| Hotline: 0983.970.780

Phiến đá cổ nghìn tuổi ở quê lúa và bài học về 'hòn đá nặng'

Chủ Nhật 18/02/2024 , 10:45 (GMT+7)

Phiến đá cổ ngàn tuổi của vùng quê Đồng bằng Bắc bộ lưu giữ những bí ẩn chưa có lời giải đáp. Nó được coi là báu vật tinh thần vô giá của dân làng.

Nơi lưu giữ phiến đá cổ của người dân làng Bái (xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ảnh: K.Trung.

Nơi lưu giữ phiến đá cổ của người dân làng Bái (xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ảnh: K.Trung.

Phiến đá cổ ngàn tuổi trên quê lúa

Làng Bái (xã Đông Hợp, Đông Hưng, Thái Bình) là ngôi làng cổ thuần nông vùng quê lúa. Trong các văn bản hành chính, nó có tên là làng Long Bối, hiểu nôm na là “bảo bối rồng”.

Thời phong kiến, cùng những làng cổ khác như làng Cốc, An Bài, Phong Lôi, làng Nguyễn… làng Bái là một mảnh ghép của phủ Đông Quan trong bộ máy hành chính cũ, tham gia cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa. Mảnh đất thuần nông dẫu lam lũ vẫn sản sinh ra những di sản văn hóa đầy tự hào, là cái nôi của chiếu Chèo, múa rối nước, những nghề truyền thống canh cửi, thêu thùa, dù bây giờ đã mai một nhưng trong những cuốn dư địa chí, chắc chắn đã được nêu danh.

Bên cạnh những tài sản phi vật thể ấy, làng Bái đang sở hữu phiến đá cổ được coi là một “báu vật”. Nó nằm ở phần cuối làng, mé sau chùa, xung quanh là những nổi nênh sông nước: con sông đào tưới tiêu cho cánh đồng Chùa, một bên là ao Chùa và chiếc ao lớn khác có tên ao Rối. Chỉ những ngày mùa vụ mới có người qua lại trên con đường cụt, cũng vì thế phiến đá cổ ít có dịp chạm mặt người.

Theo những người già làng Bái, phiến đá cổ là nơi chứa đựng nhiều điều bí ẩn đến nay chưa được giải mã. Phiến đá dài chừng 2m, rộng chừng 1m, dày hơn gang tay, nằm yên ắng trên hai mố đỡ xây bằng gạch mỏng bản – thứ gạch xuất hiện trong những ngôi mộ cổ có từ thời Hán vẫn được giới khảo cổ khai quật. Giữa một vùng đồng bằng rộng lớn không có lấy một mỏm núi đất chứ chưa nói gì đến núi đá, sự xuất hiện và tồn tại của phiến đá kích cỡ lớn nhường ấy, đã là một điều kỳ lạ.

Phiến đá cổ tuổi đời ngàn năm tại vùng quê Thái Bình. Ảnh: TL.

Phiến đá cổ tuổi đời ngàn năm tại vùng quê Thái Bình. Ảnh: TL.

Kỳ bí hơn, trên mặt của phiến đá, người ta vẫn còn nhận thấy một vết lõm sâu trên bề mặt theo tư thế người quỳ một chân. Kế bên chừng 30cm, một vết lõm khác xuất hiện vẫn ở vị trí mép phiến đá, vừa vặn một bàn tay người trưởng thành tra vào theo động tác đang móc/lấy một đồ vật gì đó từ bên trong ra.

Câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác, phiến đá là nơi cất giữ kho báu của người Tàu. Khi về cố quốc, ông thầy Tàu đã dùng phép thuật lấy nó đi, để lại hai vết lõm sâu đầy ẩn ý khiến bao thế hệ dân làng đến nay vẫn còn ngơ ngác. Vết lõm còn lại trên phiến đá chính là tư thế quỳ gối, một tay móc vàng của người xưa để lại. Tuy nhiên, đối với một phiến đá khổng lồ liền khối, bề mặt rất cứng như thế, một người bình thường không thể đủ sức khỏe hay “vận công” để có thể tạo thành vết lún sâu như vậy.

Điều đặc biệt, trên hai mố cầu là bệ đỡ phiến đá được ghép bằng những viên gạch cổ có tuổi đời ngàn năm tuổi, xếp so le nhau và gắn kết bằng một chất kết dính đặc biệt: mật ong trộn với bột giấy và vôi, thứ hợp chất càng để lâu càng bền, chắc chắn hơn bất cứ loại xi măng, bê-tông cốt thép nào bây giờ.

Ông Đỗ Văn Thoan – người dân xóm Chùa, kể chuyện: thuở còn nhỏ, ông đã nhiều lần ngụp lặn tại chiếc ao Rối để tìm hiểu về hai mố đỡ phiến đá. Trong trí nhớ của ông, lần từ dưới lần lên, hai mố gạch cao chừng 2m, xây thẳng đứng. Một bên mố có một khe hở giữa hàng gạch, người xưa đặt vào đó một khối đá hình trụ, to cỡ bắp chân người lớn, không rõ dụng ý, bởi bờ tường gạch sao không xây liền khối, lại tách ra một khoảng để đặt trụ đá nói trên?

