| Hotline: 0983.970.780

Phủ rợp trời cây ăn quả, huyện nghèo Kông Chro vụt lên giàu có

Thứ Ba 11/10/2022 , 07:05 (GMT+7)

GIA LAI Kông Chro từng là huyện nghèo nhất tỉnh Gia Lai. Thế nhưng những năm gần đây, nhờ phủ kín mênh mông cây ăn quả, nhiều địa phương ở đây bỗng vụt lên giàu có.

Huyện Kông Chro (Gia Lai) đang ngày càng “thay da đổi thịt” với những con đường bê tông phẳng lì nối liền với các cánh đồng cây ăn trái mênh mông. Còn nhớ vài năm trước, nơi đây từng được xem là địa phương nghèo nhất tỉnh Gia Lai bởi thiên tai, đất đai cằn cỗi...

Gần đây, huyện Kông Chro đã hướng các địa phương, người dân tổ chức lại sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Xã Yang Trung là một trong những địa phương đi đầu ở Kông Chro trong việc thực hiện chuyển đổi sang phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trong nhưng năm gần đây. Theo đó, cây ăn quả đã mang lại giá trị kinh tế cao bởi năng suất, lợi nhuận vượt trội so với các loại cây trồng khác như mía, đậu các loại, mì (sắn), rau các loại…

Diện tích vườn cây ăn trái ở huyện Kông Chro đang ngày càng mở rộng. Ảnh: Tuấn Anh.

Diện tích vườn cây ăn trái ở huyện Kông Chro đang ngày càng mở rộng. Ảnh: Tuấn Anh.

Từng rơi vào thảm cảnh vườn ngô của gia đình nhiều lần chết vì sâu bệnh, nắng hạn, giá cả lại bấp bênh, gia đình bà Vũ Thị Hồng (thôn 9, xã Yang Trung) đã quyết tâm tìm tòi và học hỏi các mô hình trồng cây ăn quả. Năm 2015, sau khi mạnh dạn vay vốn ngân hàng, bà Hồng đã quyết định khăn gói xuống Bến Tre tìm mua 300 gốc na Thái đem về trồng.

Vốn là nông dân không có nhiều kiến thức, kỹ thuật nên khi mới trồng thử nghiệm, bà Hồng gặp rất nhiều khó khăn. Na Thái trồng trên đất cằn cỗi, sườn dốc nên khâu canh tác, quản lý rất vất vả, cùng với sâu bệnh hoành hành khiến cây na kém phát triển.

Không nản chí, bà Hồng đã tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc cây na, đồng thời tìm đến những vườn na ở các vùng lân cận để học tập kinh nghiệm về kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc cây. Sau gần 4 năm, vườn na của gia đình đã phát triển tốt, cây lá sum xuê, trĩu quả. Được đà làm tới, bà Hồng tiếp tục cải tạo đất để trồng thêm 300 gốc na.

“Nghề trồng na khá công phu. Để có na chất lượng cao, người trồng phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng phân chuồng, phòng trừ sâu bệnh, tỉa cành tạo tán đúng cách thì mới đạt năng suất cao”, bà Hồng cho biết.

Empty

Bà Hồng thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn na Thái. Ảnh: Tuấn Anh.

Với 600 cây na, năm nào gia đình bà Hồng cũng cho thu gần 14 tấn quả, giá bán bình quân từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Vườn na của chị được nhiều thương lái đến tận vườn mua và bà cũng xuất bán đi các tỉnh như Đà Nẵng, Hà Nội, Bình Định…

Nếu như xã Yang Trung mạnh về cây na Thái, thì tại xã Kông Yang người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vào cây nhãn giống T6. Đây là giống nhãn được đưa từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương vào trồng khoảng gần chục năm trở lại đây.

