| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Đổ xô khai thác keo non trồng sắn

Thứ Tư 13/03/2019 , 07:15 (GMT+7)

Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Phú Yên giá gỗ nguyên liệu tăng, sắn củ tươi cũng được giá nên nông dân khai thác gỗ keo bán rồi cày đất trồng sắn.

Không chỉ thế, có người khai thác “lấn” sang rừng keo non để lấy đất xuống giống cây sắn.
 

Cưa hạ keo non trồng sắn

Dọc theo vùng gò đồi từ xã Sơn Long, Sơn Định (huyện Sơn Hòa) rồi xuống xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nhiều tốp người đang cắt keo chất lên xe tải, có những rừng keo non cũng cắt hạ rồi cưa từng khúc gom lại chất đống. Ông Bùi Văn Thiện, ở xã Sơn Định đang thu hoạch keo cho hay: Tôi vừa bán 1ha keo “đúng tuổi” (5 năm) được 40 triệu đồng lấy đất trồng sắn. Giờ kêu công cắt tiếp 1ha keo non ( 4 năm tuổi) tiếp tục trồng sắn.

09-28-33_img_7606
Nông dân xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) khai thác keo lấy đất trồng sắn

Theo ông Thiện, 1ha keo non nhẹ ký bán được 30 triệu đồng, nếu “nuôi” giáp năm nữa thì gỗ to ra bán kiếm thêm 10 triệu đồng; trong khi đó giá sắn đã tăng lên 2.300 đồng/kg nên 1ha sắn bán đám (thương lái coi sắn mua nguyên đám), không mất công nhổ cũng được 17 triệu đồng. Thấy lãi nên ông quyết định “hạ” keo trồng sắn.

Hiện Nhà máy SX tinh bột sắn Đồng Xuân đầu tư lắp đặt 5 trạm cân để thu mua sắn tại vùng nguyên liệu cho nông dân, điều này thuận lợi cho nông dân trong quá trình bán sắn.

Bà Phan Văn Bình, ở xã Xuân Phước cho hay: Nhà tôi trồng sắn ở gần đập nước hồ chứa nước Phú Xuân, vừa rồi tôi nhổ đầy cộ bò chở qua trạm cân gần trung tâm xã Xuân Phước cân bán. Còn trước đây phải nhổ đầy xe tải hoặc phải rủ 2-3 người nhổ đủ xe mới chở xuống nhà máy bán. Tôi cũng có rẫy keo non đang thuê công khai thác keo, lấy đất trồng sắn.

09-28-33_img_7620
Người dân không nên chạy theo giá cả, chuyển đổi tự phát diện tích trồng keo thành sắn

Theo nhiều nông dân, thời gian trồng đến khi khai thác keo phải 5-6 năm, lứa keo bây giờ đang thu hoạch kể cả keo non 4 năm đều nằm trong tâm bão tháng 12/2017. Cơn bão mạnh đó làm cho cây keo bây giờ còn sống lớp cụt đọt, lớp nghiêng gốc bứt rễ mất sức nên lớn chậm; sẵn giá sắn tăng, keo cũng được giá nên nhiều người khai thác keo trồng sắn.
 

Không nên chuyển đổi cây trồng tự phát

Cách đây 3 năm (2016), thời điểm đó giá gỗ nguyên liệu keo lá tràm, bạch đàn là 1.200 đồng/kg, tương đương 1,2 triệu đồng/tấn; còn giá sắn thì nhà máy thu mua 1.700 đồng/kg với 30 độ bột, thế nhưng sắn lại bị bệnh chổi rồng chỉ đạt 15-20 độ bột, thương lái mua tại đám còn 500-700 đồng/kg, trừ chi phí cày bừa, phân bón, chăm sóc, nông dân lỗ. Giá mía cũng thấp nên trồng mía cũng không lãi là bao. Nhiều người bỏ sắn, mía trồng keo.

Tại huyện huyện Đồng Xuân nhiều vùng gò đồi hiện không có cây mía mà thay vào đó là sắn và keo lai. Ông Nguyễn Văn Cường, ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho rằng, hiện nay tại khu vực đội 6 (thôn Thạnh Đức) không trồng mía do giá mía xuống thấp, giờ nông dân chuyển sang trồng sắn toàn bộ.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân khuyến cáo: Hiện nay giá sắn tăng cao, nông dân không vì thế mà phá keo, mía để lấy đất trồng sắn, dẫn đến nguy cơ phá vỡ vùng quy hoạch sắn, mía vốn cung cấp nguyên liệu chế biến cho các nhà máy trên địa bàn. Vì vậy huyện khuyến cáo người dân không nên chạy theo giá cả, mà tuân thủ quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

09-28-33_img_7607
Thương lái thu mua gỗ keo nguyên liệu

Lo ngại nhất việc chuyển đổi cây trồng tự phát, lặp lại điệp khúc “trồng, chặt”, không chỉ dẫn đến mất cân đối vùng nguyên liệu mà còn phát sinh dịch bệnh hại cây trồng. Tại huyện Sông Hinh, thời gian qua bệnh khảm lá virus gây hại lây lan nhanh, cũng do nông dân sử dụng nguồn giống sắn từ các vùng trồng sắn đã bị bệnh khảm lá như HLS11, KM 419... Khi sắn bệnh khảm lá thì không cho năng suất và không có thuốc điều trị chỉ tiêu hủy, thế nhưng hiện nay nông dân vẫn bán keo non trồng sắn trên vùng sắn đã nhiễm bệnh.

Ông Kso Y Tín, ở xã Ea Bá (huyện Sông Hinh) cho hay, trước thu hoạch keo lớn (đúng tuổi) rồi thuê công lột vỏ bán các nhà máy mới mua, còn hiện nay có một thuận lợi nữa là keo non bán keo bì (keo luôn vỏ), giá thấp hơn nhưng vẫn có lãi nên nông dân bán keo lấy đất trồng sắn.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện bệnh khảm lá virus gây hại với diện tích 108,5ha; trong đó có 45ha sắn niên vụ 2018-2019 và 63,5ha sắn niên vụ 2019-2020. Riêng niên vụ 2019-2020, huyện Sông Hinh có 30ha sắn bị nhiễm bệnh tập trung tại các xã Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bia, Ea Bá, Ea troll; huyện Tây Hòa 15ha tại xã Hòa Mỹ Tây.

Ông Đào Lý Nhĩ, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Theo thống kê, hiện bệnh khảm lá sắn đang có xu hướng lây lan phát sinh, uy hiếp các vùng trồng sắn. Do đó, nông dân cần chủ động phòng trừ bằng cách không mua giống từ các tỉnh có dịch bệnh khảm lá virus hại sắn, cũng như các giống không rõ nguồn gốc. Giá sắn tăng cao, nông dân không vì lợi nhuận trước mắt mà khai thác keo non chuyển sang trồng sắn ồ ạt, sẽ phá vỡ vùng nguyên liệu cho vụ sau mà còn phát sinh dịch bệnh làm thiệt hại nặng nề hơn.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.