| Hotline: 0983.970.780

Phú Quý - Những giai thoại truyền kỳ: Ly kỳ chuyện thầy Nại

Thứ Năm 19/05/2022 , 06:00 (GMT+7)

Từ bao đời nay, với người dân đảo Phú Quý, thầy Sài Nại là tiền Hiền, công đức như Công chúa Bàn Tranh, thường hiển linh phù trợ người dân giữa muôn trùng biển khơi.

Cùng với Đền thờ Công chúa Bàn Tranh, mộ thầy Nại ở thôn Đông Hải, xã Long Hải, là điểm thờ linh thiêng từ hơn 350 năm qua của người dân Phú Quý.

Đền thờ thầy Nại ở xã Ngũ Phụng. Ảnh: Phúc Lập.

Đền thờ thầy Nại ở xã Ngũ Phụng. Ảnh: Phúc Lập.

Chuyện xưa lưu truyền

Dinh mộ thầy Nại nằm cuối một doi đá cao nhô ra biển, phía dưới bên phải là vịnh Triều Dương, một trong những nơi có cảnh trí đẹp nhất đảo. Đây được cho là có vị trí “đắc địa” mà thầy Nại, một thầy địa lý giỏi, đã nhìn ra, và muốn được “nằm” ở đây sau khi về với tổ tiên. Ngoài khu dinh mộ này, thầy Sài Nại còn được lập đền thờ ở thôn Phú An, xã Ngũ Phụng.

Tương tự dinh mộ, đền thờ cũng nằm trên một ngọn đồi đá cao, 3 bề là biển du dương bởi âm thanh ì oạp sóng vỗ gành đá.

Dinh mộ thầy Sài Nại. Ảnh: Phúc Lập.

Dinh mộ thầy Sài Nại. Ảnh: Phúc Lập.

Trong khi đền thờ Công chúa Bàn tranh mang đậm dấu ấn Chăm, thì dinh mộ thầy Nại mang đặc trưng văn hóa Hoa - Việt và pha văn hóa Chăm. Đó là ngôi mộ hình tròn, ban đầu thầy được chôn trong một chiếc chum bằng đất nung, hình thức táng của dân tộc Chăm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận xưa. Việc thờ phụng thầy cũng giống tục thờ Công chúa Bàn Tranh, đó là 9 làng của 3 xã trên đảo thay phiên nhau, mỗi làng rước sắc phong về nhà vuông của làng thờ cúng 1 năm. Sau đó giao lại cho làng khác.

Ông Nguyễn Văn Thinh, người đã có gần chục năm làm thủ từ trông coi dinh mộ thầy, và lưu giữ khá nhiều tư liệu truyền thuyết về thầy Nại, kể: “Thầy Nại là thầy địa lý, thầy thuốc giỏi người Hoa. Ông thường được các thương nhân mời đi theo tàu buôn, bôn ba khắp Biển Đông để trợ giúp. Trong một lần đi ngang vùng biển Phú Quý, ông nhìn qua ống nhòm, thấy giữa biển nhô lên một doi đất nhỏ, nhìn xa có hình dáng như một con rồng. Ông nhận định đây là một hòn đảo có địa thế tốt. Khi đó, trên đảo đã có Công chúa Bàn Tranh và những người trong đoàn tùy tùng đang sinh sống. Vào khoảng năm 1623, trong lần đi ngang vùng biển này, tàu ông gặp bão đánh tơi tả. Thầy Nại và thủy thủ trên tàu hỏng bị sóng đánh dạt vào đảo. Kể từ đó, thầy Nại và nhóm người trên tàu đã ở lại đảo lập nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thinh, người cả đời góp nhặt những truyền thuyết, giai thoại về thầy Sài Nại rồi chép lại để lưu giữ. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Văn Thinh, người cả đời góp nhặt những truyền thuyết, giai thoại về thầy Sài Nại rồi chép lại để lưu giữ. Ảnh: Phúc Lập.

Tại đây, thầy Nại đã gặp Công chúa Bàn Tranh, 2 người trò chuyện tâm đắc, và sau đó kết nghĩa chị em. Những năm tháng sau đó, thầy trở thành một công dân trên đảo, tham gia canh tác, trồng trọt lấy lương thực nuối sống bản thân và giúp đỡ người cô thế, bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Đồng thời, ông còn là một “Bao Thanh Thiên”, thường chỉ bảo điều hay, lẽ phải cho dân. Chính vì thế, bà Chúa và ông thầy trở thành chỗ dựa tinh thần của người dân, được người dân hết lòng tôn kính”.

