| Hotline: 0983.970.780

Công trình cấp nước miền núi ở Khánh Hòa: Công nghệ lạc hậu, vận hành yếu kém

Thứ Năm 09/05/2024 , 07:30 (GMT+7)

Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Khánh Hòa hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng.

Hiện nay các công trình cấp nước ở khu vực miền núi chưa phát huy hết nhiệm vụ cấp nước sạch cho người dân. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện nay các công trình cấp nước ở khu vực miền núi chưa phát huy hết nhiệm vụ cấp nước sạch cho người dân. Ảnh: Kim Sơ.

Hoạt động kém hiệu quả

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 106 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Trong đó, có 70 công trình cấp nước cho khu vực đồng bằng do doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh quản lý, khai thác tương đối hiệu quả; 36 công trình cấp nước cho khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông (TP Cam Ranh); Sơn Tân, Suối Cát (huyện Cam Lâm); Diên Tân, Suối Tiên (huyện Diên Khánh); xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa).

Tháng 1/2024, Sở NN-PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra 36 hệ thống nước sạch nông thôn tập trung cấp nước cho khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Qua kiểm tra, đa số các công trình được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp với công nghệ và thiết bị lạc hậu; quy mô đầu tư công trình bị hạn chế bởi nguồn kinh phí được cấp eo hẹp, khi xây dựng xong vẫn chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu dùng nước của người dân trong khu vực.

Khu xử lý nước sinh hoạt ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn. Ảnh: Kim Sơ.

Khu xử lý nước sinh hoạt ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn. Ảnh: Kim Sơ.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình, do thẩm quyền quyết định đầu tư là cấp huyện nên các chủ đầu tư không lấy ý kiến của Sở NN-PTNT (đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực nước sạch nông thôn). Vì vậy, Sở không có thông tin về các công trình được đầu tư xây dựng, cũng như không được góp ý về sự phù hợp, đồng bộ với quy hoạch cấp nước tổng thể trên địa bàn tỉnh và không sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại trong quá trình thực hiện công trình.

Bên cạnh đó, trong 36 hệ thống cấp nước thì có 34 hệ thống do UBND cấp xã quản lý, khai thác. Hầu hết nhân viên vận hành hệ thống chưa được đào tạo, tập huấn về xử lý nước, chỉ được hướng dẫn từ đơn vị thi công hoặc cán bộ xã nên đa số các công trình đều chỉ xử lý nước qua hệ thống lắng lọc thô. Một số công trình tuy được trang bị máy móc, thiết bị để xử lý hoá chất (keo tụ và khử trùng) nhưng không được thực hiện thường xuyên dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo.

Ngoài ra do nhân viên vận hành, quản lý đa số là kiêm nhiệm nên thời gian có mặt tại công trình để quản lý, theo dõi, vận hành không thường xuyên, cũng như không đảm bảo yêu cầu về cấp nước an toàn và quản lý tài sản, điển hình như các hệ thống cấp nước sinh hoạt Nước Nhĩ, xã Khánh Phú; xã Cầu Bà; thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh).

Công trình cấp nước ở xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn xuống cấp. Ảnh: Kim Sơ.

Công trình cấp nước ở xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn xuống cấp. Ảnh: Kim Sơ.

Mặt khác, một số địa phương tuy có thành lập Ban quản lý cấp nước nhưng lãnh đạo và các thành viên thường xuyên thay đổi nên việc quản lý công trình không được liên tục, sâu sát; việc theo dõi, hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước thực hiện không đầy đủ. 

Đối với các UBND xã không thành lập ban quản lý công trình cấp nước thì việc quản lý, vận hành được giao cho cán bộ bán chuyên trách kiêm nhiệm, không xây dựng phương án giá nước, không thu tiền nước… UBND xã phải hỗ trợ chi phí vận hành, sửa chữa nhỏ, chất lượng nước không đảm bảo; công tác mở sổ kế toán để theo dõi, hạch toán tài sản không được thực hiện, công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí.

