Cưa xăng đã xuất hiện tại tỉnh Bắc Kạn từ những năm 2010, đây là một công cụ lao động được phép sử dụng trong sản xuất. Tuy nhiên, ở xung quanh các khu rừng đặc dụng, nhiều đối tượng đã lợi dụng cưa xăng để sử dụng vào mục đích khai thác lâm sản trái phép.
Cưa xăng rất nhỏ gọn, có thể tháo rời phần xích, phần lưỡi khỏi thân cưa để mang vào rừng sâu, sau đó lắp ghép lại hoàn chỉnh để sử dụng. Theo những người sử dụng cưa xăng, trước đây, để chặt hạ một cây gỗ nghiến (nhóm IIA), lâm tặc dùng cưa tay hoặc đốt, mất nhiều thời gian, công sức. Nhưng từ khi có cưa xăng, lâm tặc chỉ cần khoảng 1 tiếng đồng hồ là có thể đốn hạ một cây gỗ nghiến có tuổi đời hàng trăm năm.
Ông Phan Tiểu Tuấn, Hạt phó Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, cưa xăng từng một thời là nỗi ám ảnh với những cánh rừng đặc dụng vì tốc độ tàn phá nhanh của nó. Chỉ cần một thời gian ngắn, lâm tặc có thể đốn hạ nhiều cây nghiến. Trước đây, cưa xăng khi sử dụng phát ra tiếng ồn lớn, nhưng sau này được cải tiến nên giảm đáng kể tiếng ồn, rất khó phát hiện.
Tỉnh Bắc Kạn hiện có 3 khu rừng đặc dụng lớn là Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc.
Tại Vườn Quốc gia Ba Bể, theo thống kê, số lượng cưa xăng của người dân trên địa bàn quản lý là 278 chiếc. Khu Bảo tồn hiên nhiên Kim Hỷ đã cấp giấy chứng nhận cho người dân sử dụng gần 400 cưa xăng. Trong khi đó tại Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc là 148 chiếc.
Trước sự nguy hiểm của cưa xăng, từ năm 2012, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng cưa xăng tại các khu bảo tồn và vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người dân phải đăng ký với chính quyền địa phương hoặc ban quản lý các khu rừng đặc dụng để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cưa xăng, việc sử dụng phải được giám sát chặt chẽ.
Hiện, tại Vườn Quốc gia Ba Bể, 237/278 chiếc cưa xăng đã đăng ký sử dụng, 41 chiếc chưa đăng ký. Ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết, cưa xăng mà người dân đã đăng ký được quản lý tập trung tại các trạm kiểm lâm. Khi người dân có nhu cầu sử dụng phải đăng ký với các trạm, trong đó phải nêu rõ mục đích sử dụng cưa xăng, thời gian sử dụng bao lâu để cán bộ kiểm lâm biết và giám sát.
Tương tự như vậy, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ cũng đã quản lý tập trung được 198/391 cưa xăng, số còn lại do các thôn, bản, chính quyền địa phương quản lý.
“Từ khi quản lý tập trung, việc theo dõi xuất, nhập cưa xăng được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định, khi người dân sử dụng được giám sát chặt chẽ nên tình trạng sử dụng cưa xăng để phá rừng đặc dụng đã giảm đáng kể”, ông Lê Xuân Diệu, Phụ trách Ban quản lý, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kim Hỷ thông tin.
Trong 3 khu rừng đặc dụng tại tỉnh Bắc Kạn, hiện duy nhất Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc không quản lý tập trung. Tại các thôn, bản vùng đệm của khu bảo tồn này, người dân đăng ký sử dụng với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, giám sát việc sử dụng.
Nhờ làm tốt công tác quản lý, dù số lượng cưa xăng của người dân ở khu vực rừng đặc dụng khá nhiều nhưng tình trạng phá rừng đã giảm hẳn. Nhiều năm nay, tại tỉnh Bắc Kạn không xảy ra các điểm nóng về chặt phá rừng đặc dụng. Riêng năm 2022, chỉ xảy ra 9 vụ vi phạm pháp luật trong khu vực rừng đặc dụng nhưng diện tích bị thiệt hại nhỏ.