| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở Háng Phừ Loa

Thứ Hai 17/02/2025 , 06:37 (GMT+7)

YÊN BÁI Nhắc đến Mù Cang Chải, là người ta thường hình dung ngay đến những thửa ruộng bậc thang đẹp mê mẩn, mà ít ai hiểu rõ đời sống của người dân vùng cao.

Những thửa ruộng bậc thang của bản Háng Phừ Loa mùa nước đổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những thửa ruộng bậc thang của bản Háng Phừ Loa mùa nước đổ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những ngày cuối năm Giáp Thìn, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có chuyến điền dã dài ngày, "ba cùng" với đồng bào người Mông ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Những bộ trang sức 15-30.000 đồng

Háng Phừ Loa thuộc xã Mồ Dề, chỉ cách trung tâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái chừng 6-7 km, đường ô tô khá tốt về tận bản thế mà lại chưa có điện. Chỉ vào chiếc cổng lớn bên trên lợp mái pơ mu, bên dưới có dòng chữ: "Bản Háng Phừ Loa chúng ta chung tay xây dựng nông thôn mới”, Mùa A Chống -  Bí thư bản giới thiệu rằng đó là kết quả của việc người dân đóng góp 26 triệu đồng và hơn 200 ngày công. Bản có 74 hộ, năm 2023 có 48 hộ nghèo nhưng phấn đấu lên nông thôn mới nay chỉ còn 27 hộ nghèo.

Ngôi nhà vách gỗ, nền đất, không có cửa sổ, lúc nào cũng tối lờ mờ là của vợ chồng Giàng A Bờ Lấu 28 tuổi và Lý Thị Pàng 26 tuổi. Lấu học xong lớp 12 nhưng vẫn rụt rè khi tiếp xúc với người lạ, vợ anh lại càng rụt rè hơn. Họ nói tiếng Kinh không sõi nên phải có Bí thư bản phiên dịch.

Tôi hỏi không có điện ảnh hưởng đến cuộc sống thế nào, cả hai đều cười trừ khiến Bí thư bản phải trả lời thay là không có máy giặt, máy nấu cơm (nồi cơm điện), máy băm cỏ, máy nghiền… Khoảng 20 - 30% hộ trong bản có bếp gas, còn lại đều đun củi. Nhà nào đống củi trước hiên càng to thì khó khăn càng nhiều. Chuẩn bị Tết vợ chồng Lấu phải đi mấy cây số lên rừng lấy củi mất 2-3 ngày.

Bí thư bản nói chuyện với vợ chồng Giàng A Bờ Lấu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bí thư bản nói chuyện với vợ chồng Giàng A Bờ Lấu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh giải thích mình thuộc hộ cận nghèo, không có sổ tiết kiệm, vàng, tài khoản ngân hàng, mỗi vụ làm ruộng chỉ được 20-30 bao thóc, trâu bò không có dư mà bán, nguồn thu duy nhất của gia đình 7 người là thảo quả. Năm nay thảo quả mất mùa, hồi tháng 10 anh bán 20 kg được 2 triệu đồng, mua muối, mua mì chính rồi tiêu từ đó đến nay chỉ còn đúng 1,4 triệu đồng. Dịp Tết này anh sẽ dành 500.000 đồng để mua cho mỗi đứa con 2-3 bộ quần áo, 100-200.000 đồng mua giấy, hương làm lễ, 100.000 đồng mua dầu hỏa thắp sáng, 200-300.000 đồng mua 1-2 kg thịt vì lợn vừa rồi chết dịch mất 7 con. 

Mấy năm nay vợ chồng anh không mua quần áo mới, xe máy thì 15-20 ngày mới đổ xăng một lần còn chủ yếu là đi bộ. Năm ngoái anh đi làm thuê 2 tháng trong mỏ quặng ở xã La Pán Tẩn được 10 triệu đồng, sau Tết này sẽ phải đi tiếp dù rất sợ hầm tối.  

