| Hotline: 0983.970.780

Quản lý đê điều, phòng chống thiên tai: Cần nâng cao vai trò Chủ tịch UBND cấp huyện

Thứ Tư 08/07/2015 , 09:20 (GMT+7)

Ngày 7/7, tại TT Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Tổng cục Thủy lợi đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện về công tác quản lý, bảo vệ đê điều, hộ đê và phòng chống thiên tai năm 2015. 

Vai trò của các lãnh đạo huyện của 19 tỉnh miền Bắc, miền Trung có đê cấp III trở lên là nội dung chính được nhấn mạnh và thảo luận trong hội nghị…

Mất người, mất của vì… chủ quan

Theo Ban chỉ đạo TƯ phòng chống thiên tai, năm 2014 hiện tượng thiên tai xảy ra ít hơn cả về cường độ và số lượng so với trung bình nhiều năm tuy nhiên thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn rất lớn, làm 133 người chết và mất tích; 145 người bị thương; 1.985 nhà bị đổ sập; 45.758 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 230 ngàn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại và hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở… ước tổng thiệt hại khoảng 2.830 tỉ đồng.

Nguyên nhân chủ quan dẫn tới thiệt hại lớn như vậy là do chính quyền cấp huyện, xã triển khai công tác phòng chống thiên tai chưa quyết liệt.

Khi có lũ, bão, một số địa phương không tuyên truyền, hướng dẫn hoặc cấm người đi qua suối, ngầm, vớt củi nên trong cơn bão số 2 năm 2014 đã có tới 17 người chết do đi qua ngầm tràn, sông suối. Công tác tổ chức chằng néo nhà cửa cũng không kịp thời và thiếu hiệu quả nên nhiều nhà bị tốc mái, sập đổ.

Phương án phòng chống thiên tai của nhiều địa phương còn mang tính hình thức không sát với thực tế. Chưa xác định các vùng nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất nên vẫn còn tình trạng người bị chết do sạt lở đất gây đổ nhà. (6 người chết do sạt lở đất vào nhà ở Lai Châu).

Vi phạm đê điều đang phổ biến

Đặc biệt, do đặt nặng yếu tố kinh tế trước mắt nên việc quản lý khai thác, bảo vệ công trình phòng chống lụt bão tại các địa phương bị buông lỏng, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều còn phổ biến nên công trình đê điều nhanh xuống cấp.

Trong năm 2014, tại 19 tỉnh miền Bắc, miền Trung có đê từ cấp III trở lên xảy ra 5.247 vụ vi phạm quy định pháp luật đê điều nhưng chỉ có 738 vụ bị xử lý còn lại trên 4.500 vụ không xử lý do các cấp chính quyền địa phương buông lỏng.

Ở TP Hà Nội, tình trạng xây nhà trong khu vực hành lang phân lũ, kinh doanh tập kết cát sỏi VLXD trên mặt đê, khai thác cát dưới lòng sông… có thể bắt gặp ở hầu hết các huyện, xã có sông chảy qua.

Và hậu quả của việc khai thác cát và vi phạm pháp luật đê điều đã làm cho kè đê ở thị xã Sơn Tây bị sập và đẩy xa tới hàng trăm mét. Tương tự, ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép khu vực giáp ranh Phú Thọ - Vĩnh Phúc cũng đã làm cho bờ sông của xã Cao Phong sạt sâu tới 10 m. Các huyện Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên hay Gia Viễn thuộc tỉnh Ninh Bình cũng đang xảy ra tình trạng này.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi khẳng định tình trạng “hút cát lòng sông” đang là một vấn nạn có tác động hủy hoại vô cùng ghê gớm đến các công trình đê điều. Một kè đê phải đầu tư tới vài chục tỉ nhưng chỉ cần hút cát vài đêm là có thể khiến cho kè đê bị sạt và gây mất an toàn cho cư dân trong vùng.

Dẫn chứng về mối nguy hiểm tiềm ẩn trong hoạt động hút cát lòng sông, ông Hoài cho biết, thời gian gần đây lưu lượng dòng chảy của sông Thái Bình đã tăng lên gấp đôi trong khi thiết kế của các công trình phòng chống bão, lũ trước đây lại ở chỉ tiêu thấp nên không thể đảm bảo an toàn. Hoạt động khai thác cát cũng làm cho lòng dẫn của sông Hồng bị hạ thấp tới 4-5 m khiến mực nước thấp hơn.

Khi điều tiết nước phục vụ sản xuất, hồ thủy điện đã phải xả thêm tới 5 tỉ mét khối nước gây lãng phí tài nguyên bởi nếu 5 tỉ mét khối nước này được đưa vào sản xuất điện sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho đất nước và nếu các doanh nghiệp đủ điện sản xuất thì hiệu quả kinh tế sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Trách nhiệm Chủ tịch huyện

Thực tế cho thấy, sự phát triển của kinh tế xã hội và dân số đang làm gia tăng nhiều hơn các hoạt động liên quan đến hệ thống đê, làm gia tăng cả về số vụ vi phạm và tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn chống lũ của đê.

Tuy nhiên, cần xác định, hệ thống đê điều là tài sản lớn của đất nước, có nhiệm vụ phòng chống lũ lụt, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân trong vùng nên cấp huyện cần phải nâng cao vai trò quản lý, bảo vệ đê nhằm đảm bảo an toàn chống lũ bão của đê.

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện đã được quy định cụ thể tại Điều 43, Luật Đê điều trong đó Chủ tịch huyện là chủ thể chính trong việc tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ, tu bổ, nâng cấp kiên cố hóa đê điều và hộ đê trên địa bàn. Có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật đê điều và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đê điều.

Cấp huyện có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ đê, là cấp trực tiếp chỉ huy, ứng phó xử lý ngay từ khi có sự cố đe dọa an toàn chống lũ và cũng là cấp có thẩm quyền xử lý ngay những hành vi vi phạm pháp luật đê điều. Ở nơi nào đồng chí lãnh đạo UBND cấp huyện quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt thì ở nơi đó công tác quản lý, bảo vệ đê điều được thực hiện tốt, vi phạm pháp luật đê điều ít xảy ra và nhân dân ít bị thiệt hại mỗi khi có bão, lũ.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các huyện đã sôi nổi đóng góp ý kiến tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm xử lý khó khăn trong công tác bảo vệ và quản lý đê điều.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công trình cấp nước miền núi ở Khánh Hòa: Công nghệ lạc hậu, vận hành yếu kém

Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Khánh Hòa hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng.