Theo báo cáo của UBND huyện Hồng Dân, do ảnh hưởng của hạn hán, mực nước trên các tuyến kênh rạch xuống thấp đã làm một số tuyến đường giao thông nông thôn bị sụt lún nghiêm trọng, phát sinh 20 điểm, tổng chiều dài trên 1.000m.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân cho biết, việc sụt lún đã gây khó khăn cho việc đi lại, giao thương của người dân trên địa bàn. Với những khu vực bị sụt lún, UBND huyện chỉ đạo địa phương khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn cho người dân, phương tiện. Cùng với đó, địa phương tăng cường kiểm tra hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn để kịp thời gia cố, sửa chữa các đoạn bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Việt ở ấp Ninh Tiến, xã Ninh Quới A cho biết: Khoảng 1 tuần trở lại đây, nước dưới sông xuống thấp so với nhiều năm trước, khiến cho đường bê tông vừa đưa vào sử dụng cách đây không lâu đã bị sụt lút, gây hư hỏng nặng nề. Việc lưu thông của người dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đầu con đường bị bị nứt nhẹ, nhưng sau đó, đổ dần xuống phía sông, kéo dài ra.
Sau sự việc trên tại ấp Ninh Tiến, chính quyền địa phương đã nhanh chóng cử lực lượng xuống hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, thực hiện một tuyến đường tạm để người dân có thể lưu thông. Đồng thời, cắm biển cảnh báo quanh khu vực bị ảnh hướng và tiến hành các biện pháp khắc phục.
Ông Võ Văn Lễ, Bí thư Chi bộ ấp Ninh Tiến cho biết, trên địa bàn ấp có 2 điểm sụt lún và sạt lở, với chiều dài gần 400m, đồng thời xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ khác. Người dân rất mong các cấp chính quyền sớm khắc phục các tuyến đường, điểm sụt lún trên.
Trước đó, tại ấp Bà Hiên (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân), sụt lún đất đã làm một căn nhà cấp 4 của chị Đỗ Thị Huyền sụt hẳn xuống rạch. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mực nước trong rạch xuống thấp do ảnh hưởng bởi khô hạn. Rất may, vụ sụt lún không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản ước tính ban đầu khoảng 400 triệu đồng.
Chưa hết bàng hoàng sau vụ sụt lún, chị Đỗ Thị Huyền cho biết, sau khi căn nhà bị sụt xuống rạch, căn nhà không thể sửa chữa và đưa trở lại hiện trạng ban đầu. Chị phải tốn vài chục triệu đồng để phá dỡ, cố gắng vớt vát phần nào đó của căn nhà.
Trước diễn biến trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã chỉ đạo huyện Hồng Dân tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do sụt lún gây ra và triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng. Đối với những khu vực đã bị sụt lún khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn và lắp đặt biển cảnh báo đối với những khu vực có nguy cơ xảy ra sụt lún.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với UBND huyện Hồng Dân và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi diễn biến tình hình sụt lún ở các khu vực đã xảy ra, có nguy cơ xảy ra ở địa bàn các xã Ninh Quới, Ninh Quới A và thị trấn Ngan Dừa, để kịp thời có giải pháp ứng cứu, xử lý. Các địa phương, đơn vị thường xuyên báo cáo tình hình ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, thiếu nước và tình hình sụt lún đất, cũng như đưa ra các đề xuất kiến nghị về UBND tỉnh.