Thường Nga về việc cấp báo, kêu cứu, đề nghị khẩn cấp việc tự ý chuyển đổi mục đích chăn nuôi và có hành vi xả thải trực tiếp chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty Khánh Giang.

Sau khi nghe các nội dung này, từ bàn chủ trì, ông trưởng thôn đề nghị đại diện Công ty Khánh Giang là ông Đậu Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty phát biểu. Mở đầu, ông Sỹ thay mặt công ty gửi đến nhân dân lời xin lỗi và nhận sai sót, cam kết sẽ di dời số lợn này, mong bà con nhân dân lượng thứ.

Ở dưới có tiếng người phụ nữ chen ngang, đề nghị ông Giám đốc không bàn đúng, sai bây giờ nữa, chỉ đề nghị ông nói rõ lúc nào thì di dời hết lợn và có ký cam kết với người dân là sẽ không tiến hành nuôi lợn trong trại này nữa không?

Ông Đậu Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Giang nhận thấy sai, xin lỗi bà con và mong được nhân dân chia sẻ, đồng thời nói sẽ di dời hết số lợn. Ảnh: Văn Hùng.

Ông Đậu Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Giang nhận thấy sai, xin lỗi bà con và mong được nhân dân chia sẻ, đồng thời nói sẽ di dời hết số lợn. Ảnh: Văn Hùng.

Chủ trì đề nghị người dân bình tĩnh, để đại diện công ty nói. Ông Sỹ tiếp, tôi cũng sinh ra từ nông dân nên rất thấu hiểu cho tâm trạng bà con. Chúng tôi cần có thời gian để di dời đàn lợn. Việc di chuyển mấy ngàn con lợn một sớm một chiều trong bối cảnh này là rất khó khăn nên chúng tôi xin bà con tạo điều kiện để công ty tập trung giải quyết. Sau khi di dời hết số lợn này, công ty sẽ không nuôi lợn nữa. Vì trang trại giờ nuôi 1 con cũng sai rồi.

Nói rồi, ông Sỹ về chỗ ngồi. Chủ trì yêu cầu người dân giữ gìn trật tự và từng người nêu ý kiến ngắn gọn, ý kiến sau không trùng lắp người trước để ghi nhận được nhiều ý kiến. Bên ngoài sân có tiếng vọng vào, đề nghị ông trưởng thôn dành cho chúng tôi phát biểu với, khổ sở lắm rồi.

Rất nhiều người dân lên tiếng. Chung quy thì các ý kiến tập trung vào 3 ý, xin gói gọn: Yêu cầu công ty di dời hết số lợn đang nuôi tại trang trại ra khỏi địa bàn theo chỉ đạo của UBND huyện; ký cam kết với người dân sẽ không hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý cho việc nuôi lợn tại đây; có biện pháp khắc phục…

Ô nhiễm môi trường giết chết con người một cách thầm lặng

Trong số các ý kiến của người dân, có một vài ý kiến tôi nghĩ nên ghi ra để mọi người nắm được, nhất là những vị quan chức lẽ ra hôm nay họ phải có mặt ở đây để cùng lắng nghe, thấu hiểu cho dân, chia sẻ với doanh nghiệp.

Tôi để ý đến phát biểu của ông Võ Trọng Tạo. Cầm micro lên, ông Tạo nói, từ năm 2018-2019 tôi là Bí thư Chi bộ đã có ý kiến xung quanh ô nhiễm môi trường của trang trại Khánh Giang rồi nhưng từ xã đến huyện không có ai tiếp thu, xử lý cả.

Đến 2021, doanh nghiệp lại đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, tăng số lượng lợn nuôi tại đây khiến ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn. Mọi người đều biết, dân chúng kêu như thế nhưng không cấp ngành nào giải quyết. Mãi đến khi báo chí lên tiếng mạnh, chuyển tải được ngay trong nội tại của trang trại và nỗi bức xúc của đảng viên, người dân hai xã thì mới có động thái của chính quyền. Và hôm nay, cũng chỉ có dân và doanh nghiệp ngồi với nhau đây thôi.

Tiếng ông Tạo như nghẹn khi nhắc đến cảnh con ông bưng bát cơm lên “bố ơi, đưa cơm vào mồm mà như phân lợn”, đau xót lắm bà con ạ, ông Tạo không nói thêm.

