| Hotline: 0983.970.780

Phục hồi quốc điểu ở châu Phi

Thứ Ba 23/02/2021 , 09:25 (GMT+7)

Từ chỗ đứng bên bờ vực tuyệt chủng, đàn sếu vương miện xám được khôi phục tại Rwanda và hiện không còn cá thể nào bị nuôi nhốt.

Hai cá thể sếu vương miện xám bị nuôi nhốt. Ảnh: CNN.

Hai cá thể sếu vương miện xám bị nuôi nhốt. Ảnh: CNN.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2014, khi bác sĩ thú y địa phương kiêm nhà bảo tồn Olivier Nsengimana làm việc với chính phủ Rwanda, nhằm khởi động chương trình ân xá dành cho những chủ sở hữu sếu vương miện xám. Trước đây, việc nuôi nhốt loài quốc điểu châu Phi này bị xem là phạm pháp, nhưng theo đề nghị của Nsengimana, ông muốn những người này được miễn truy tố.

Trên đài phát thanh quốc gia, Nsengimana kêu gọi: "Tôi biết, các bạn cũng như chúng tôi, tất cả đều yêu mến loài sếu đẹp đẽ này, nhưng nếu tiếp tục nuôi nhốt sếu vương miện xám, một ngày nào đó, chúng ta sẽ mất chúng mãi mãi". 

Cao chừng 1 mét và nặng khoảng 4 kg lúc trưởng thành, sếu vương miện xám là loài chim lớn sinh sống ở thảo nguyên, sông và đầm lầy ở Đông và Nam Phi. Đặc điểm nổi bật nhất của loài chim này là chóp lông vàng. Bộ lông chủ yếu là màu xám với cổ màu xám nhạt và đôi cánh màu đen và trắng. Chúng cũng có một túi da màu đỏ tươi hấp dẫn bên dưới mỏ. Sếu vương miện xám đặc biệt thu hút khi nhảy múa và dùng những tiếng kêu hấp dẫn để thu hút bạn đời. Đây là màn "tán tỉnh" được xem là hấp dẫn nhất trong số các loài chim.

Là một trong số ít loài chỉ sinh sống tại châu Phi, sếu vương miện xám được nhiều nước chọn làm quốc điểu, thậm chí biểu tượng quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, loài này đứng bên bờ tuyệt chủng dù sinh sản nhiều bậc nhất so với hầu hết các loài chim khác trong họ sếu Gruidae, và có tập tính ăn tạp. Nguyên do bởi con người bắt nhốt loài chim này trong vườn, nhà riêng, thậm chí nuôi làm cảnh trong những khách sạn sang trọng. Việc bị săn bắt ồ ạt và phá hủy môi trường sống khiến sếu vương miện xám chỉ còn khoảng 300 con ngoài tự nhiên, tính đến năm 2012.

"Tôi tự nhủ ai đó phải làm gì, phải thay đổi, chứ không để tình trạng này tiếp diễn", bác sĩ Nsengimana nhớ lại, khi nghe thấy tiếng sếu kêu ngày một nhiều trong thủ đô thủ đô Kigali, nơi ông làm việc. 

Tại Rwanda, những con sếu vương miện xám đưcoj xem là "biểu tượng của sự giàu có và trường thọ". Hầu hết người dân quốc gia này đều yêu mến loài chim độc đáo này, nhưng chính sự nổi tiếng ấy lại làm hại sếu vương miện xám. Bắt sếu từ tự nhiên là bất hợp pháp ở Rwanda nhưng nhiều chủ vật nuôi không biết rằng họ đang vi phạm pháp luật.

Nsengimana dạy các trẻ em Rwanda tình yêu với tự nhiên. Ảnh: CNN.

Nsengimana dạy các trẻ em Rwanda tình yêu với tự nhiên. Ảnh: CNN.

Để đánh động cả xã hội, Nsengimana bắt đầu đi từ luật pháp. Ông đến những nhà nghi nuôi nhốt sếu vương miện xám, nói chuyện và cho chủ nhà biết việc phạm pháp. Thay vì chiếm làm của riêng, nhà hoạt động môi trường này khơi dậy tình yêu và niềm tự hào của mọi người về đàn sếu sống trong môi trường hoang dã.