Ngoài ra, còn 2 hệ thống cấp nước do đơn vị sự nghiệp cấp huyện (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) quản lý, khai thác. Trong đó, Ban quản lý các công trình công cộng và môi trường huyện Khánh Vĩnh đã có lộ trình thực hiện giải thể, còn Ban quản lý dịch vụ công ích huyện Khánh Sơn chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt…

Giải pháp

Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT Khánh Hòa nhận thấy nguyên nhân chính dẫn đến hệ thống cấp nước hoạt động kém hiệu quả xuất phát từ công tác quản lý, vận hành, khai thác.

Hiện nay hầu hết các công trình cấp nước ở miền núi, vùng đồng bào hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: Kim sơ.

Hiện nay hầu hết các công trình cấp nước ở miền núi, vùng đồng bào hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: Kim sơ.

Để khắc phục tình trạng này, cần xem xét giao công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho các doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp có chức năng cấp nước sạch để quản lý, vận hành, khai thác.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, do hiện tại chưa thu hút được các doanh nghiệp cấp nước cho khu vực này nên trước mắt ưu tiên giao công trình cho đơn vị sự nghiệp cấp huyện quản lý, vận hành, khai thác. Trong đó, tại huyện Khánh Vĩnh đề xuất giữ lại Ban quản lý các công trình công cộng và môi trường huyện, đồng thời giao các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn huyện bao gồm cả hệ thống cấp nước sinh hoạt cho 3 xã Khánh Bình, Khánh Đông, Khánh Hiệp đang chuẩn bị triển khai đầu tư.

Đối với hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Khánh Trung, trường hợp xã này đủ khả năng tiếp tục quản lý về con người, kinh phí, đảm bảo chất lượng nước thì xem xét giữ lại mô hình cho địa phương quản lý, khai thác.

Còn tại huyện Khánh Sơn đề xuất kiện toàn, bổ sung chức năng nhiệm vụ (sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt) của Ban quản lý dịch vụ công ích huyện để giao các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn huyện quản lý với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương các cấp và các sở, ngành liên quan.

Tuy nhiên về lâu dài để nâng cao hiệu quả cấp nước cho khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, cần xây dựng chính sách trợ giá, bù giá nước cho hộ nghèo, chính sách, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Cùng với đó xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành các công trình cấp nước nông thôn tập trung tại các khu vực miền núi, vùng đồng bào và các khu vực khó khăn khác.

Ngành nông nghiệp Khánh Hòa đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng núi, vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Kim Sơ.

Ngành nông nghiệp Khánh Hòa đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng núi, vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Kim Sơ.

Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, mở rộng các công trình cấp nước tập trung nông thôn với công nghệ xử lý nước tiên tiến, hiện đại. Trong đó, ưu tiên lồng ghép việc đầu tư xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn vốn khác để đảm bảo đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân.

Đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung gắn với công trình thủy lợi, hồ chứa nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, đáp ứng mục tiêu cấp nước an toàn cho người dân. Xem xét đầu tư xây dựng các công trình cấp nước liên xã, liên huyện, kết nối các hệ thống cấp nước ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững ưu tiên cho vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đánh giá khả năng khắc phục của các công trình đang hư hỏng, trường hợp chi phí sửa chữa cao cần ưu tiên thực hiện phương án thanh lý để đầu tư công trình liên xã với quy mô, công nghệ phù hợp.

Đặc biệt, tăng cường các hoạt động giáo dục, truyền thông để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách về nước sạch và vệ sinh nông thôn. Hướng dẫn kiến thức cho người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, chủ động tích, trữ nước để sử dụng trong mùa khô, thời gian hạn hán, ngập lụt…

Theo ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, nguyên nhân các hệ thống cấp nước do UBND xã quản lý hoạt động kém hiệu quả là do công tác quản lý vận hành chủ yếu là kiêm nhiệm, không có người quản lý có chuyên môn, kinh nghiệm về xử lý nước, thời gian theo dõi hoạt động của hệ thống không đảm bảo; các hệ thống không được lắp đặt thiết bị, công nghệ hiện đại nên gây khó khăn trong công tác vận hành, khai thác.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.