Ông Tạo ngồi xuống, nhiều cánh tay giơ lên. Ai cũng muốn được nói lên mong muốn của mình. Ông Phạm Văn Học, một đại diện người dân đứng đơn gửi các cấp chính quyền lên tiếng, không thể đánh đổi tính mạng con người được nữa. Nếu không giải quyết dứt điểm thì nó ác lắm, nó sẽ bào mòn hết sức khỏe chúng ta và con cháu chúng ta.

Cũng như ông Học, ông Trần Viết Trọng, ngồi cạnh đứng lên nêu ý kiến. Doanh nghiệp thách thức dân chúng tôi quá. Chúng tôi kêu gào như thế nhưng doanh nghiệp vẫn tiến hành xây thêm chuồng trại, vẫn tăng cường lợn vào khu chăn nuôi. Vì thế, trước sự đau khổ của nhân dân thì không thể kéo dài thêm ngày nào nữa.

Như để giải tỏa phần nào, ông Giám đốc Công ty Khánh Giang đứng lên cho biết, hiện công ty đã ký được với một đối tác ở Nghệ An, chiều nay họ sẽ vào trang trại mua lợn. Phía công ty cũng đang nỗ lực để từng bước di dời số lợn này. Mong bà con chia sẻ.

Tôi quan sát, thấy dân chúng đến càng đông. Mặc dù thôn cho phát trực tiếp cuộc thỏa thuận này trên loa phóng thanh để nhân dân theo dõi nhưng bà Phú, ngồi cạnh tôi nói, ở nhà không yên chú ạ. Phải đến đây để thấy cái mặt mũi ông Giám đốc như nào mà dân chúng kêu gào bao lâu nay không hề thấu hiểu cho nỗi khổ của dân.

“Có ông quan nào trên tỉnh trên huyện về dự không chú”, bà Phú hỏi, tôi đáp, chỉ có cô Miền, công chức môi trường xã An Dũng dự. Bà Phú thở dài, thế thì không đi được đến đâu đâu.

Thật, chẳng có việc gì mà dân không biết.

Như nhiều lần tôi viết, Công ty TNHH Khánh Giang có thể che được mắt chính quyền nhưng không thể bịt được mắt, mũi, tai của người dân. Ngay cái việc gửi đơn khiếu kiện, đến tổ chức đấu tranh đòi giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường suốt bao lâu nay, người dân hết sức ý thức tuân thủ pháp luật.

Người dân bất bình trước việc đại diện Công ty TNHH Khánh Giang không ký vào biên bản buổi làm việc cũng như không thể hiện sự thiện chí trong việc chấp thuận đề nghị của nhân dân. Ảnh: Văn Hùng

Người dân bất bình trước việc đại diện Công ty TNHH Khánh Giang không ký vào biên bản buổi làm việc cũng như không thể hiện sự thiện chí trong việc chấp thuận đề nghị của nhân dân. Ảnh: Văn Hùng

Sau gần 3 giờ đồng hồ, cuộc thỏa thuận giữa người dân thôn Ngoại Xuân và doanh nghiệp Khánh Giang bất thành. Ba điểm chính trong nội dung kiến nghị của người dân đã không được ông giám đốc đồng ý và rồi, ông Đậu Tiến Sỹ cũng không ký vào biên bản buổi làm việc.

Nói như ông trưởng thôn, sau khi đã thông qua biên bản rằng, Công ty Khánh Giang đi từ sai phạm này đến sai trái khác.

Sự cô đơn của ông giám đốc

Cuộc thỏa thuận coi như bất thành. Tôi nhìn thấy vẻ mặt thất thần, cô đơn của ông Giám đốc Công ty Khánh Giang. Người dân, có người ra về, có người nán lại bàn tán. Tôi tiến lại gần gặp ông Đậu Tiến Sỹ.

Giới thiệu với ông về mình, tôi đề đạt muốn được nghe thêm chia sẻ của ông và chỉ gói gọn trong nội hàm là khó khăn lúc này của doanh nghiệp và điều cay đắng của ông.

Ông Sỹ trao tôi một bản báo cáo. Ông nói, cái này tôi đã trình bày tại cuộc họp của UBND huyện, trong đó nêu một số khó khăn và lúc phát biểu trước dân tôi cũng đã nêu.

Đó là, ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp cứng rắn trong phòng dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động chăn nuôi. Mặt khác, giá lợn hơi giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng, có nhà máy thông báo tăng giá đến 8-9 lần khiến người nuôi giảm đàn.

Đã có lúc ông Đậu Tiến Sỹ (giữa) cô đơn trước sức mạnh của nhân dân. Ông chia sẻ không tìm thấy một điểm tựa tinh thần nào tại cuộc làm việc. Ảnh: Văn Hùng.