Những tia sáng lọt qua khe hở của vách gỗ bắt vào chiếc vòng cổ, vòng tay mà vợ Lấu đang đeo khiến chúng lấp lánh lạ thường. Tết năm ngoái bán thảo quả được 6 triệu đồng, sau khi mua giống, mua phân bón anh vào chợ thị trấn mua cho vợ 1 chiếc vòng cổ giá 30.000 đồng, 2 chiếc vòng tay mỗi chiếc giá 15.000 đồng. Tết này chẳng có tiền đã đành mà gia đình còn đang vay 12 triệu đồng để chữa bệnh cho em trai đi chăn trâu bị ngã. 7 năm trước bố của Lấu đi đám cưới về nôn ra máu chưa kịp đưa ra viện đã chết. Trước đó ông bị ho nhiều, bụng căng, do không có tiền chữa nên phải bỏ viện về dở chừng.

Chiếc vòng trị giá 30.000 của vợ anh Giàng A Bờ Lấu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chiếc vòng trị giá 30.000 của vợ anh Giàng A Bờ Lấu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bữa trưa được dọn ra với một nồi cơm và một nồi canh rau cải. Trung bình mỗi tháng gia đình Lấu có 2-3 bữa thịt là gà hay ngan tự nuôi. Đi 3 nhà ở Háng Phừ Loa tôi đều thấy những bữa cơm tương tự. Chống xác nhận khoảng 90% bữa cơm hàng ngày của dân bản đều là cơm và rau cải, trung bình mỗi tháng có 2-3 bữa thịt.

Bà Mùa Thị Là hơn 60 tuổi thuộc diện hộ trung bình, nhà khác biệt với nhà Lấu ở cái nền láng xi măng. Lúc tôi đến chồng bà đang chăn trâu trên núi, còn 2 con trai đang đi làm phu hồ ở Hà Nội chưa biết được bao nhiêu tiền vì chủ thầu vẫn chưa trả. Không điện nên bà phải nghiền ngô bằng tay, nấu cơm bằng củi. Mỗi tháng trung bình gia đình bà có 1-2 bữa thịt lợn hoặc cá đông lạnh.

Trên cổ của bà cũng có chiếc vòng kim loại sáng lấp lánh được mua với giá 30.000 đồng. Người Mông đeo vòng ngoài làm trang sức còn để trừ tà. Mỗi năm họ thường mổ lợn, mổ gà để trừ tà một lần, tốn ít nhất 500.000 đồng cho thầy cúng chưa kể mua hương, mua giấy, mua thịt. Bà Là “vía yếu” nên dịp cuối năm cứ mong mãi 2 đứa con trai làm phụ hồ ở Hà Nội mang tiền về để làm cúng.

Không có điện, bà Mùa Thị Là phải xay ngô bằng tay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không có điện, bà Mùa Thị Là phải xay ngô bằng tay. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gia sản của hộ giàu và hộ nghèo  

Háng Phừ Loa có hơn 10 hộ giàu. Chủ hộ Mùa A Hờ 36 tuổi thường nhận được số điểm cao trong các kỳ bình xét của năm. Gia đình 4 khẩu của anh sống trong ngôi nhà vách gỗ có nền xi măng và tài sản đáng giá nhất là 5 con trâu trị giá khoảng 100 triệu đồng. Không vay ai nhưng cũng không có tiền tiết kiệm, vụ rồi anh bán thảo quả được 10 triệu đồng thì mua vật liệu làm chuồng trâu gần hết nên chẳng sắm gì cho cái Tết này. Mỗi tuần gia đình anh có 1-2 bữa thịt hay cá.

Không có điện lưới, Hờ phải chung với 2 hộ khác để mua 1 máy phát điện chạy bằng sức nước. Mỗi năm mất vài tháng vào mùa lấy nước cấy thì điện chỉ đủ cho mỗi nhà sạc 1 điện thoại, còn mùa này ngoài sạc 1 điện thoại còn đủ thắp 1 bóng 6 oát nữa nhưng cũng rất chập chờn nên hay bị cháy.

