| Hotline: 0983.970.780

'Quân bài đậu tương' trong thương chiến Mỹ-Trung

Thứ Sáu 15/03/2019 , 09:10 (GMT+7)

Dịch tả lợn châu Phi đang khiến ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc khốn đốn, quy mô đàn giảm kéo theo nhu cầu sử dụng thức ăn gia súc đi xuống, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng nước này thực hiện cam kết mua thêm 10 triệu tấn đậu tương Mỹ.

12-26-33_1
Trung Quốc cam kết mua thêm 10 triệu tấn đậu tương Mỹ trong nỗ lực hướng tới một thỏa thuận thương mại. (Ảnh minh họa: Reuters)

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán về một thỏa thuận thương mại làm hài lòng cả hai phía, đậu tương nổi lên là “quân bài thương lượng” được Bắc Kinh sử dụng làm đòn bẩy cho tiến trình này. Trung Quốc đã cam kết mua thêm đậu tương Mỹ, tuy nhiên, giới phân tích vẫn hoài nghi liệu Trung Quốc – nước tiêu thụ hạt có dầu lớn nhất thế giới thực sự có nhu cầu này.

Ngoài thuế do cuộc chiến thương mại tạo ra, đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc càng làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh không thể giữ lời.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue, Trung Quốc đã cam kết mua thêm 10 triệu tấn đậu tương Mỹ. Bắc Kinh còn được cho là đề xuất mua thêm hơn 30 tỷ USD hàng hóa nông nghiệp Mỹ mỗi năm trong thỏa thuận mà hai nước đang hướng đến. Tuy nhiên, số liệu hải quan cho thấy khối lượng đậu tương nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong những tháng gần đây.

Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu đậu tương Mỹ ít nhất một thập kỷ. Khối lượng nhập khẩu trong tháng 2 thấp nhất 4 năm, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do thuế Trung Quốc áp đặt lên đậu tương Mỹ.

“Cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ có vai trò quan trọng bởi Trung Quốc vốn đã nhập khẩu ít hơn đáng kể đậu tương từ Mỹ”, theo các nhà phân tích tại Commerzbank.

“Số liệu xuất khẩu của Mỹ làm dấy lên nghi ngờ Trung Quốc liệu sẽ mua 10 triệu tấn đậu tương? Số liệu xuất nhập khẩu của tháng 2 không giúp giảm lo ngại trên”.
 

Bùng phát tả lợn châu Phi

Tình hình càng tồi tệ hơn khi Trung Quốc đang phải chật vật đối phó dịch tả lợn châu Phi. Nhu cầu dùng hạt có dầu, bao gồm cả đậu tương, làm thức ăn chăn nuôi giảm theo. Kể từ tháng 8/2018, Trung Quốc đã có 111 điểm dịch tại 28 tỉnh và khu vực, khoảng 1 triệu con lợn bị tiêu hủy nhằm kiểm soát dịch bệnh, theo Reuters. Tả lợn châu Phi dễ lây lan, tỷ lệ lợn mắc bệnh tử vong cao trong khi chưa có vắc-xin phòng ngừa nhưng không ảnh hưởng đến con người.

Quy mô đàn lợn của Trung Quốc trong tháng 1 giảm 13%, lượng lợn giống giảm 15% so với một năm trước đó, theo Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề Nông thôn Trung Quốc. “Dịch tả lợn sẽ khiến lực cầu suy yếu”, Darin Friedrichs, tư vấn rủi ro quản lý tại phòng hàng hóa châu Á, INTL FCStone, nhận định.

Theo Friedrichs, hiện chưa rõ có thể kiểm soát virus gây bệnh hay không. Các nhà nhập khẩu và tiêu thụ đậu tương tại Trung Quốc sẽ lo sợ khi bổ sung đậu tương. Ngoài ra, lượng đậu tương tồn kho trên thế giới vẫn rất đáng kể.
 

Bất ổn thương mại

Một lý do quan trọng khiến nhà đầu tư không vội mua đậu tương là “hoài nghi về sự bền vững của mọi thỏa thuận thương mại”, Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, phân tích.

Năm 2017, Mỹ xuất khẩu 40 tỷ USD các loại hạt và đậu tương, Trung Quốc đón nhận khoảng 15,5 tỷ USD. Nếu Bắc Kinh chi thêm 30 tỷ USD cho hàng hóa nông nghiệp Mỹ, họ sẽ mua nhiều gấp 3 lần khối lượng của năm 2017. Đó là điều “khó đạt được”, bà Bain lưu ý. Trung Quốc không mấy quan tâm đến những mặt hàng khác từ Mỹ bởi khối lượng lúa mỳ, ngô nhập khẩu “rất nhỏ”, Trung Quốc đủ sức tự cung cấp. “Trong khi đó, Mỹ cung ứng 85% nhu cầu lúa miến của Trung Quốc”, Bain cho biết thêm, khiến đậu tương là vấn đề duy nhất đáng quan tâm.

Bất chấp sự e dè mà giới phân tích, Trung Quốc tuần trước đã nâng dự báo nhập khẩu đậu tương cho vụ 2018 – 2019 lên 85 triệu tấn, tăng so với con số 83,65 triệu tấn đưa ra hồi tháng 2. Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc tạm dừng nhập hạt cải dầu từ một công ty của Canada. Hạt cải dầu thường được sử dụng thay cho đậu tương.
 

Nỗi lo với nông nghiệp Trung Quốc

“Nhập khẩu thêm đậu tương và ngô sẽ giúp giảm chi phí chăn nuôi nhưng nông dân Trung Quốc và ngành công nghiệp chăn nuôi ở Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu áp lực”, Liu Yonghao, ông trùm ngành thực phẩm, chủ tịch tập đoàn New Hope, nói với SCMP.

“Nông nghiệp tại Mỹ có hiệu suất tốt hơn nhiều so với Trung Quốc và họ sẽ có lợi thế”.

Liu, 67 tuổi, là thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). New Hope, tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc, mỗi năm sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, sở hữu khoảng 1,3 tỷ con gà, 8 triệu con lợn. Bình luận của Liu phản ánh lo ngại về việc Trung Quốc có thể duy trì cân bằng cấu trúc chăn nuôi và đảm bảo an ninh lương thực hay không.

“Nhập khẩu nhiều hơn sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức”, Liu nói. “Nhưng trong ngắn hạn, ngành nông nghiệp Trung Quốc sẽ chịu áp lực khá lớn… Chúng tôi không biết đợt nhập khẩu thêm này sẽ kéo dài bao lâu, chính phủ phải nỗ lực nhiều để bảo vệ hệ thống của chúng tôi”.

Theo Liu, Bắc Kinh có thể trợ giá hơn nữa cho nông dân và các công ty Trung Quốc để giúp họ nâng cấp dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, trợ giá là một vấn đề gây tranh cãi. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 28/2 ra phán quyết Trung Quốc đã vượt quá tiêu chuẩn quốc tế về hỗ trợ nội địa cho nông dân trồng lúa và lúa mỳ, khiến nông sản Trung Quốc trở nên rẻ hơn so với thế giới.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.