| Hotline: 0983.970.780

PVcomBank ép khách hàng đến kiệt quệ: [Bài 1] Chây ỳ thi hành án

Thứ Tư 17/04/2024 , 09:39 (GMT+7)

Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) là tổ chức tín dụng lớn, vậy mà sau khi thua kiện khách hàng, ngân hàng này lại chây ì, không thi hành án…

Dân biết tuân thủ luật pháp, ngân hàng PVcomBank thì không?

Được ủy thác của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Quy Nhơn (Bình Định), ngày 17/6/2023, Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ban hành Quyết định số 51/QĐ-CCTHADS về việc thi hành án đối với PVcomBank, theo Bản án số 183/2022/DS-ST ngày 1/7/2022 của Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Quy Nhơn và Bản án số 30/2023/ DS-PT ngày 27/3/2023 của TAND tỉnh Bình Định. Cả 2 phiên tòa nói trên đều buộc PVcomBank phải bồi thường cho Công ty TNHH Thương mại vận tải Thành Thương (viết tắt là Thành Thương) ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Vậy mà đã gần 1 năm trôi qua, PVcomBank vẫn “bình chân như vại”, cứ như không có quyết định thi hành án của Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm. Cuối tháng 3/2024 vừa qua, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương lại tiếp tục có đơn đề nghị thi hành án gửi Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm.

Trong đơn, ông Thành cho rằng PVcomBank là tổ chức tín dụng, tiền lúc nào cũng sẵn, nên đủ điều kiện thi hành án, nhưng PVcomBank không có tinh thần tự nguyện mà chây ì gần 1 năm qua. Do đó, ông Thành đề nghị Chấp hành viên Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm phong tỏa tài khoản của PVcomBank để áp dụng biện pháp cưỡng chế, khấu trừ tiền thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, với những tài liệu liên quan đến vụ tranh chấp với PVcomBank. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, với những tài liệu liên quan đến vụ tranh chấp với PVcomBank. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngay sau khi Bản án sơ thẩm số 183/2022/DS-ST ngày 1/7/2022 của TAND thành phố Quy Nhơn có hiệu lực, 3 tháng sau, vào ngày 5/10/2022, tôi lập tức chuyển trả nợ vay cho PVcomBank cả tiền gốc, tiền lãi lẫn lãi phát sinh với tổng số tiền là hơn 480 triệu đồng. Ấy vậy mà sau khi cả phiên tòa sơ thẩm của TAND thành phố Quy Nhơn lẫn phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Định đều tuyên xử PVcomBank phải bồi thường cho Công ty Thành Thương số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm sau khi được ủy thác của Chi cục THADS thành phố Quy Nhơn cũng đã ban hành quyết định thi hành án gần 1 năm nay, vậy mà PVcomBank vẫn chây ì không chịu thi hành án”, ông Nguyễn Tất Thành bức xúc cho biết.

Theo ông Thành, hơn 1,3 tỷ đồng mà PVcomBank phải bồi thường là khoản chi phí mà Công ty Thành Thương thuê xe để chở hàng hóa theo những hợp đồng vận chuyển mà công ty này đã ký với khách hàng, sau khi xe ô tô tải mang biển kiểm soát 77D-136.13 của Công ty Thành Thương bị PVcomBank “giam” với lý do công ty không mua bảo hiểm tài sản thế chấp theo chỉ định của PVcomBank.

Sau khi ban hành Quyết định số 51/QĐ-CCTHADS ngày 17/6/2023 về việc thi hành án đối với PVcomBank theo Bản án số 183/2022/DS-ST ngày 1/7/2022 của TAND thành phố Quy Nhơn và Bản án số 30/2023/ DS-PT ngày 27/3/2023 của TAND tỉnh Bình Định, ngày 19/6/2023 Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm tiếp tục mời đại diện theo ủy quyền của PVcomBank và đại diện theo ủy quyền của Công ty Thành Thương làm việc để giải quyết việc thi hành án.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Ngọc Linh, đại diện cho PVcomBank cho rằng PVcomBank đã có đơn đề nghị Giám đốc thẩm, ông Linh đề nghị Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm thực hiện thủ tục hoãn thi hành án theo quy định.

Giấy nộp tiền mặt ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, trả nợ vay cho PVcomBank. Ảnh: V.Đ.T.

Giấy nộp tiền mặt ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, trả nợ vay cho PVcomBank. Ảnh: V.Đ.T.

Thế nhưng mới đây, vào ngày 24/1/2024, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành Thông báo số 24/2024/TB-TA về việc giải quyết đơn của PVcomBank về việc đề nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 30/2023/DS-PT ngày 27/3/2023 của TAND tỉnh Bình Định, xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty Thành Thương với bị đơn là  PVcomBank.

Theo thông báo này, TAND cấp cao tại Đà Nẵng khẳng định PVcomBank không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 30/2023/DS-PT ngày 27/3/2023 của TAND tỉnh Bình Định.  Ấy vậy nhưng từ đó đến nay đã gần 3 tháng mà PVcomBank vẫn không tự nguyện thi hành án, dù Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm đã buộc PVcomBank phải tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định.