Đã có lúc ông Đậu Tiến Sỹ (giữa) cô đơn trước sức mạnh của nhân dân. Ông chia sẻ không tìm thấy một điểm tựa tinh thần nào tại cuộc làm việc. Ảnh: Văn Hùng.

Phía công ty có trang trại lợn nái 1.200 con ở Thị xã Hồng Lĩnh. Với chu kỳ đẻ thì một tháng cho ra hơn 2.000 con giống, mỗi năm có 25.000 con giống. Đầu năm lại nay, tiêu thụ giống khó khăn, bí quá, công ty đưa lợn giống lên đây nuôi nên mới xảy ra việc như thế. Khó khăn là vậy nên mong có thời gian để di chuyển đàn lợn, còn một sớm một chiều để tống cả mấy ngàn con lợn đi ngay là không khả thi.

Thế còn điều cay đắng là gì thưa ông? - PV hỏi.

Tôi sẽ nói hết phần nào nhưng anh chuyển tải sao cho hợp lý chứ doanh nghiệp đã khổ rồi đừng để bị đè nén nữa vất vả lắm.

Ngay như trong cuộc thỏa thuận hôm nay với người dân, anh thấy đấy, tôi rất cô đơn. Trước sức mạnh của nhân dân và nhiều ý kiến của dân khiến tôi bị hoảng loạn. Tôi nhìn trước, ngó sau, xung quanh để tìm một điểm tựa dù chỉ chút tinh thần thôi cũng chẳng có ai cả. Đáng ra trong cuộc này phải có đại diện của chính quyền, ngành chuyên môn, chí ít là cấp huyện. Họ có thể vừa lắng nghe vừa trung gian cho chúng tôi có điểm tựa niềm tin. Nhưng rồi, cả tôi và người dân như cảnh đem con bỏ chợ. Đến giờ tôi vẫn thấy cô đơn.

Anh biết đấy, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, thị xã Hồng Lĩnh rồi tiếp đến huyện Đức Thọ kêu gọi chúng tôi đầu tư để có mô hình trang trại chăn nuôi quy mô. Tôi và các con tôi, cả con gái, con rể chúng làm ăn ở nước ngoài về, tích góp được bao nhiêu là dồn hết vào đây. Đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng rồi nhưng nói có thể anh không tin, trang trại này chưa nhận được một nghìn đồng hỗ trợ của Nhà nước.

Khi trang trại hiện hữu với quy mô như thế, biết bao đoàn về đây tham quan. Từ người cao nhất tỉnh đến lãnh đạo chủ chốt của huyện, các ngành, địa phương đến đây ghi nhận, đánh giá.

Vậy mà khi doanh nghiệp gặp phải sự cố như này thì một mình doanh nghiệp đứng ra tự giải quyết. Tôi rất thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân vì chính tôi có lúc đến trang trại cũng cảm nhận được mùi hôi ấy. Và những ngày qua tôi đang làm những gì có thể để hạn chế mùi hôi này, cùng với đó là di chuyển đàn lợn.  

Tôi và nhiều người đã đọc các bài viết của anh xung quanh câu chuyện này. Lẽ ra lúc này tôi không nói gì với anh vì tôi tin anh vẫn sẽ nói tất cả những gì ý dân. Song trước đề nghị của anh muốn nghe lời tâm can của mình về những khó khăn và cay đắng như anh đặt vấn đề thì tôi chia sẻ với anh như thế.

Đúng là không thể diễn tả nỗi sự cô đơn và cay đắng của mình lúc này. Anh theo dõi rồi sẽ biết, chẳng bao lâu nữa đâu, khi nhiều doanh nghiệp dừng chăn nuôi, tỉnh, huyện lại đến tìm những người như chúng tôi mà đặt vấn đề đầu tư nuôi lợn. Đơn giản là chỉ những người dám bỏ tiền túi ra đầu tư thì mới thấm thía các giá trị.

Trước khi ra về, ông nói thêm, có lẽ vài năm tới tôi sẽ nghỉ ngơi mà không bàn gì đến nuôi lợn nữa. Thấy mệt mỏi lắm rồi!

Rốt cuộc, nỗi "cay đắng", "mệt mỏi" của ông chủ doanh nghiệp và bức xúc của người dân sẽ mãi như hai đường thẳng song song nếu như họ cùng rơi vào bi kịch bị "đem con bỏ chợ" của những người có trách nhiệm.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.