Ông Phạm Văn Tuấn (xóm Chùa) biểu diễn tư thế một chân quỳ gối, tay trái đặt vào vị trí gắn với câu chuyện thầy Tàu giấu kho báu bên trong phiến đá. Ảnh: TL.

Ông Phạm Văn Tuấn (xóm Chùa) biểu diễn tư thế một chân quỳ gối, tay trái đặt vào vị trí gắn với câu chuyện thầy Tàu giấu kho báu bên trong phiến đá. Ảnh: TL.

Người làng đặt giả thuyết, công trình cổ xưa ấy chính là vật trấn yểm để giữ phong thủy cho làng. Giả thuyết ấy càng trở nên chắc chắn khi trên bề mặt phiến đá cổ có những ký tự đặc biệt, giống chữ Hán được chạm khắc theo hàng lối. Do thời gian, mưa nắng bào mòn, nhiều ký tự đã bị mờ, không nhận rõ nét chữ. Khi lấy nước dội lên trên bề mặt phiến đá, những ký tự ấy mới nổi lên rõ rệt.

Nhiều bậc túc nho của làng thạo chữ Nho đã từng ra phiến đá mong giải mã được bức thông điệp của người xưa để lại, nhưng không dịch được nghĩa, bởi những ký tự này rất kỳ lạ, không phải là chữ Hán cũng không phải là chữ tượng hình. Họ đồ rằng, đó là loại chữ cổ, khởi thủy của chữ Hán, sau này mới được cải tổ nhiều lần cho đến tận bây giờ.

Có nhiều lý giải được đưa ra, nhưng không ai có cơ hội kiểm chứng những giả thuyết trên. Cho nên, câu chuyện thấm đẫm liêu trai, kỳ bí như một lớp màn mỏng bao phủ phiến đá suốt bao nhiêu năm qua.

Thời kỳ những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào hợp tác xã sôi động miền Bắc. HTX nông nghiệp giao khoán cho thanh niên, trai tráng trong làng di dời phiến đá này ra kê ở cống U để làm cầu đi lại. Hàng chục thanh niên khỏe mạnh mang theo đòn càn, con lăn, kết bè… lặn ngụp dưới ao Rối tìm cách di chuyển phiến đá. Đám thanh niên đóng bè chuối kết bằng những cây chuối hột, dùng chão cày bừa của hợp tác vòng vào phiến đá kéo đi nhưng nó không suy suyển. HTX phải mất cả chục công điểm quy theo thóc cho mỗi người dù việc không thành.

Những văn tự cổ bên trên bề mặt phiến đá cổ...

Những văn tự cổ bên trên bề mặt phiến đá cổ...

...Và hai vết lõm trên cạnh phiến đá gắn với câu chuyện người ở tư thế quỳ chân và tay trái móc đồ vật giấu bên trong phiến đá.

...Và hai vết lõm trên cạnh phiến đá gắn với câu chuyện người ở tư thế quỳ chân và tay trái móc đồ vật giấu bên trong phiến đá.

Mấy năm sau, dân làng lấy sức người dời phiến đá ra ao đình, cách ao Rối non cây số để bắc cầu ao. Sau sự việc ấy, những người tham gia di dời phiến đá cổ không rõ lý do đều lăn ra ốm. Có những thanh niên trai tráng tuổi đôi mươi cũng ốm thập tử nhất sinh, tóc rụng từng mảng… Nhớ tới việc di chuyển hòn đá cổ, họ lại công kênh trả phiến đá về vị trí cũ, ai nấy đều khỏe mạnh trở lại.

Từ đó đến nay, phiến đá nằm bất di bất dịch vị trí cũ, không ai dám đả động tới. Cũng có thời điểm, trong làng có người đốt lò gạch, đã từng mang búa tạ ra phá phiến đá cổ lấy nguyên liệu để nung vôi, làm vật liệu xây nhà. Thế nhưng, khi búa vừa quai lên, phiến đá phát ra những tiếng coong coong như tiếng khánh. Người này sợ hãi bỏ cuộc, vội biện lễ đến tạ tội “thần đá làng”…

Bài học về “hòn đá to, hòn đá nặng”

Những chuyện kỳ bí, theo thời gian cũng dần lãng quên. Thế hệ những người chứng kiến những sự việc gắn với phiến đá cổ, đến nay cũng đã mất. Trong thời điểm làng lên phố, đất chật người đông, đồng ruộng chuyển đổi thành đất ở, ao Rối rộng lớn của làng năm xưa mỗi ngày mỗi thu hẹp, chỉ còn lại một khoảnh như vũng ao tù. Để mở rộng đường, người ta dùng máy cẩu nhấc phiến đá cổ ra khỏi vị trí bao nhiêu năm nó vẫn đứng vững, vứt bỏ nó giữa những đống trạc thải vật liệu xây dựng, như thể là một thứ gây cản trở sự phát triển chung…

Phiến đá hình trụ được đặt giữa khe hở bên một mố cầu xây bằng gạch mỏng từ thời Hán để làm bệ đỡ. Ảnh: TL.

