Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp giết mổ và chế biến thịt là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Virus xuất hiện tại ít nhất 167 nhà máy, khiến hơn 9.400 người, chủ yếu là công nhân, lây nhiễm. Không dưới 45 công nhân thiệt mạng, theo thống kê từ các phương tiện truyền thông.
Báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ và các quan chức y tế cho biết, có tới 18% công nhân trong các nhà máy thịt và gia cầm bị nhiễm virus Corona ở Iowa và Nam Dakota, trong khi Pennsylvania và Nebraska chiếm 1/4 các trường hợp công nhân mắc Covid-19 trên toàn nước Mỹ.
CDC công bố báo cáo khi Smithfield Food, một trong những người khổng lồ của ngành công nghiệp thịt, bắt đầu mở lại nhà máy chế biến thịt lợn từng là một điểm nóng virus Corona vài tuần trước.
Theo đó, không dưới 38 nhà máy đóng gói thịt phải ngừng hoạt động tại một số thời điểm kể từ khi bắt đầu đại dịch. Một số nhà máy đóng cửa trong nhiều tuần. Có lẽ sắp tới sẽ có thêm nhiều nhà máy tiếp tục phải đóng cửa.
Theo báo cáo thu nhập hàng quý của hãng Tyson Foods, một trong những công ty đóng gói thịt lớn nhất của Hoa Kỳ, công bố hôm 4/5, họ dự kiến sẽ đóng cửa thêm các nhà máy vì ít lao động và “đây là lựa chọn tối ưu mà chúng tôi thực hiện để đảm bảo an toàn cho công nhân”.
Nhà máy chế biến đóng cửa đồng nghĩa với nông dân không có nơi nào giết mổ hay chế biến động vật. Hệ quả là họ buộc phải giết bỏ vật nuôi của mình. Nhưng lỗi giết bỏ vật nuôi không thuộc về nông dân mà mà là lỗi của các công ty sở hữu chúng, như khẳng định trong một bài chuyên mục trên Civil Eats.
Theo hợp đồng, nông dân không sở hữu những con vật mà họ nuôi, dẫn tới không thể đơn giản tìm một thị trường mới cho chúng.
Thực tế là nông dân không được quyền lựa chọn thị trường. Nếu công ty yêu cầu họ tiêu hủy toàn bộ vật nuôi tại chỗ, họ cũng vẫn phải làm theo, ngay cả khi tủ lạnh của người tiêu dùng trống không.
Ngày 25/4, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố kế hoạch để Cục Dịch vụ kiểm tra sức khỏe động vật và thực vật (APHIS) làm việc với nông dân tìm thị trường mới, hoặc tiêu hủy và xử lý động vật mắc kẹt trong chuỗi cung ứng.
Kế hoạch này hỗ trợ quá ít và quá muộn cho những gia đình nông dân luôn phụ thuộc vào các công ty để giải phóng vật nuôi trong chuồng.
USDA từng thất bại nhiều lần trong hơn một thập kỷ qua khi không thể thiết lập biện pháp bảo vệ cơ bản cho nông dân trong những hợp đồng với các hãng chế biến thực phẩm lớn.
Hệ quả của chuỗi nhà máy, nhà hàng và quán ăn tự phục vụ đóng cửa để lại là các hợp đồng treo không thể thực hiện, và thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm thay thế trong siêu thị.
Do đó, kể cả khi chuỗi cung ứng thoát khỏi sự gián đoạn, quay trở lại bình thường, những người nông dân nuôi gà, lợn và bò vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị phá sản.
Tiêu hủy đàn lợn, bò và gà có thể có nghĩa là phải giết chết hàng triệu động vật khỏe mạnh. Đến nay, gần 2 triệu động vật đã bị tiêu hủy.
Một ước tính từ Iowa cảnh báo rằng nông dân có thể được yêu cầu tiêu hủy 700.000 con lợn mỗi tuần do nhà máy chế biến ngừng hoạt động.
