| Hotline: 0983.970.780

Quán cơm nụ cười

Thứ Tư 05/08/2015 , 06:15 (GMT+7)

Một dĩa cơm có đầy đủ thịt, cá, rau, canh và cả trái cây tráng miệng được bán với giá chỉ hai ngàn đồng. 

Đó là những suất cơm dành cho người lao động, bán vé số, xe ôm… nghèo ở quán cơm "Nụ cười Đà Nẵng" vào mỗi trưa thứ 2, 4, 6 hàng tuần.

Ấm lòng người nghèo

Gần 11 giờ trưa ngày thứ hai, một dãy người xếp hàng trật tự trước ngôi nhà số 2 đường Phan Thanh (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Họ đều là những người lao động nghèo khắp TP Đà Nẵng. Có người rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm để bán vé số, có người bán hàng rong hay có khi là bác xích lô, xe thồ.

Họ không hẹn mà gặp nhau ở đây mỗi ngày thứ 2, 4, 6 hàng tuần để mua suất cơm 2 nghìn đồng.

“Chị đến ăn ở quán nụ cười Đà Nẵng này từ khi mới khai trương cách đây hai tháng. Cơm bán rẻ như cho mà lại ngon lành, sạch sẽ. Các bạn phục vụ cũng rất lịch sự, đàng hoàng và vui vẻ”, chị Nguyễn Thị Lương, một người bán vé số cho hay.

Chị Lương kể vợ chồng chị quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hai vợ chồng có 5 đứa con trong khi chỉ có 4 sào ruộng. Mỗi năm, vợ chồng làm 2 vụ lúa gắng lắm cũng chỉ đủ ăn chứ không đủ mua sắm áo quần, cho các con ăn học. Hai người đành gửi con cho ông bà nội chăm sóc rồi dắt díu nhau ra Đà Nẵng kiếm sống.

Chị đi bộ rong ruổi để bán vé số còn anh Hướng chồng chị chạy xe ôm trên đường Điện Biên Phủ. Chị nói thu nhập của vợ chồng không ổn định, có ngày kiếm được gần 200.000 đồng nhưng cũng có ngày kiếm chưa được 50.000 đồng. Tiền thuê phòng trọ mỗi tháng của hai vợ chồng hết gần 1 triệu. Ăn uống mỗi ngày dè xẻn lắm thì cũng mất 50.000 đồng.

14-42-21_nh-4-cc-chi-bn-ve-so-n-com-ti-qun-com-nu-cuoi-dnng
Bữa trưa ngon lành của những người lao động nghèo

Vợ chồng chị Lương cố gắng lắm mới dành dụm mỗi tháng được 2 triệu đồng gửi về quê cho ông bà nội để lo chăm sóc các con.

“Nhiều hôm bán ế, vợ chồng tôi phải nhịn buổi trưa, chỉ ăn buổi tối để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó”, chị Lương nghẹn ngào nói.

Cách đây hai tháng, chị Lương đi bán vé số ngang qua đường Phan Thanh thì thấy một quán cơm có tên “Nụ cười Đà Nẵng” vừa mới khai trương. Chị Lương càng tò mò hơn nữa khi thấy quán bán cơm chỉ với giá 2.000 đồng một suất.

“Tôi thấy bảng rứa thì cũng không tin, mà cũng không dám vào hỏi. Tôi đi bộ tới chỗ chồng đậu xe nói thì còn bị nạt vì anh ấy cho rằng tôi nói xạo. Hai vợ chồng cãi nhau không dứt nên chạy xe tới tận nơi để ăn thử. Hóa ra là thiệt. Từ đó tuần ba bữa vợ chồng tôi đều tới ăn để tiết kiệm thêm một khoản tiền gửi về cho các con”, chị Lương cười nói.

14-42-21_nh-2-chi-luong-mu-sut-com-2000-dong
Chị Lương mua suất cơm với giá 2.000 đồng

Cầm trên tay tờ tiền 2.000 đồng đã cũ, cụ Dương Dinh (82 tuổi, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) cố vuốt lại thật thẳng nếp gấp rồi đứng xếp hàng để nhận số thứ tự nhận cơm.

Gia đình cụ Dinh là hộ nghèo của phường Thạc Gián nhiều năm nay. Căn nhà cấp 4 xập xệ của vợ chồng cụ cùng người con trai út tâm thần chỉ cách quán cơm “Nụ cười Đà Nẵng” 10 số nhà. Cụ cho hay vợ chồng cụ mỗi tháng có khoảng 1,5 triệu đồng tiền trợ cấp hộ nghèo, tiền người cao tuổi và hỗ trợ người tâm thần. Vợ chồng cụ có người con gái lớn nhưng lấy chồng ở tỉnh xa, hoàn cảnh cũng khó khăn nên không giúp đỡ được gì. Hai vợ chồng đều đã già không thể nấu nướng nên hằng ngày đều đi ăn cơm bụi.

“Cơm ở quán khác vừa đắt lại dở. Vợ chồng tôi già nhai không nổi. Thằng con trai út bị điên có khi chưa kịp ăn đã hất đổ phải đi mua lại cho nó. Tiền Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng chỉ đủ ăn nên nhà cửa xuống cấp, không sửa sang được chi”, cụ Dinh tâm sự.

Cụ Dinh kể khi nghe hàng xóm mách nước, khuyên đến quán “Nụ cười Đà Nẵng” ăn cơm thì ông bà ngại ngùng không dám đi.