Bắt đầu từ những cá thể sếu gầy yếu, hoặc bị xén lông, làm dập cánh (để ngăn chúng chạy thoát), Nsengimana miễn phí tiền chữa trị. Những con chim không thể sống sót trong tự nhiên được nuôi dưỡng tại làng Umusambi - một khu bảo tồn sếu ở Kigali do tổ chức của Nsengimana, Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Rwanda (RWCA) điều hành. 

Những con khỏe mạnh đã được thả đến một khu phục hồi trong Công viên Quốc gia Akagera, gần biên giới của Rwanda với Tanzania, nơi họ học lại cách kiếm ăn trong tự nhiên. Song song với việc nuôi tập trung đàn sếu, Nsengimana đề nghị chính quyền có những chính sách đặc biệt cho các chủ chim, chẳng hạn cho vào khu nuôi dưỡng định kỳ mỗi tuần một lần.

Tính từ năm 2014, 242 con sếu vương miện xám đã được giải cứu thành công khỏi tình trạng nuôi nhốt. Theo số liệu điều tra cuối năm 2020 của nhóm Nsengimana, cả nước Rwanda hiện có 881 cá thể. Ông cũng tự tin rằng, không còn bất cứ con sếu vương miện xám nào bị nuôi nhốt.

"Đây thực sự là một thành công lớn mà chúng tôi cùng người dân Rwanda thấy tự hào. Nếu tất cả cùng vào cuộc và đạt được sự thống nhất, tôi tin không gì là không thể", Nsengimana hồ hởi nói. 

Một trong những thành quả lớn nhất mà ông gây dựng chính là gây dựng trung tâm nuôi dưỡng và giám sát động vật hoang dã với tên gọi "Marsh Rangers".

Bên cạnh đó, ông cùng những người đồng chí hướng đã thiết kế và cho ra đời một bộ truyện tranh về chủ đề bảo tồn động vật nhằm truyền cảm hứng cho những người Rwanda trẻ tuổi.

Dù có những bước đột phá tại Rwanda, sếu vương miện xám chưa được quan tâm đúng mức tại 15 quốc gia còn lại ở miền Đông và Nam châu Phi, với quần thể lớn nhất ở Nam Phi, Kenya, Uganda và Zambia. Trên khắp châu Phi, quần thể sếu vương miện xám ước tính đã giảm 80% trong 25 năm qua, và chỉ còn khoảng 25.000 đến 30.000 con. 

Kerryn Morrison, Giám đốc Tổ chức Sếu quốc tế khu vực châu Phi, kiêm Quản lý cấp cao của Tổ chức Động vật Hoang dã Nguy cấp, thừa nhận mô hình ân xá như tại Rwanda khó áp dụng đại trà cho lục đìa đen. 

Bà cho biết: "Chính sách của các chính phủ không đồng nhất. Nhiều nước có hình phạt quá nhẹ, hoặc không liên kết được nhiều tổ chức cùng vào cuộc. Chúng tôi mới đạt kết quả bước đầu tại Uganda and Kenya, nhưng chỉ dừng ở mức giảm nạn săn bắt trộm".

Một vài năm trở lại đây, sếu vương miện xám gặp nhiều mối đe dọa hơn, chẳng hạn đất ngập nước, va chạm với đường dây điện và nhiễm độc. Việc người và gia súc tiến sát môi trường sống của loài sếu còn khiến chúng mất tập trung kiếm ăn, giảm sức đề kháng và nuôi con. Bên cạnh đó, từ năm 2000, các nước như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu loài sếu này.

"Tại châu Phi, số đông vẫn thiên về bảo vệ những loài thú lớn như voi, tê giác. Sự bảo vệ dành cho sếu, vì thế, bị lơ là", bà Morrison nhận định. Trong khi đó, bác sĩ Nsengimana kêu gọi nỗ lực chung từ nhiều nước để bảo vệ tổng thể sếu vương miện xám. "Chúng không di cư, nhưng thường xuyên đi từ nước nọ sang nước kia. Tôi muốn, cộng đồng coi sếu như một phần cuộc sống, và cùng tồn tại với nhau", ông nhấn mạnh.

(Theo CNN)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất