| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi: Cảnh giác cao độ mùa mưa

Thứ Năm 30/05/2019 , 11:10 (GMT+7)

Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, các địa phương khu vực Đông và Tây Nam bộ cần tập trung cao độ phòng chống dịch tả lợn Châu Phi khi khu vực này đang bắt đầu vào mùa mưa…

Các địa phương cần thực hiện triệt để các yêu cầu chống dịch của Bộ NN-PTNT.

Tính đến nay, đã có 10 tỉnh thành tại miền Đông và Tây Nam bộ xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, khu vực này đang là thời điểm giao mùa (bắt đầu vào mùa mưa), đồng thời ĐBSCL có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường bộ và đường thủy đan xen, khó kiểm soát. Mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan nhanh sang tất cả các địa phương chưa có dịch trong toàn khu vực.

Đặc biệt nguy hiểm, bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô và số lượng lợn lớn, không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Vì thế, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y, Chi cục Thú y Vùng VI, VII và Chi cục Chăn nuôi – Thú y các tỉnh, thành phố khu vực Đông và Tây Nam bộ phối hợp, tham mưu và trực tiếp triển khai các nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch trên địa bàn, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức thực hiện quyết liệt kế hoạch ứng phó, bảo đảm kế hoạch phù hợp với tình hình cụ thể ở địa phương cho từng giai đoạn, khắc phục những khó khăn, tồn tại, bất cập, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với các địa phương chăn nuôi lợn trọng điểm.

Tăng cường tần suất tiêu độc, sát trùng khu vực chăn nuôi, xung quanh khu vực chăn nuôi, đường giao thông, khu vực công cộng trên địa bàn cấp xã hàng ngày; đồng thời tuyên truyền các hộ chăn nuôi tăng cường tần suất tiêu độc khử trùng, làm sạch môi trường, hạn chế lây lan mầm bệnh.

Thành lập tổ công tác, phân công cán bộ đầu mối để cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày và gửi báo cáo về Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y vùng quản lý thông qua Chi cục Chăn nuôi – Thú y của địa phương.

Các địa phương tiếp tục rà soát các tuyến đường có thể vận chuyển lợn vào địa bàn (lưu ý đường thủy) để thành lập các tổ kiểm tra lưu động hoặc các chốt kiểm tra, kiểm soát trong địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm.

Nghiên cứu thành lập các đội tiêu hủy lợn mang tính chuyên nghiệp, triển khai nhanh, chấp hành chặt chẽ việc vệ sinh, tiêu độc trong quá trình thao tác để tránh phát tán mầm bệnh; chuẩn bị dụng cụ, phương tiện, hóa chất cần thiết và có phân công cụ thể công việc cho từng cá nhân thực hiện.

Khi có hướng dẫn về việc giết mổ lợn trong vùng dịch, cần khẩn trương tổ chức triển khai nhằm giảm áp lực đàn, tránh tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi và toàn xã hội. Trong quá trình thực hiện, cần tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo quy định.

Thông báo rộng rãi và kịp thời chính sách hỗ trợ cho chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo quy định, để góp phần thực hiện phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.