“Không biết ai kể mà mấy cháu mang cơm đến tận nhà cho vợ chồng tôi. Tụi nó mời tôi trưa thứ 2, 4, 6 thì tới ăn, đừng ngại chi hết. Thiệt, tui không biết cảm ơn răng cho hết tấm lòng mình. Tôi bữa nay là khách quen ở đây, quán không cho mua mang về nhưng tôi được ưu tiên mua về cho vợ và con vì họ yếu, không đi bộ được. Quán cơm này làm ấm lòng người nghèo tụi tui lắm”, cụ Dinh thổ lộ.

Cũng giống như vợ chồng chị Lương, như cụ Dinh, hàng chục người lao động nghèo khác cũng đến với quán cơm “Nụ cười Đà Nẵng” để mong giảm bớt một phần khó khăn. Họ đến đây, xếp hàng trật tự mà không hề chen lấn, xô đẩy. Khuôn mặt mỗi người dù nhễ nhại mồ hôi nhưng luôn nở một nụ cười ấm áp, hạnh phúc.

Không nhận lương

Hơn 12 giờ, quán “Nụ cười Đà Nẵng” đã không còn bàn trống. Nhân viên phục vụ hoạt động hết công suất. Người thu tiền phát phiếu, người bỏ cơm vào khay, người mang cơm đến bàn cho khách. Tất cả đều mướt mồ hôi vì đi lại nhưng họ đều mỉm cười tươi tắn.

14-42-21_nh-cc-tinh-nguyen-vien-bo-thuc-n-vo-khy
Các tình nguyện viên bỏ thức ăn vào khay theo từng suất

“Nhiều người muốn góp tiền nhưng quán không nhận. Quán chỉ nhận gạo, các loại thực phẩm, mắm muối và có ghi rõ tên từng người ủng hộ để minh bạch với các nhà hảo tâm.
Hiện mỗi ngày quán bán khoảng 200 suất cơm cho người lao động nghèo. Tôi cùng các bạn tình nguyện viên sẽ cố gắng để sắp tới quán hoạt động tất cả các ngày trong tuần và có thêm chi nhánh mới ở khu vực khu công nghiệp Hòa Khánh”, chị Nguyệt chia sẻ.

Anh Nguyễn Đăng Hòa (quản lý quán) cho hay tất cả nhân viên đều là tình nguyện viên, làm việc không nhận lương. Có bạn đang là sinh viên, có người làm nghề tự do hay nhân viên Nhà nước đến đây vì muốn góp sức mình giúp đỡ người khó khăn.

“Nhân viên của quán không cố định, ngày nào các bạn rảnh thì đến phụ giúp cùng mọi người. Trung bình mỗi ngày đều có khoảng 10 bạn tình nguyện viên đến với quán, có ngày lên đến 20 người”, anh Hòa kể.

Tình nguyện viên Trần Thị Lan Hương (nhân viên spa) kể, biết đến quán cơm 2.000 đồng qua mạng xã hội nhưng không tin là sự thật. Chị Hương rủ thêm một người bạn đến quán ăn mới tin là đúng nên thường xuyên ủng hộ gạo, mắm muối cho quán.

“Ngày nào quán mở bán mà em rảnh thì đều chạy sang phụ các bạn phục vụ các cô chú. Từ trước đến nay em chưa đi bán cơm lần nào, tuy việc này khá vất vả nhưng mà vui và ý nghĩa nên em chẳng thấy mệt”, chị Hương chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Huệ, sinh viên mới ra trường, cho biết đang trong thời gian xin việc nên đến quán góp sức cùng mọi người. Theo chị Huệ, quán bán cơm 2.000 đồng nhưng chất lượng rất đảm bảo, ngon, sạch và đủ chất.

“Em phụ trách việc nấu nướng nên biết rõ chất lượng thực phẩm mua vào, đều tươi và ngon. Mỗi ngày quán đều có 3 món kho, xào, canh và cả trái cây tráng miệng. Chúng em xây dựng thực đơn để trong suốt 15 ngày không bị lặp lại cho các cô bác khỏi bị ngán”, Huệ kể.

14-42-21_nh-nhn-vien-qun-nhn-go-tu-cc-nh-ho-tm
Các nhà hảo tâm ủng hộ gạo cho quán ăn

Nói xong, Huệ chỉ tay về phía người phụ nữ lớn tuổi nhất trong các tình nguyện viên rồi nói nhỏ: “Chị Nguyệt, chủ quán cơm nụ cười 2.000 đồng đó”.

Người phụ nữ đang tất bật tay chân, dọn chén bát mỉm cười khi tôi hỏi chuyện. Chị nói, nhẹ nhàng: “Ý tưởng này mình đã có từ lâu khi biết ở Hà Nội, TP.HCM có những quán cơm 2.000 đồng. Cuộc sống mình trước đây cũng khởi đầu từ khó khăn mà nên sự nghiệp nên mình muốn chia sẻ phần nào khó khăn với những người lao động nghèo phải vất vả mưu sinh. Một suất cơm 15.000 - 20.000 có lẽ không nhiều với nhiều người nhưng với những chị vé số, anh xe ôm thì họ phải vất vả lắm mới có được”.

Chị Nguyệt tâm sự, quán bán cơm với giá 2.000 đồng để mọi người cảm thấy thoải mái khi đến ăn. “Mình lấy 2.000 để mọi người biết rằng họ đã mua hẳn hoi chứ không phải họ xin. Số tiền này quán sẽ tích cóp lại để cuối năm tổng kết và trao tặng cho một trường tiểu học nghèo ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam)”, chị Nguyệt giải thích.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.