| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống cháy rừng cần nâng cao ý thức người dân

Thứ Ba 22/08/2023 , 09:10 (GMT+7)

QUẢNG NINH Để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyên truyền sâu rộng để nâng cao ý thức người dân.

Hiện trường cháy rừng tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: ĐVCC.

Hiện trường cháy rừng tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: ĐVCC.

Khó khăn trong việc xử lý vi phạm gây cháy rừng

Hiện đang là giai đoạn cao điểm thường xảy ra cháy rừng. Do vậy, ngay từ lúc này, các giải pháp phòng, chống cháy tại các địa phương trọng điểm cần được nhanh chóng triển khai, đặc biệt trong việc nâng cao ý thức của người dân sống gần rừng, ven rừng khi sử dụng lửa, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Theo thống kê, hiện toàn TP Hạ Long có trên 80.000ha đất có rừng. Trong đó, diện tích rừng, đất rừng sản xuất là trên 40.000ha, đất rừng phòng hộ gần 20.000ha và đất rừng đặc dụng là hơn 20.000ha. Trong 6 tháng đầu năm, TP Hạ Long đã xảy ra 9 vụ cháy rừng, gây thiệt hại khoảng 30ha diện tích rừng. Chủ yếu thuộc diện tích đất rừng sản xuất giao cho các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng bằng vốn tự có. 

Nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng được xác định là do việc vệ sinh rừng của người dân xử lý thực bì bằng phương pháp đốt. Điển hình như vụ cháy rừng xảy ra ngày 4/6/2023 tại Khoảnh 6, Tiểu khu 96a (Khu 6, phường Đại Yên), chủ rừng đã thực hiện đốt thực bì, mặc dù cán bộ kiểm lâm đã không đồng ý vì thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cấp IV.

Do không quản lý, kiểm soát được nguồn lửa nên đã dẫn đến cháy rừng, lan sang diện tích rừng của hộ gia đình kế bên. Ngay sau khi có thông tin cháy rừng, cơ quan chức năng đã huy động lực lượng đến tích cực chữa cháy và đám cháy đã được dập tắt sau đó. Tuy nhiên, trong quá trình chữa cháy, do kiệt sức nên chủ rừng đã bị thiệt mạng khi đang trên đường đi cấp cứu.

Đối với các đám cháy còn lại, cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân ban đầu phầm lớn từ con người, có thể do cố ý hoặc vô ý gây cháy rừng.

Chính vì vậy, để công tác bảo vệ rừng đạt hiệu quả, ở tất cả các xã, phường có rừng, Hạt Kiểm lâm TP Hạ Long đã bố trí lực lượng chuyên trách, lực lượng kiểm lâm địa bàn trực tiếp tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, trong đó có công tác phòng chống cháy rừng trên địa bàn.

Thông qua các buổi tuần tra, kiểm soát, cán bộ kiểm lâm đã phối hợp với các xã, phường thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng và thực hiện ký cam kết từng hộ dân để mở rộng đối tượng được tuyên truyền. Qua đó, giúp các chủ hộ trồng rừng thêm những kiến thức và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc phòng chống cháy rừng, ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, để sớm tìm ra đối tượng gây cháy, nguyên nhân cháy, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hạ Long đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm thành phố phải đưa các vụ cháy rừng vào giải quyết nguồn tin về tội phạm làm cơ sở xem xét khởi tố vụ án hình sự, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lầm TP. Hạ Long, đa số các vụ cháy rừng do địa bàn vùng sâu xa, địa hình phức tạp nên rất khó để xác định được nguyên nhân cháy và truy tìm đối tượng vi phạm. Ngoài ra, lực lượng mỏng, trình độ năng lực chuyên môn của kiểm lâm địa bàn, cán bộ, công chức của Hạt được phân công thực hiện trong điều tra tiến hành tố tụng còn nhiều hạn chế…

Để xử lý kịp thời, tránh bỏ lọt tội phạm và việc người dân tranh thủ khai thác cây rừng trồng bị cháy, ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xác minh diện tích sau cháy, đơn vị cần có sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chức năng ngay khi đám cháy xảy ra.

Nâng cao ý thức để hạn chế cháy rừng

Huyện Bình Liêu hiện có khoảng 41.000ha quy hoạch đất rừng, trong đó, rừng phòng hộ là gần 19.000ha, còn lại diện tích quy hoạch đất trồng rừng, rừng sản xuất. Trước tình hình thời tiết đang bước vào mùa nắng nóng ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ rừng và nguy cơ gây cháy rừng cao, các đơn vị chức năng, các xã và hộ trồng rừng trên địa bàn đã chú trọng công tác phòng chống cháy rừng.

Hiện, lực lượng kiểm lâm, công an huyện Bình Liêu liên tục kiểm tra tại các vùng trọng điểm là rừng thông lấy nhựa, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng tự nhiên trên địa bàn nhằm chủ động nắm tình hình. Từ đó có phương án phòng chống cháy rừng hiệu quả, phù hợp. 

Theo bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu, huyện đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuyên truyền tới người dân không được sử dụng lửa trong rừng những ngày trời nắng nóng để đốt thực bì. Ngoài ra, các tổ công tác phòng chống cháy rừng của xã, thôn thường xuyên tuần tra và ứng trực 24/24 để kịp thời ứng phó khi cháy rừng xảy ra. Đặc biệt, thông tin dự báo thời tiết thường xuyên được cập nhật và phát trên hệ thống loa truyền thanh của các thôn để người dân chủ động nắm bắt.

Lực lượng kiểm lâm thường xuyên đi tuần tra để kịp thời ứng phó với cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lực lượng kiểm lâm thường xuyên đi tuần tra để kịp thời ứng phó với cháy rừng. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 370.000ha đất rừng, trong đó có 122.000ha rừng tự nhiên, 218.000ha rừng trồng và trên 30.000ha rừng trồng mới. Để chủ động các biện pháp phòng chống cháy rừng, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng và địa phương xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Từ đó, bố trí các nguồn lực, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng.

Chi cục cũng chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm thường xuyên truy cập vào hệ thống cảnh báo cháy rừng của trang thông tin điện tử Cục Kiểm lâm để sớm phát hiện, xử lý nhanh các vụ cháy rừng. Đồng thời, sử dụng phầm mềm cảnh báo cháy rừng cập nhật theo giờ nhằm nâng cao khả năng tương tác, phối hợp giữa các phòng chức năng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh với Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng ở các địa bàn trong tỉnh.

Thông qua dữ liệu các điểm nghi ngờ thay đổi rừng từ ảnh vệ tinh ở Chi cục, cán bộ của đơn vị sẽ thông báo cho kiểm lâm địa bàn kiểm tra, xác minh trên thực địa. Từ những hình ảnh, số liệu diễn biến rừng qua vệ tinh thường xuyên gửi về hệ thống giúp phân định vùng trọng điểm cháy rừng. 

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm đang tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong công tác phòng chống cháy rừng bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, phong tục tập quán địa phương để mọi người dân hiểu và thực hiện.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra nghiêm ngặt về phòng chống cháy rừng; rà soát, tu sửa, bảo dưỡng các trang thiết bị, đảm bảo luôn trong tình trạng sẵn sàng. Cùng với đó, bố trí lực lượng thường trực 24/24h trong thời kỳ cao điểm nắng nóng, sẵn sàng cho các tình huống cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ.

Đặc biệt, các chủ rừng phối hợp với lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương cùng tích cực tham gia bảo vệ rừng, đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng và những thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị cháy 112,89ha. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin có điểm phát lửa, lực lượng chức năng và người dân đã ứng cứu kịp thời không để cháy lan trên diện rộng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.