Anh Trịnh Tuấn Anh (thôn 2, xã Kông Yang) cho biết, trước đây, bản thân gia đình và phần lớn người dân trong vùng rất khó khăn, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào cây mía, khoai mì cho lợi nhuận thấp. Thế rồi, tình cờ trong một lần đến nhà bạn chơi, anh Tuấn Anh thấy cây nhãn giống T6 trồng rất hiệu quả trên vùng đất nắng gió huyện Kông Chro.

Sau khi trồng thử nghiệp 100 cây nhãn thấy hiệu quả, anh Tuấn Anh quyết tâm phá bỏ hết hơn 4ha mía, khoai mì để chuyển sang trồng nhãn và một số ít cây na Thái.

Theo anh Tuấn Anh, trung bình 1ha nhãn cho thu hoạch khoảng 10 - 15 tấn, với giá bán khoảng 30 ngàn đồng/kg sẽ thu được khoảng 300 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, gia đình thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

Empty

Giống nhãn T6 đang giúp nhiều người dân Kông Chro đổi đời. Ảnh: Tuấn Anh.

“Thấy hiệu quả, lợi nhuận cao nên nhiều người dân trong vùng đã tìm đến học hỏi và chuyển đổi dần sang trồng nhãn. Nhờ đó, nhiều gia đình khó khăn đã từng bước vươn lên thoát nghèo, đời sống kinh tế khá giả hơn”, anh Tuấn Anh nói và cho biết, so với cây mía lợi nhuận chỉ được khoảng 40 triệu đồng thì cây nhãn cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 4 - 5 lần.

Ông Đào Quốc Định, Chủ tịch UBND xã Kông Yang cho biết, trước đây, người dân trong vùng chủ yếu trồng mía, khoai mì cho thu nhập rất bấp bênh. Khoảng vài năm trở lại đây, một số hộ đã chuyển sang trồng cây na Thái, nhãn T6 cho hiệu quả, thu nhập ít nhất cũng hơn 100 triệu đồng/ha.

Các mô hình này đã được nhân rộng đến khắp các hộ dân trên địa bàn xã. Nhận thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, cuối năm 2020, xã đã thành lập Nông hội Trồng cây ăn trái. Nếu như ban đầu chỉ có 16 hội viên với diện tích hơn 29ha thì đến nay, Nông hội đã tăng lên 48 hội viên với hơn 76ha. Đặc biệt, người dân tham gia vào Nông hội đã được hỗ trợ nguồn vốn, phân bón để phát triển bền vững.

Cũng theo ông Định, trước đây trên địa bàn xã có nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, làm không đủ ăn. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, nhiều gia đình đã thoát nghèo, thu nhập lên đến 200 - 300 triệu đồng.

Nhiều người dân đã phá bỏ cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn. Ảnh Tuấn Anh.

Nhiều người dân đã phá bỏ cây trồng kém hiệu quả sang trồng nhãn. Ảnh: Tuấn Anh.

“Xác định nhãn và na Thái là cây trồng chủ lực nên trong thời gian tới, xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện sẽ hỗ trợ để nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, OCOP… cũng như ký kết với các đơn vị liên kết thu mua”, ông Định chia sẻ.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, địa phương chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp, nguyên bản trồng những cây bản địa như lúa cạn, bắp, mè… giá trị kinh tế không cao.

Vì vậy, Huyện ủy và UBND huyện đã thực hiện cuộc vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân sang trồng các loại cây có giá trị cao như na Thái và nhãn T6. Đây là những cây trồng tương đối phù hợp cho người dân ở huyện Kông Chro, nơi mà nguồn nước tưới còn rất hạn chế. Đến nay, huyện đã phát triển được 700ha cây ăn trái các loại, trong đó chủ lực là cây nhãn, na Thái.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung định hướng phát triển những cây trồng mũi nhọn trên địa bàn. Cụ thể, thông qua các chương trình hỗ trợ nguồn vốn của trung ương và địa phương, huyện sẽ xây dựng những mô hình trình diễn để từ đó nhân rộng cho bà con học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các chính sách về hỗ trợ giống cây trồng cũng sẽ được tập trung cho các cây ăn quả chủ lực”, ông Ẩn cho biết.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.