PVcomBank chèn ép đẩy doanh nghiệp đến kiệt quệ

Bây giờ nhớ lại, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, như vẫn còn nguyên nỗi uất ức khi PVcomBank dùng đủ mọi “chiêu thức” để đẩy doanh nghiệp đến khó khăn kiệt quệ.

Theo trình bày của ông Nguyễn Tất Thành, sau khi Công ty Thành Thương từ chối mua bảo hiểm tài sản thế chấp (ô tô tải mang biển kiểm soát 77D-136.13) theo chỉ định của PVcomBank, chỉ trong 1 ngày 27/3/2020 mà Công ty Thành Thương đã nhận của PVcomBank Quy Nhơn 4 thông báo về việc bắt công ty phải trả hết cả nợ gốc lẫn lãi.

Thêm nữa, trong khi bảo hiểm cũ Công ty Thành Thương mua của Bảo Minh Bình Định còn hiệu lực đến ngày 17/1/2020; còn kỳ hạn trả nợ gốc lẫn lãi của Công ty Thành Thương đối với PVcomBank đến ngày 20/1 mới đến hạn, thế nhưng mới ngày 6/1/2020 PVcomBank Quy Nhơn đã không cấp cho Công ty Thành Thương bản phô tô cà vẹt xe tải 77C 13613 có công chứng để xe được lưu hành, dẫn tới thiệt hại nói trên.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, với chiếc xe là tài sản thế chấp với PVcomBank. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, với chiếc xe là tài sản thế chấp với PVcomBank. Ảnh: V.Đ.T.

Cùng ngày phát 4 thông báo buộc Công ty Thành Thương phải trả hết cả nợ gốc lẫn lãi, PVcomBank Quy Nhơn đã đến tận Công ty Thành Thương đòi giữ chiếc ô tải là tài sản thế chấp của công ty, PVcomBank cũng đồng thời gửi thông báo đến Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bình Định, yêu cầu lực lượng CSGT “hỗ trợ cho PVcomBank thu hồi xe đang lưu thông không có giấy chứng nhận đăng ký”.

PVcomBank Quy Nhơn nêu lý do: “Sau nhiều lần thông báo đến khách hàng về việc trả nợ vay cho ngân hàng, nhưng cho đến nay, PVcomBank chưa nhận được sự hợp tác thiện chí từ phía khách hàng. Ngân hàng cũng đã đến nhà của khách hàng để làm việc nhưng không đạt được kết quả. Cho đến thời điểm này, khách hàng chưa thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Do đó, ngân hàng chúng tôi đã yêu cầu khách hàng giao xe cho ngân hàng để xử lý thu hồi nợ, tuy nhiên khách hàng không mang xe đến và vẫn đang lưu hành, chiếc xe trên không mang theo giấy chứng nhận đăng ký ô tô”.

Tuy nhiên, thực tế thì chiếc ô tô tải mang biển kiểm soát 77D-136.13 không còn được Công ty Thành Thương lưu hành, mà nằm bãi tại Bến xe Trung tâm thành phố Quy Nhơn kể từ đó, phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký ô tô mà không lưu hành thì lực lượng CSGT không thể bắt giữ theo ý của PVcomBank Quy Nhơn.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, bức xúc vì PVcomBank chây ì không chịu thi hành án. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Thành Thương, bức xúc vì PVcomBank chây ì không chịu thi hành án. Ảnh: V.Đ.T.

“Sau khi nghiên cứu đơn đề nghị của PVcomBank và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án theo yêu cầu giám đốc thẩm của PVcomBank, TAND cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng công ty chúng tôi đủ điều kiện để PVcomBank cấp bản sao đăng ký xe để xe lưu hành. PVcomBank không thực hiện cấp bản sao đăng ký xe mà yêu cầu Công ty Thành Thương phải đóng bảo hiểm qua tài khoản chuyên thu là hoàn toàn không có căn cứ. Ấy vậy mà PVcomBank dùng mọi chiêu thức để triệt tiêu hoạt động của doanh nghiệp, đẩy chúng tôi lâm cảnh lầm than từ đó đến nay”, ông Nguyễn Tất Thành than thở.

“Sở dĩ Chi cục THADS thành phố Quy Nhơn ủy thác cho Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội thực hiện thi hành án đối với PVcomBank bởi vì tài sản của PVcomBank nằm ở Hà Nội. Trước khi ủy thác, Chi cục THADS thành phố Quy Nhơn phải làm tròn trách nhiệm, xác minh kỹ tài sản của người phải thi hành án. Nếu người thi hành án không có tài sản ở Quy Nhơn thì Chi cục THADS thành phố Quy Nhơn phải ủy thác cho đơn vị chức năng ở Hà Nội, nơi người phải thi hành án có tài sản để thi hành án. Bất cứ ai, kể cả người được thi hành án cũng có quyền cung cấp thông tin về tài sản bên phải thi hành án, nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin của mình”, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.