Phiến đá hình trụ được đặt giữa khe hở bên một mố cầu xây bằng gạch mỏng từ thời Hán để làm bệ đỡ. Ảnh: TL.

Những cây cổ thụ trong làng, theo thời gian cũng dần vắng mặt. Không còn ranh giới những làng xã cố kết xưa cũ, một ngôi làng là một xã hội thu nhỏ trong một không gian riêng biệt. Những con đường nội đồng liên xã phá bỏ những khoảng cách vô hình…

Dịp cuối năm, cậu em con dì đang công tác địa chính tại xã nhà điện thoại báo tin cho tôi, xóm Chùa đứng lên vận động kêu gọi dân làng chung tay “xã hội hóa” xây dựng một công trình, dẫu nhỏ, để bảo tồn phiến đá cổ. Tạm xếp công việc lại, tôi mải mốt về quê…

Tôi kịp có mặt lúc nhóm thợ đang hối hả đổ bê-tông con đường nông thôn mới ở rìa làng, bên khu ruộng Chùa. Con đường mới vẫn ướt nhèm nhẹp, trong nắng chiều đông ánh lên một thứ màu thẫm đậm do nước xi-măng xanh đen nổi lên trên bề mặt. Hai bên con đường vừa mở, một bên là con cừ nhỏ, một bên là cánh đồng rộng lớn. Cổng chùa làng sừng sững đang xây dựng dở dang - tâm huyết của Thầy chùa mới về trông coi chùa làng, nhờ có con đường mới bỗng dưng được ra mặt tiền, tình cờ như một cái duyên đất trời sắp đặt…

Công trình dân làng Bái kêu gọi người dân đóng góp để xây dựng khu lưu giữ phiến đá cổ của quê hương...

Công trình dân làng Bái kêu gọi người dân đóng góp để xây dựng khu lưu giữ phiến đá cổ của quê hương...

Ông Nguyễn Xuân Tặng - Bí thư xã Đông Hợp - cùng lãnh đạo xã có mặt tại thời điểm thi công con đường nông thôn mới.

Ông Nguyễn Xuân Tặng - Bí thư xã Đông Hợp - cùng lãnh đạo xã có mặt tại thời điểm thi công con đường nông thôn mới.

Bài học về 'hòn đá to, hòn đá nặng' Bác nhắc nhở năm xưa, đã được chứng minh bằng câu chuyện thực tế...

Bài học về "hòn đá to, hòn đá nặng" Bác nhắc nhở năm xưa, đã được chứng minh bằng câu chuyện thực tế...

 
Sau những bận rộn lo miếng ăn, cái mặc, người dân đã đồng lòng, chung sức xây dựng một công trình biểu tượng cho niềm tự hào của quê hương. Ảnh: K.Trung.

Sau những bận rộn lo miếng ăn, cái mặc, người dân đã đồng lòng, chung sức xây dựng một công trình biểu tượng cho niềm tự hào của quê hương. Ảnh: K.Trung.

Mé trái con đường đang đổ, một chiếc giếng làng đang xây theo hình bát giác, rộng chừng 30m2, sâu cỡ 2m. Ở chính giữa, phiến đá cổ kính - nơi lưu giữ những huyền bí của làng, đang tọa trên hai mố cầu xây gạch cổ, vẫn nguyên vị trí cũ, từ hàng trăm năm trước, vẫn thế. Xung quanh, dân làng tề tựu khá đông, nam phụ lão ấu, đủ cả… Khi công trình xã hội hóa bảo tồn phiến đá cổ đã hoàn tất, làng mời "Thầy" về làm lễ, phần tâm linh có thể nói đã vẹn toàn.

Hóa ra, nỗi đau đáu với một hiện vật, chứng tích có mặt từ thuở lập làng, trải bao biến thiên dâu bể, có những lúc dân làng nhãng ra không nhớ gì đến nó vì còn bươn chải lo miếng ăn, cái mặc…, nhưng, suy nghĩ quay lưng với quá khứ tịnh chưa bao giờ có.

Câu chuyện về phiến đá cổ trải bao biến thiên, thăng trầm, khi đã hiện diện bằng một công trình kết tụ từ ý chí tập thể, nó là minh chứng cho bài học về tình đoàn kết mà Bác từng nhắc nhở: “Hòn đá to/Hòn đá nặng/Chỉ một người/Nhắc không đặng… Hòn đá to/Hòn đá nặng/Nhiều người nhắc/Nhắc lên đặng…”.

Ông Nguyễn Xuân Tặng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hợp, cho biết: "Khi người dân xin ý kiến chính quyền để vận động, quyên góp xây dựng công trình bảo tồn cổ vật tại địa phương, chính quyền xã rất ủng hộ. Công trình nói trên được thực hiện cùng thời điểm thi công con đường tránh của thôn, góp phần làm đẹp làng xã". 

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tặng 72.000 chai nước suối cho người dân vùng hạn, mặn

ĐBSCL Lực lượng Công an 2 tỉnh Kandal và An Giang phối hợp với chính quyền địa phương trao tận tay người dân bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn 72.000 chai nước suối.