Ông Thinh ngừng lời, chăm chú lật giở những trang giấy in và cả cuốn tập học sinh chép tay về thầy Sài Nại, rồi kể tiếp. “Có truyền thuyết còn lưu lại, là ngoài chữa bệnh thông thường cho dân, thầy còn một lần cứu hòn đảo khỏi họa diệt vong bởi dịch hạch từ chuột. Khi đó, không biết từ đâu, tự nhiên chuột sinh sôi đầy đảo. những con chuột nhỏ bằng ngón chân, cổ tay trẻ em, chạy nháo nhác trong nhà. Và bắt đầu gây bệnh khắp đảo, không ngày nào không có đám tang. Người chết nhiều đến nỗi không kịp chôn cất.

Người dân trên đảo mỗi khi rảnh rỗi là lên dinh mộ thầy Nại tế lễ. Ảnh: Phúc Lập.

Người dân trên đảo mỗi khi rảnh rỗi là lên dinh mộ thầy Nại tế lễ. Ảnh: Phúc Lập.

Trong khi người dân tuyệt vọng thì thầy Nại lên rừng, xuống biển tìm thuốc chế thuốc trị bệnh dịch. Sau đó ông về, vừa chữa bệnh cho dân, vừa hướng dẫn diệt chuột. Người dân nghe theo ông, dùng đủ mọi cách, từ hun khói, lửa đến dùng bẫy, rồi thu gom lại đào hố chôn và đốt. Ròng rã mấy tháng như vậy, cuối cùng, trên đảo cũng sạch bóng chuột.

Thầy được an táng ở vị trí dinh mộ bây giờ, là nơi thầy đã chọn trước khi chết, còn vị trí đền thờ là do thầy về báo mộng trong ngày vía năm thứ 3”.

Sử sách còn ghi, nhớ công ơn của thầy đối với đảo, các triều vua nhà Nguyễn đã ban cho thầy 5 sắc phong. Cùng với 8 sắc phong của bà Chúa (Công chúa Bàn Tranh), các sắc phong này đang được người dân trên đảo coi như báu vật, thay nhau gìn giữ.

Những câu chuyện tâm linh

Hiện nay, người thay ông Thinh làm thủ từ dinh mộ thầy là ông Trần Thanh Phong, 67 tuổi. Ông Phong cũng là người rất có niềm tin về sự hiển linh của thầy.

Ông Trần Thanh Phong: 'Ngày xưa, khi nghe 3 tiếng đại pháo rền vang, người dân biết là thầy hiển linh'. Ảnh: Trần Thắng.

Ông Trần Thanh Phong: "Ngày xưa, khi nghe 3 tiếng đại pháo rền vang, người dân biết là thầy hiển linh". Ảnh: Trần Thắng.

“Nghe nói Thầy linh lắm phải không chú?”, tôi mở đầu. Ông Phong gật đầu rồi nói: “Khách tham quan thường hỏi tôi câu vì sao biết thầy linh. Tôi nói phải ở đây mới biết được. Chỉ cần để ý những người đến làm lễ, sau đó họ quay lại trả lễ là biết thôi”.

Ông Phong bảo, từ trước đến nay, thầy đã nhiều lần hiển linh. “Sự hiển linh của thầy, trên đảo đến đứa con nít cũng biết”, ông Phong khẳng định chắc nịch.