Mùa A Hờ cho đàn lợn đen ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mùa A Hờ cho đàn lợn đen ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Háng Phừ Loa có 47 ha ruộng bậc thang. Những thửa ruộng bậc thang đẹp mê mẩn nhưng không có điện nên không thể quảng bá, thu hút được khách du lịch thành ra dân bản chỉ để lấy thóc ăn chứ không thể “bán” được cảnh đẹp, “bán” được mùi hương, “bán” được cảm xúc cho người phố thị.

Trưa hôm đó tôi ngồi ăn trong nhà của Bí thư bản. Cũng như bao nhà người Mông khác nó không có cửa sổ. Gió lạnh thổi ù ù nên Chống phải đóng cái cửa ngách lại để tránh những luồng bụi đất đỏ thốc vào nhà. Đã 4 tháng nay, kể từ bão Yagi trời không đổ mưa, đất cứ bở tơi như bột bánh khảo, cây cối héo khô cả.

Trong gian bếp chúng tôi lặng lẽ và cơm. Ngọn đèn điện nước tỏa ánh sáng nhợt nhạt trên những mặt người. Một bữa ăn cũng giống như bao hộ khác gồm cơm và canh rau cải. Chống tâm sự, giờ gia đình chỉ còn 1,1 triệu đồng và vẫn còn khoản nợ hơn 100 triệu đồng do làm nhà.

Những ngày nắng như thế này ông Giàng Bùa Măng 50 tuổi-chủ một hộ nghèo lại lê đôi chân phù nề ra ngồi trước hiên nhà sưởi và vót nỏ. Ông bị xơ gan cổ trướng đã 5 năm nay không đi lại được. Gia cảnh càng gieo neo hơn khi người con trai thứ bị xương khớp cũng chỉ ngồi một chỗ. Hai bố con được nhận trợ cấp tàn tật tổng khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Lúc tôi đến người con trai cả và con dâu đang đi lấy củi trên rừng, còn bà vợ ông thì lúi húi nhóm bếp bằng mớ đóm được chẻ ra từ rễ pơ mu. Khói tỏa mịt mù, thơm mùi tinh dầu.

Ông Giàng Bùa Măng đang vót nỏ ngoài sân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Giàng Bùa Măng đang vót nỏ ngoài sân. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nếu nấu bếp củi mỗi bữa mất hơn 1 giờ thì nấu bếp điện chỉ mất 15-20 phút. Nếu giặt bằng tay cứ 3-4 ngày lại mất 1 lao động làm 1 buổi thì giặt máy chỉ mất 1 phút bỏ vào là xong. Việc sinh hoạt là thế, việc sản xuất lại càng cần điện hơn. Không có điện 5 giờ sáng nhà ông Măng phải mất 2 lao động đi nghiền ngô, 1 lao động đi băm chuối tới 7 giờ mới xong, tối lại phải làm những công đoạn cực nhọc cũng bằng thời gian ấy.

Chống bảo: Ban đêm không có điện cứ như người mù ấy nên nhìn những bản có điện mà thèm. Nhiều lần họp trên xã, huyện, tôi kiến nghị mãi và mới được đưa vào kế hoạch năm 2025-2030. Vì sự khát điện của dân Háng Phừ Loa nên tôi quyết định phải đến một bản có điện vào buổi tối để trải nghiệm xem thế nào. (Còn nữa).

Không có điện thành ra không tivi để xem, không đài để nghe nên kiến thức mới không biết đã đành mà giờ hỏi bây giờ ai đang làm Chủ tịch, Bí thư xã ông Măng cũng “chi bâu”- tức là không biết.

Xem thêm
Kiện toàn nhân sự Chính phủ, Quốc hội

Ngày 18/2/2025, theo chương trình, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và làm việc về công tác nhân sự.

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở ĐBSCL và TP. HCM

Thủ tướng yêu cầu triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn phù hợp với thực tế từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Đầu tư gần 40.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP. HCM - Mỹ Thuận

ĐBSCL Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 39.800 tỷ đồng, với chiều dài hơn 96km. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024-2028.

Bình luận mới nhất