Điều gì xảy ra với động vật chết? Nông dân không có lựa chọn tốt nào ngoài đốt, chôn. Chôn tới 70.000 xác lợn mỗi ngày, hoặc thậm chí nghiền chúng thành bụi đều có thể gây hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng cho không khí và nguồn nước trong môi trường xung quanh.
Điều gì xảy ra với các công nhân, bây giờ bị buộc quay trở lại các nhà máy theo lệnh của Tổng thống?
Các cuộc phỏng vấn với công nhân chế biến gia cầm ở Georgia, Arkansas và Mississippi, cho thấy những cơ sở được điều hành bởi một số nhà sản xuất thực phẩm lớn nhất ở Mỹ đều mắc lỗi bất cẩn, bí mật và quản lý sai lầm.
Trong hơn một thế kỷ, ngành công nghiệp đóng gói thịt là điển hình cho cách thức các tập đoàn có thể khai thác công nhân dưới danh nghĩa lý do hiệu quả. Vụ dịch Covid-19 đã mở ra một chương khác.
Tại sao đại dịch phát triển mạnh trong các nhà máy thịt? Nguyên nhân là do một loạt các rối loạn chức năng, từ sự trỗi dậy của các công ty kinh doanh nông nghiệp khổng lồ cho đến thiếu sót quy định pháp lý của bang, và sự bóc lột tầng lớp lao động nhập cư, dễ bị tổn thương.
Các cuộc kiểm tra của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe lao động (OSHA) từ lâu đã trở thành trò cười. Tiền phạt thường chỉ vài nghìn USD, quá nhỏ đối với những tập đoàn có lợi nhuận hàng tỷ USD.
Virus rất dễ lây lan trong cộng đồng công nhân lương thấp do hoàn cảnh sống cũng như điều kiện làm việc.
Nhân viên bị bệnh khiến việc sản xuất bị chậm lại ngay cả khi một số cơ sở mở cửa trở lại, và các cửa hàng tạp hóa từ Công ty Kroger đến Costco Wholesale Corp đang hạn chế số lượng hàng bán cho khách hàng trong mỗi lần đi mua sắm. Thậm chí, công ty Wendy đã bỏ bánh mì kẹp thịt khỏi một số thực đơn.
Giá thịt bò và thịt lợn bán buôn đã tăng hơn 20% kể từ cuối tháng Tư. Sự thiếu hụt nguồn cung và giá cả tăng cao nhấn mạnh những thách thức của việc nhanh chóng khắc phục chuỗi cung ứng thịt bị gián đoạn của Mỹ.
Tuy nhiên, sắc lệnh hành pháp lịch sử mà Tổng thống Trump đưa ra không phải vì lí do lợi ích của người nuôi hay người tiêu dùng mà là vì lợi ích của ngành công nghiệp chế biến thịt.
Kể từ khi các lò mổ trở thành điểm nóng virus Corona, ngành công nghiệp chế biến thịt đã yêu cầu chính quyền Trump giúp đỡ.
New York Times đưa tin những công ty như Tyson Foods từng tham gia vào hoạt động vận động hành lang để có được những trợ giúp như mong muốn.
Tổng thống Trump cuối cùng trao cho các công ty thịt những gì họ muốn - một tuyên bố rộng rãi rằng việc giết mổ và chế biến thịt bò, thịt gà và thịt lợn là “một cơ sở hạ tầng quan trọng”, và các cơ quan liên bang sẽ đặt ra những tiêu chí để đảm bảo an toàn cho người lao động giữa đại dịch.
Thậm chí, Tổng thống Trump viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để bắt buộc các nhà máy chế biến thịt mở cửa.
Với một động thái như vậy, Trump dù không nói rõ ràng nhưng đang thể hiện sự khinh miệt đối với cả người lao động.
Bằng cách can thiệp trực tiếp vào cuộc khủng hoảng chuỗi thức ăn, chính quyền Trump đã và đang chính trị hóa triệt để những điều kiện sản xuất thực phẩm.