“Từ bao đời nay, mỗi khi người dân trên đảo gặp chuyện khó khăn, sức người không thể ứng phó như thiên tai, bão… thì đến cúng tế, cầu thầy. Nếu hiển linh phù hộ, thầy sẽ xuất hiện trên trời bằng những vầng hào quang tròn, sáng rực. Hoặc xuất hiện những ngọn lửa trong đêm tối. Hồi nhỏ, tôi nghe cha kể, thời của cha, có ông trưởng lý trong làng rất ác, thường hà hiếp dân đen, ăn chặn tiền của ngư dân. Người dân trên đảo xưa nay vốn chất phác, hiền lương, nên mặc dù oán thán nhưng chẳng ai làm gì. Không lâu sau thì “quả báo nhỡn tiền” đến. Thằng con trai lớn đi biển bị bão đánh chìm ghe, mất tích, thằng thứ 2 lấy vợ nhưng sức khỏe yếu nên mãi chẳng có con. Nguy cơ tuyệt hậu. Bà vợ đau buồn, chẳng chịu ăn uống, bệnh tật liên miên. Sau khi được khuyên nhủ, ông chồng mới tỉnh ngộ, hối lỗi, tu tâm dưỡng tính, thường xuyên đến đền Chúa (đền thờ Công chúa Bàn Tranh), dinh mộ thầy tế lễ, cầu xin. Một lần, nửa đêm ổng đến mộ thầy nằm khóc. Khi đang kể lể ăn năn, thì bất ngờ nghe 3 tiếng nổ lớn như đại pháo, mặc dù không có sấm chớp. Biết thầy hiển linh nên ngay hôm sau ổng làm lễ lớn, cả nhà đến tế tạ.

Sau lần tế lễ ấy, ông trưởng lý về ốm liệt giường đúng 100 ngày thì chết. Nhưng sau đó, con dâu lại mang thai, sinh đôi 2 đứa con trai. Bà vợ vì thế mà tinh thần tốt lên, khỏe mạnh dần... Người ta lấy câu chuyện này làm bài học để răn dạy con cháu và làm tấm gương cho chính mình”.

Sau này, khi nhà nước cấm pháo, mỗi khi thầy hiển linh, không còn nghe tiếng đại pháo nữa, thay vào đó là một quầng sáng trên trời. Ảnh: Trần Thắng.

Sau này, khi nhà nước cấm pháo, mỗi khi thầy hiển linh, không còn nghe tiếng đại pháo nữa, thay vào đó là một quầng sáng trên trời. Ảnh: Trần Thắng.

“Tại sao đền thờ và khu mộ thầy không nằm chung một chỗ mà lại nằm 2 đầu Nam - Bắc đảo?”, tôi thắc mắc. Ông Phong dẫn tôi ra ngay mộ thầy Nại, kể: “Nghe các cụ kể, trước khi mất, thầy bỗng dưng biến mất, một thời gian có đám trẻ chăn trâu trong làng tình cờ thấy một cái chum sành để trên mỏm đá ngay chỗ này, lại gần xem thì thấy có đồ lễ cúng cho người chết, tụi nó về báo cho dân làng ra, nhìn kỹ thì thấy dưới đáy chum có một dấu cộng khắc sâu dưới đá. Lúc này mọi người mới biết thầy đã “đi”. Đây chính là chỗ mà lúc sống thầy muốn an táng. Sau đó, dân làng làm lễ rồi xây một cái am nhỏ quanh chum mộ thầy chứ chỗ này toàn đá, không thể đào được. Đến năm vía thứ 3, thầy về, nhập vào người chủ tế. Khi đó, ông chủ tế đang làm lễ, bất ngờ ngã vật ra, sau đó ngồi dậy, nói đúng giọng của thầy, bảo: “Ta còn một chỗ nữa”. Sau đó ông cầm 3 nén nhang, chạy một mạch đến doi đất cao nhô ra biển ở xã Ngũ Phụng, cắm 3 nén nhang vào một gốc cây rồi ngã vật ra bất tỉnh một lúc. Khi tỉnh lại, ông ấy không biết chuyện gì vừa xảy ra. Đây là 2 vị trí mà lúc còn sống, thầy nói đảo Phú Quý nhìn giống hình con rồng, phần đầu chính là doi đất nhô cao ở xã Ngũ Phụng (nơi lập đền thờ), còn nơi đặt mộ này là đuôi rồng".

Mộ thầy Nại hình tròn, được xây bằng đá biển. Ảnh: Phúc Lập.

Mộ thầy Nại hình tròn, được xây bằng đá biển. Ảnh: Phúc Lập.

“Trước giờ thầy hiển linh mấy lần rồi. Ban đầu, trước khi hiển linh, thầy báo hiệu bằng 3 tiếng đại pháo vang rền. Sau này, khi nhà nước cấm đốt pháo, thì không còn nghe báo hiệu bằng tiếng pháo nữa, thay vào đó là một quầng sáng trên bầu trời. Vầng sáng này dù ở trong nhà, có điện sáng cũng cảm nhận được”, ông Trần Thanh Phong, thủ từ dinh thầy Nại kể.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm